31/07/2021 - 09:25

EU vượt Mỹ về tiêm vaccine COVID-19 

Trong khi Liên minh châu Âu (EU) đang chủng ngừa cho người dân với tốc độ ổn định, Mỹ phải chật vật thuyết phục những người chưa muốn tiêm vaccine.

Một phụ nữ lớn tuổi ở Pháp được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AFP

Một phụ nữ lớn tuổi ở Pháp được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: AFP

Ở giai đoạn đầu của chiến dịch tiêm vaccine trong năm nay, khi đối mặt với tình trạng trì hoãn giao hàng và thiếu hụt chế phẩm ngừa COVID-19, các nước châu Âu từng ganh tị trước những nỗ lực thành công hơn ở Mỹ, Anh và Israel. Tuy nhiên, tính đến ngày 29-7, EU đã tiêm ít nhất một liều cho 259 triệu người, chiếm 58,3% tổng dân số của 27 nước thành viên. Tỷ lệ này của Mỹ là 56,7%, tương đương 189 triệu người.

Trong khi chiến dịch chủng ngừa ở nhiều bang của Mỹ gặp khó bởi tâm lý chống vaccine của một bộ phận người dân, các nước EU vẫn có thể tiêm chủng cho dân số của họ và vấp phải sự phản đối ít hơn. Theo kết quả khảo sát hồi tháng 5, khoảng 75% công dân EU đồng ý rằng vaccine là cách duy nhất để chấm dứt đại dịch COVID-19. Ngoài ra, 79% cho biết sẽ tiêm vaccine ở một thời điểm nào đó trong năm nay.

Trong những tuần gần đây, chiến dịch tiêm vaccine ở EU và Mỹ trở nên cấp bách hơn giữa lúc biến thể Delta hoành hành trên toàn cầu. Số ca nhiễm tăng nhanh ở châu Âu và Mỹ đã khiến các nhà lãnh đạo chính trị lẫn chuyên gia y tế tìm kiếm những giải pháp mới để “dụ” người dân tiêm vaccine. Chính phủ một số nước châu Âu thuyết phục người dân bằng cách đặt ra những hạn chế tiếp cận địa điểm công cộng đối với những trường hợp chưa tiêm vaccine.

Ở Mỹ, các bang và thành phố cũng bắt đầu khuyến khích người dân tiêm vaccine và nỗ lực kiềm chế số ca nhiễm tăng cao do sự lây lan nhanh của biến thể Delta. Trong tuần này, bang California và thành phố New York đã quyết định yêu cầu công chức, viên chức từ nay đến giữa tháng 9 phải hoàn thành tiêm vaccine nếu không muốn bị buộc phải xét nghiệm hàng tuần. Theo thông cáo của Bộ Tài chính Mỹ, Tổng thống Joe Biden đã kêu gọi chính quyền các bang, vùng lãnh thổ và cấp địa phương tặng 100USD cho mỗi công dân nước này vừa được tiêm vaccine lần đầu. Đây là biện pháp khuyến khích bổ sung nhằm gia tăng tỷ lệ tiêm chủng, bảo vệ cộng đồng và tính mạng con người.

Trong cuộc họp báo cùng ngày tại Nhà Trắng, Tổng thống Biden công bố thêm một loạt biện pháp mạnh tay nhằm ứng phó biến chủng Delta. Bất kỳ ai làm việc cho chính phủ liên bang nhưng không chứng minh được họ đã tiêm vaccine buộc phải xét nghiệm định kỳ hàng tuần hoặc 2 tuần/lần, đồng thời chịu hạn chế di chuyển công vụ. Có 4 triệu viên chức liên bang và các nhân viên hợp đồng làm việc với Chính phủ Mỹ. Ông Biden cũng yêu cầu Bộ Quốc phòng Mỹ lên kế hoạch tiêm chủng bắt buộc cho quân nhân.

Hiện nay, xứ cờ hoa triển khai khoảng 500.000 liều vaccine mỗi ngày, giảm 85% so với trung bình 3,4 triệu liều/ngày hồi đầu tháng 4.

Làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới nhất ở Mỹ khiến những người đã tiêm vaccine phòng bệnh bức xúc. Họ cho rằng những người không chịu tiêm chủng là nguyên nhân làm cho dịch COVID-19 kéo dài và chính quyền phải tái áp dụng các biện pháp hạn chế phòng dịch thay vì tất cả cùng có một mùa Hè thoải mái đi du lịch.

Tiêm chủng giúp ngăn chặn 60.000 ca tử vong tại Anh

Cơ quan Y tế Công cộng England (PHE) cho biết, chương trình tiêm vaccine của Vương quốc Anh đã giúp ngăn chặn khoảng 60.000 ca tử vong và 22 triệu ca mắc COVID-19 tại nước này.

Theo báo cáo giám sát của PHE, chương trình tiêm chủng cũng trực tiếp ngăn chặn hơn 52.600 ca nhập viện do COVID-19.  Báo cáo này ước tính khoảng 95,5% dân số trưởng thành của Anh hiện có kháng thể với COVID-19 nhờ tiêm chủng hoặc đã mắc bệnh, làm dấy lên hy vọng Anh có thể đang tiến gần tới ngưỡng miễn dịch cộng đồng.

Cho tới nay, đã có 37,78 triệu người, chiếm 71,4% dân số trưởng thành tại Anh, đã tiêm đủ 2 mũi vaccine ngừa COVID-19. Số người tiêm ít nhất 1 mũi là 46,73 triệu, chiếm 88,4%.

HẠNH NGUYÊN (Theo WSJ, Guardian)

Chia sẻ bài viết