09/04/2019 - 21:48

EU “mất kiên nhẫn” với Trung Quốc 

Hôm 9-4, Liên minh châu Âu (EU) và Trung Quốc tiến hành hội nghị thượng đỉnh tại Thủ đô Brussels (Bỉ). Nhiều nhà quan sát dự đoán bất đồng sâu sắc về thương mại, đầu tư có thể “phủ bóng” lên sự kiện thường niên này trong bối cảnh căng thẳng quan hệ song phương chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Từ trái sang: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: Reuters

Từ trái sang: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker. Ảnh: Reuters

Bắc Kinh và Brussels nhiều tuần qua đã “đau đầu” tìm tiếng nói cho bản dự thảo tuyên bố chung trước cuộc thượng đỉnh giữa Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cùng người đứng đầu Hội đồng châu Âu Donald Tusk. Trước thềm hội nghị, các nhà ngoại giao EU cho biết nhóm đàm phán đã có một số tiến bộ nhưng vẫn chưa đạt được văn kiện đồng thuận cuối cùng.

Hội nghị thượng đỉnh EU-Trung Quốc diễn ra khi châu Âu bắt đầu thay đổi lập trường với đối tác thương mại hàng đầu. Sau nhiều năm dành cho Trung Quốc quyền tiếp cận thị trường gần như không hạn chế, Reuters cho biết EU đang “mất kiên nhẫn” trước tốc độ chậm chạp của tiến trình mở cửa nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Sự thống trị của các công ty Trung Quốc tại một số thị trường EU và hoạt động thâu tóm các ngành công nghiệp chiến lược cũng khiến Brussels trở nên bất an. Mặc dù ưu tiên giải pháp đối thoại, tránh can dự vào cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng nhiều nước EU có cùng quan điểm với Washington yêu cầu Bắc Kinh cải cách, đặc biệt vấn đề trợ cấp công nghiệp và ép buộc chuyển giao công nghệ.

Theo giới phân tích, châu Âu đang trở nên quan trọng trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc và điều này dấy lên mối lo ngại ở Brussels, rằng Bắc Kinh đang “chia rẽ và chi phối” khiến lợi ích tập thể khu vực suy yếu. Tháng rồi, Ủy ban châu Âu còn đề ra kế hoạch hành động 10 điểm xem xét mở rộng phạm vi hợp tác nhưng đòi hỏi mối quan hệ tương hỗ rõ ràng hơn từ cường quốc châu Á.

Hôm 8-4, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã lên tiếng về vấn đề này khi nhấn mạnh Trung Quốc muốn hợp tác với EU, phủ nhận cáo buộc Bắc Kinh đang cố chia rẽ liên minh bằng cách đầu tư vào các quốc gia Đông Âu. Gần đây, Trung Quốc còn giới thiệu luật đầu tư nước ngoài mới dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2020, bao gồm các điều khoản cấm chuyển giao công nghệ bắt buộc và đảm bảo quyền lợi của doanh nghiệp nước ngoài. Nhưng theo nhiều quan chức EU, điều luật này vẫn còn thiếu chi tiết và tiếp tục đặt ra câu hỏi về hiệu quả nếu được thực thi.

Tuy tồn tại mâu thuẫn, nhưng một số nhà phân tích cho biết hội nghị thượng đỉnh giữa Brussels và Bắc Kinh hôm 9-4 đồng thời là cơ hội để cả hai tập trung các lĩnh vực cùng quan tâm, chẳng hạn thương mại đa phương và biến đổi khí hậu. Trong đó, kế hoạch đầu tư của Trung Quốc vào nền kinh tế xanh là rất lớn và châu Âu lại có thế mạnh rõ ràng trong các lĩnh vực mà Bắc Kinh quan tâm. Quan trọng là quan hệ hợp tác này không chỉ mang lại lợi ích một chiều. Nhìn chung, mặc dù căng thẳng kéo dài giữa hai bên chủ yếu trong vấn đề liên quan sáng kiến “Vành đai, Con đường” nhưng cơ hội để EU và Trung Quốc xây dựng mối quan hệ đối tác sâu sắc hơn là hết sức rõ ràng, hướng tới mục tiêu thúc đẩy tăng trưởng và xác định bối cảnh quan hệ quốc tế cùng với Mỹ.

MAI QUYÊN

Chia sẻ bài viết