08/04/2016 - 13:54

Facebook giúp người khiếm thị “nhìn” được ảnh như thế nào?

Mạng Internet ngày nay bị lấn át bởi vô số hình ảnh, trung bình có 1,8 tỉ ảnh được tải lên các mạng xã hội phổ biến như Twitter, Instagram, WhatsApp và Facebook mỗi ngày. Với mong muốn giúp người khiếm thị có thể hiểu nội dung hình ảnh, mạng xã hội lớn nhất thế giới Facebook vừa tung ra tính năng "đọc" ảnh giúp họ.

Chú giải hình ảnh súc tích, dễ hiểu

Tính năng mới của Facebook sẽ đọc cho người khiếm thị nghe nhiều chi tiết trong hình ảnh. Ảnh: Facebook

Thông thường để có thể dùng được máy tính, những người khiếm thị phải sử dụng một phần mềm đọc màn hình vi tính - gọi là Screenreader. Phần mềm này giúp "dịch" nội dung trên màn hình thành âm thanh hoặc chữ nổi (chữ Braille). Tuy nhiên, Screenreader hiện chỉ đọc văn bản chứ không thể đọc được hình ảnh.

Trong khi đó, nhờ dùng trí thông minh nhân tạo (AI), các máy chủ của Facebook hiện đã có thể giải mã và mô tả các bức ảnh được tải lên mạng xã hội này, sau đó chuyển chúng thành thông tin mô tả bằng chữ để phần mềm screenreader có thể "đọc" ảnh cho người khiếm thị. Những dòng chú thích này rất ngắn và đơn giản. Ví dụ, khi một bức ảnh phong cảnh được tải lên Facebook, hệ thống sẽ chèn thêm dòng chú thích là "hình ảnh có thể chứa bầu trời, cây cối và ngoại cảnh". Phần mềm Screenreader sau đó sẽ đọc to dòng chữ này để người khiếm thị hiểu nhiều hơn về bức ảnh, cũng như những gì mà bạn của họ muốn truyền tải.

Theo Facebook, hệ thống mới được "huấn luyện" để có thể nhận biết khoảng 80 vật thể và hoạt động quen thuộc hàng ngày – bao gồm các phương tiện giao thông (như xe hơi, xe đạp, thuyền, máy bay…), môi trường (không gian ngoài trời, núi, biển, sóng, cây cỏ…), các hoạt động thể thao (quần vợt, bơi lội, sân vận động…), thực phẩm (kem, cà phê, sushi, pizza…) và mô tả ngoại hình (trẻ em, mắt kính, râu…). Hiện tại, hệ thống "đọc" ảnh cho người khiếm thị của Facebook mới bước đầu thử nghiệm tính năng này trên thiết bị chạy hệ điều hành iOS, dành cho người sử dụng ứng dụng mạng xã hội dùng tiếng Anh. Nhưng nhóm phát triển công cụ sử dụng AI tại Facebook cho biết công nghệ này sẽ được phát triển để có thể chạy trên nền tảng Android và có thêm nhiều ngôn ngữ khác trong tương lai.

Cùng với những công nghệ tiên tiến như trí thông minh nhân tạo, xe tự lái, robot và trợ lý cá nhân điều khiển bằng giọng nói, công cụ đọc nội dung hình ảnh của Facebook hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn cuộc sống của những người bị tổn thương thị giác trong những năm tới, theo hướng tích cực hơn.

Người đứng sau tính năng đọc ảnh của Facebook

 

Để có được tính năng mới này, không thể không kể đến Matt King (ảnh) – kỹ sư khiếm thị đầu tiên của Facebook – người bị mất hoàn toàn thị giác từ năm 22 tuổi vì căn bệnh viêm võng mạc sắc tố. Dù được xác định từ lúc mới sinh là sẽ bị mù, nhưng ông King vẫn nỗ lực tự thân vận động cho đến lúc hoàn toàn mù lòa, sau khi tốt nghiệp Đại học Notre Dame (Mỹ).

Năm 1998, kỹ sư King bắt đầu công việc đầu tiên tại tập đoàn công nghệ máy tính IBM và rời khỏi đây sau gần 2 thập niên cống hiến. Trong thời gian làm lập trình viên tại IBM, ông đã góp phần quan trọng trong việc hoàn thiện phần mềm đọc nội dung văn bản trên máy tính Screenreader, cụ thể là giúp tinh chỉnh và cải thiện trải nghiệm của người khiếm thị khi dùng phần mềm này, thông qua trải nghiệm của chính bản thân ông.

Dù chỉ mới gia nhập Facebook từ tháng 6-2015 nhưng kỹ sư khiếm thị đầu tiên của Facebook đã được tin tưởng giao thực hiện dự án lớn của công ty. Đối với King, việc hoàn thiện tính năng của mạng xã hội này xuất phát từ chính nhu cầu cá nhân. Ông chia sẻ mình vẫn còn nhớ như in "trải niệm gian khổ" khi lần đầu tiên lập tài khoản Facebook vào năm 2009. Cảm giác khó chịu của ông khi đó là không hề biết gì về những bức ảnh mà bạn bè đã tải lên và bình luận về chúng trên Facebook.

Hiện nay, với tư cách là thành viên nhóm nghiên cứu khả năng truy cập tại Facebook và là một trong số ít kỹ sư máy tính khiếm thị tại Thung lũng Silicon, Matt King được đánh giá là người có năng lực giúp định hình phạm vi giao tiếp rộng hơn và tạo ra các sản phẩm dành cho khách hàng là người khiếm thị, điều mà nhiều công ty công nghệ khác đang theo đuổi.

AN NHIÊN (Theo Mashable, BBC, Venture Beat)

Chia sẻ bài viết