03/10/2020 - 08:34

EU trừng phạt Belarus 

Sau nhiều giờ thảo luận, các lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) ngày 2-10 đã nhất trí áp đặt biện pháp trừng phạt Belarus, đồng thời gửi thông điệp cứng rắn đến Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh EU.  Ảnh: Reuters

Các nhà lãnh đạo tại hội nghị thượng đỉnh EU.  Ảnh: Reuters

Động thái trên mở đường cho các lệnh cấm đi lại và phong tỏa tài sản đối với khoảng 40 quan chức Belarus bị cho làm sai lệch kết quả bầu cử tổng thống nước này hồi đầu tháng 8. Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko không nằm trong danh sách bị trừng phạt, nhưng Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cảnh báo EU “sẽ theo dõi tình hình” và có thể thực hiện những thay đổi. Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng lệnh trừng phạt quan chức Belarus sẽ phát đi “tín hiệu rất quan trọng”.

Trước đó, Ngoại trưởng Belarus Vladimir Makei cáo buộc các nước phương Tây tìm cách gieo rắc “hỗn loạn và tình trạng vô chính phủ” tại nước cộng hòa từng thuộc Liên Xô trước đây. Về phần mình, Nga cũng đã lên án các biện pháp trừng phạt của phương Tây nhằm vào Belarus là “không thể chấp nhận được”.

Belarus đang bị rung chuyển bởi các cuộc biểu tình phản đối chính phủ trên đường phố kể từ cuộc bầu cử tổng thống gây tranh cãi vừa qua. Theo kết quả bầu cử, Tổng thống Lukashenko tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 với hơn 80% số phiếu ủng hộ và đã tuyên thệ nhậm chức hồi cuối tháng rồi. Tuy nhiên, EU không công nhận ông này là tổng thống hợp pháp của Belarus, do vậy kêu gọi bầu cử lại.

Vượt qua trở ngại Cộng hòa Síp

Các biện pháp trừng phạt Belarus thật ra đã được các thành viên EU nhất trí hồi tháng 8, ngoại trừ CH Síp. Trong nhiều tuần qua, CH Síp từ chối thông qua lệnh cấm vận Minsk trừ phi các quốc gia thành viên khác đồng ý bổ sung Thổ Nhĩ Kỳ vào “danh sách đen” do nước này tiến hành các hoạt động thăm dò dầu khí tại khu vực đang tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải. Hai vấn đề này không liên quan trực tiếp với nhau, nhưng CH Síp lập luận rằng EU phải nhất quán trong việc phản ứng trước những vi phạm nguyên tắc cốt lõi.

Do vậy, để làm “mát dạ” CH Síp, các lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh đã cam kết xem xét hành vi của Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 12 tới và sẽ trừng phạt nếu Ankara tiếp tục hoạt động thăm dò dầu khí tại vùng biển trên. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Michel mô tả thỏa thuận trên là “chiến lược kép” đối với Thổ Nhĩ Kỳ, vừa đề xuất thắt chặt quan hệ về thương mại và các lĩnh vực khác, nhưng cũng để ngỏ khả năng áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế trong trường hợp nước này không hạ nhiệt căng thẳng với CH Síp tại Địa Trung Hải.

Theo giới ngoại giao, chính phủ các nước, bao gồm Đức, lo ngại việc chọc giận Thổ Nhĩ Kỳ bởi thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) này đóng vai trò quan trọng trong kiềm chế làn sóng di cư trái phép vào châu Âu.

Đức phản đối quan điểm cứng rắn đối với Ankara vì lo ngại điều này sẽ phá hoại nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp - hai nước thành viên NATO. Trong dấu hiệu cho thấy xung đột ngoại giao dịu xuống, hôm 1-10, NATO thông báo Athens và Ankara đã đồng ý thiết lập một “cơ chế giải quyết xung đột quân sự” nhằm tránh đụng độ ngoài ý muốn trên biển. Việc Thổ Nhĩ Kỳ triển khai tàu thăm dò địa chất Oruc Reis tới vùng biển tranh chấp với Hy Lạp ở Đông Địa Trung Hải đã gây ra những căng thẳng mới giữa hai nước.

HẠNH NGUYÊN (Theo Reuters, AP)

Chia sẻ bài viết