Trong động thái được đánh giá là muốn Serbia thoát khỏi sự phụ thuộc vào vũ khí do Nga sản xuất, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic hôm 29-8 đã công bố thỏa thuận mua 12 chiến đấu cơ đa năng Rafale của Pháp trị giá 3 tỉ USD.
Tổng thống Pháp Macron (trái) và người đồng cấp Serbia Vucic tại cuộc họp báo chung hôm 29-8. Ảnh: EPA
Số máy bay tiêm kích đa năng này sẽ giúp Serbia hiện đại hóa lực lượng không quân và thay thế các máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô. Rafale có thể được sử dụng để săn máy bay địch, tấn công các mục tiêu trên bộ, trên biển và thực hiện trinh sát.
Hợp đồng lịch sử
Thông báo về việc mua số chiến đấu cơ nói trên được ông Vucic đưa ra trong cuộc họp báo chung với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tại thủ đô Belgrade trong chuyến thăm kéo dài 2 ngày tới Serbia của nhà lãnh đạo xứ gà trống Gaulois. Phát biểu tại cuộc họp báo, Tổng thống Vucic mô tả việc Serbia mua chiến đấu cơ Rafale là một bước tiến lớn. “Nó sẽ góp phần đáng kể vào việc cải thiện năng lực hoạt động của quân đội chúng tôi. Chúng tôi rất vui khi trở thành một phần của câu lạc bộ Rafale. Chúng tôi cảm ơn Tổng thống Pháp đã đưa ra quyết định này và cho phép chúng tôi mua máy bay Rafale mới” - ông Vucic cho biết.
Việc Pháp bán chiến đấu cơ Rafale cho Serbia làm dấy lên nhiều lo ngại rằng Belgrade sẽ chuyển giao công nghệ sản xuất chiến đấu cơ này cho Mát-xcơ-va. Song, Tổng thống Vucic đã lên tiếng bác bỏ khả năng đó. “Lần đầu tiên trong lịch sử, Serbia mua được chiến đấu cơ của phương Tây. Bạn muốn Serbia làm đối tác sao bạn lại tỏ ra nghi ngờ?” - ông Vucic đặt câu hỏi.
Tương tự, khi được phóng viên hỏi về việc liệu thỏa thuận mua số chiến đấu cơ nói trên có bao gồm điều khoản hạn chế Serbia chia sẻ công nghệ Rafale tinh vi cho Nga hay không, ông Macron cho hay thỏa thuận này bao gồm “các điều khoản như bất kỳ thỏa thuận quốc phòng nào khác”. Tổng thống Macron nhấn mạnh: “Ðây là hợp đồng mang tính lịch sử và có ý nghĩa quan trọng. Nó thể hiện lòng dũng cảm chiến lược của Serbia và là minh chứng thực sự cho tinh thần châu Âu. Liên minh châu Âu (EU) cần một Serbia mạnh mẽ và dân chủ bên cạnh mình. Ðổi lại, Serbia cũng cần một châu Âu mạnh mẽ, có chủ quyền để bảo vệ lợi ích của Serbia”.
Serbia là ứng viên chờ gia nhập EU kể từ năm 2012. Tổng thống Vucic cũng coi việc gia nhập EU là ưu tiên hàng đầu của nước này. Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Serbia và vùng lãnh thổ Kosovo được xem là một trong những trở ngại khiến Serbia chưa thể trở thành thành viên của khối 27 quốc gia này. Trong một lá thư được đăng trên báo chí Serbia ngày 29-8, Tổng thống Macron nói rằng ông lấy làm tiếc vì Serbia chưa gia nhập EU trước chuyến đi này của ông, nhưng ông tin rằng Serbia “đang hoàn toàn thuộc về EU”. Ông khuyên rằng Belgrade không nên lo sợ bị mất chủ quyền và bản sắc khi gia nhập EU.
Chiến lược của EU với Serbia
Thương vụ chiến đấu cơ chỉ là một trong nhiều thỏa thuận được ký kết nhân chuyến thăm Serbia lần thứ hai trong 5 năm qua của Tổng thống Macron. Hiện công ty Vinci của Pháp cũng đang giám sát quá trình cải tạo sân bay Nikola Tesla ở Belgrade, trong khi các tập đoàn của Pháp chuẩn bị xây dựng ga tàu điện ngầm đầu tiên của thủ đô Belgrade và 1 nhà máy xử lý nước thải hiện đại.
Giới phân tích cho rằng chuyến thăm này là một phần trong chiến lược của EU nhằm lôi kéo Serbia ra khỏi tầm ảnh hưởng của Nga. Ðược biết, Nga là nhà cung cấp máy bay quân sự truyền thống cho Serbia và Serbia là quốc gia từ chối tham gia các lệnh trừng phạt quốc tế đối với Nga xung quanh “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine.
Hồi tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Ðức Olaf Scholz cũng đã tới Belgrade để chứng kiến lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Serbia và EU về việc phát triển quy trình khai thác lithium và thành lập nhà máy sản xuất pin điện tại Serbia, nhấn mạnh tầm quan trọng chiến lược của nguồn tài nguyên này đối với ngành công nghiệp xe điện của châu Âu. Nhà lãnh đạo Ðức cho biết đây là một thỏa thuận quan trọng của châu Âu, góp phần giúp châu Âu duy trì chủ quyền và độc lập trong việc cung cấp nguyên liệu thô trong một thế giới đang có nhiều biến động. Ông Vucic cho biết hiện tại, Serbia chỉ bán lithium cho các đối tác châu Âu, bất chấp sự quan tâm của các nhà sản xuất Trung Quốc và việc Ðức đề nghị hỗ trợ phát triển chuỗi giá trị sản xuất lithium rộng rãi hơn sẽ mang lại cho Serbia hàng tỉ đô la đầu tư.
Sự kiện diễn ra chỉ vài ngày sau khi Belgrade “bật đèn xanh” cho Rio Tinto, công ty đa quốc gia của Anh - Úc, tiếp tục khai thác lithium ở phía Tây nước này. Rio Tinto dự đoán, sản lượng lithium của họ tại Serbia có thể đạt khoảng 58.000 tấn, giúp đưa Serbia lên bản đồ về khai thác và tinh chế lithium, từ đó cho phép Belgrade có nhiều đòn bẩy hơn đối với EU.Thỏa thuận được ký kết trong bối cảnh EU phụ thuộc rất lớn vào Trung Quốc về nguồn pin nhiên liệu và pin lithium-ion cho xe điện cũng như các nhu cầu của khối này đối với lithium ngày càng gia tăng. Ðây là thỏa thuận mới nhất trong số hơn chục thỏa thuận mà Brussels đã ký kết nhằm giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Hiện tại, 97% lithium mà EU sử dụng là từ Trung Quốc.
TRÍ VĂN (Tổng hợp)