05/03/2022 - 18:00

Bác sĩ Trương Hữu Khanh:

F0, quan trọng nhất là yếu tố tinh thần 

BS Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 1 chia sẻ, cập nhật kiến thức điều trị, chăm sóc F0 và những lưu ý hậu COVID-19 tại hội thảo vừa được tổ chức tại TP Cần Thơ.

BS Trương Hữu Khanh trò chuyện cùng các dược sĩ nhà thuốc Trung Sơn. Ảnh: H.HOA

BS Trương Hữu Khanh trò chuyện cùng các dược sĩ nhà thuốc Trung Sơn. Ảnh: H.HOA

Theo BS Trương Hữu Khanh, nhân viên y tế, người nhà cần trấn an F0, bởi đây là yếu tố quan trọng nhất khi bị nhiễm COVID-19. Một vài nghiên cứu chỉ ra tỷ lệ tử vong do stress cao, stress nguy cơ gây nên cơn bão cytokine. Vì thế, quan trọng nhất là làm cho bệnh nhân an tâm.

Khi phát hiện bản thân nhiễm COVID-19, nhiều người lo đến mức hoảng loạn. Lo cho bản thân, lo người lớn tuổi trong nhà, trẻ con và bây giờ lo hậu COVID-19. Ngoài tinh thần, ăn đủ chất, uống đủ nước, ngủ đủ giấc, vận động đủ, tinh thần lạc quan, tích cực là liều thuốc tốt nhất cho người bệnh.

Về thể chất, F0 thường có các triệu chứng sốt, ho, tiêu chảy, mất ngủ, mệt…, quan trọng nhất là mệt và không ngủ được. Nhân viên y tế giúp F0 tìm nguyên nhân, giải quyết hai vấn đề này.

Bệnh nhân F0 hay lo COVID-19 tấn công phổi và than phiền khó thở. Tuy nhiên, khó thở có thể do tinh thần hoặc do tổn thương phổi. Muốn biết khó thở do tinh thần hay tổn thương phổi thì đo nồng độ oxy trong máu.

Nhiều bệnh nhân gặp triệu chứng như mất vị giác, phát ban, mắt đỏ. Nhưng thật ra khi xuất hiện các biểu hiện này là bệnh sắp khỏi. Lưu ý khi dùng thuốc. Với thuốc kháng virus, 3 liều đầu tiên có thể làm bệnh nhân khó chịu, sau đó quen dần.

F0 ở nhà, nên đo nồng độ oxy trong máu. Nếu nghi ngờ  máy đo thì đo thử ở người bình thường xem máy chạy ổn không.  

Nếu bệnh nhân có các biểu hiện vã mồ hôi, có thể do thiếu vi chất, cần bổ sung vitamin và khoáng chất. Vitamin uống buổi tối khó ngủ. Bác sĩ không nên kê cho bệnh nhân quá nhiều thuốc, kể cả thuốc bổ vì dễ làm F0 hoảng sợ.

Nếu F0 có bệnh nền thì tiếp tục dùng thuốc điều trị bệnh nền, tuyệt đối không ngưng các thuốc đang điều trị bệnh nền.

Kháng sinh, kháng viêm, kháng đông, sử dụng theo chỉ định bác sĩ. Người có yếu tố nguy cơ nên dùng.

Về hậu COVID-19, người tiêm vaccine thì khả năng hậu COVID-19 ít hơn. Hậu COVID-19 đa số do tâm lý. Ở trẻ nhỏ, nếu sau COVID-19, trẻ không có triệu chứng gì thì không cần đi khám. Nếu trẻ bị lở miệng, sốt, ho, nôn ói... mới cần đi khám.

Sau khi khỏi COVID-19, quan trọng là dinh dưỡng, vận động. Nhiều tổn thương do thiếu vi chất cần bổ sung thêm. Nếu nghi ngờ tổn thương phổi thì chụp X-quang. Nếu ho kéo dài, đau nhức kéo dài, mệt kéo dài... nên khám xem do hậu COVID-19 hay do bị bệnh khác.

Khi khỏi bệnh COVID-19, sức khỏe bình thường thì không cần đi khám hậu COVID-19 mà nên có thói quen 6 tháng khám sức khỏe định kỳ.

Một số phụ huynh lo lắng khi con đi học bị lây COVID-19. Trước khi đi học, trẻ cũng có nguy cơ nhiễm vì các cháu tiếp xúc người thân, hàng xóm, đi chơi, siêu thị, du lịch... Nên không chắc đi học bị nhiễm nhiều hơn. Trong khi đi học rất quan trọng với trẻ, giúp các cháu phát triển cảm xúc, hoạt động nhóm, giao tiếp bạn bè... Theo BS Trương Hữu Khanh, nên cho trẻ đi học, trẻ bệnh nhẹ, dễ hết và cũng đừng mong muốn khi đi học không có F0 ở trong trường, trong lớp.

H.HOA (lược ghi)

Chia sẻ bài viết