Ngoài khủng hoảng di cư và vấn đề Anh rời Liên minh châu Âu (EU), giới quan sát cho biết thách thức từ sách lược đối ngoại của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng phủ bóng lên hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra tại Thủ đô Valletta của Malta hôm 3-2.
Đối phó khủng hoảng tị nạn
Đây là cuộc họp cấp cao đầu tiên của giới lãnh đạo EU kể từ khi Tổng thống Trump nhậm chức. Tại hội nghị, các bên thảo luận giải pháp hạn chế dòng chảy tị nạn từ Trung Đông và Bắc Phi đổ về châu Âu. Trước đó, Thủ tướng Ý Paolo Gentiloni cho biết nước này đã đạt được thỏa thuận với Chính phủ Libya về việc làm thế nào để ngăn chặn người di cư bất hợp pháp.

Từ trái sang: Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Chủ tịch EC Donald Tusk và Chủ tịch Nghị viện châu Âu (EP) Antonio Tajani. Ảnh: dailysabah
Kế hoạch mới bao gồm thúc đẩy hợp tác giữa các bên liên quan trong công tác hỗ trợ, huấn luyện Lực lượng bảo vệ bờ biển Libya để đóng cửa các tuyến đường di cư từ Libya đến Ý qua Địa Trung Hải nhằm ngăn chặn người tị nạn bất hợp pháp vào châu Âu, góp phần giải quyết nạn buôn người. Trước cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk nhấn mạnh việc ngăn chặn đường dây buôn người "là cách duy nhất" dừng hành trình nguy hiểm của người di cư tìm cách đến châu Âu.
Thủ tướng Gentiloni nói thêm, thỏa thuận này "chỉ là một phần" trong kế hoạch lớn hơn được thảo luận tại Valletta. Trong dự thảo tuyên bố chung, các quan chức EU cho biết họ sẽ xem xét việc hồi hương người di cư. Trong khi đó, Lực lượng bảo vệ bờ biển Ý ngày 2-2 cho biết hơn 1.400 người di cư đã được giải cứu ở Địa Trung Hải chỉ trong vòng 24 giờ.
Giải quyết hệ quả Brexit và "thách thức" từ Donald Trump
Ngoài di cư, hội nghị thượng đỉnh Malta còn tập trung tìm cách khắc phục các vấn đề sau khi Anh rời EU (Brexit) và định hướng quan hệ giữa Brussels với Luân Đôn trong tương lai. Đồng thời, hội nghị cũng nhấn mạnh sự cần thiết đoàn kết các quốc gia trong khối trước nguy cơ rạn nứt bởi nhiều nước châu Âu đang có cách tiếp cận khác nhau đối với chính quyền mới của Mỹ giữa lúc nghi ngại tác động từ sách lược đối ngoại của ông Trump trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương ngày càng gia tăng.
Chẳng hạn như trong lúc Chính phủ Anh đang từng bước thúc đẩy hợp tác với Mỹ thì các đầu tàu EU như Đức và Pháp lại có khuynh hướng phản đối chính sách của ông Trump. Theo Tổng thống Pháp Francois Hollande, chính quyền mới của Mỹ đang "khuyến khích" sự lan rộng chủ nghĩa dân túy, thậm chí chủ nghĩa cực đoan. Trái lại, các động thái mới của Washington lại nhận được ủng hộ từ các đảng cực hữu và chính phủ một số nước châu Âu, bao gồm lãnh đạo Hungary và Ba Lan.
Theo giới quan sát, phương pháp tiếp cận khác nhau chính là thách thức mà các nhà lãnh đạo EU phải đối mặt nhằm thích nghi với lập trường, chính sách của ông Trump - người mà họ có thể ủng hộ hoặc phản đối nhưng không thể bỏ qua. "Quan ngại xuất phát từ những tuyên bố gần đây của chính quyền mới ở Mỹ khiến tương lai của EU trở nên khó lường. Sự thay đổi của Washington đang đặt EU vào một tình huống khó khăn. Những thách thức đối với EU càng trở nên nguy hiểm hơn bao giờ hết" trích thư ngỏ của Chủ tịch EC Donald Tusk trước thềm hội nghị Malta. Qua đây, ông Donald Tusk kêu gọi EU hoặc đoàn kết và có những bước tiến lớn nhằm thúc đẩy hội nhập châu Âu hoặc phải "chịu đựng các mối đe dọa" từ Tổng thống Mỹ Trump bên cạnh sự trỗi dậy của Nga, Trung Quốc và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.
MAI QUYÊN (Tổng hợp)