28/12/2007 - 16:13

Dược Viễn Đông đầu tư 320 tỷ đồng đến năm 2010

Tiếp tục những bước phát triển mạnh mẽ của mình, Tập đoàn Dược phẩm Viễn Đông vừa thông qua danh mục đầu tư giai đoạn 2007 – 2010, gồm 6 dự án mới với tổng số vốn đầu tư lên tới 320 tỷ đồng. Ông Lê Văn Dũng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dược phẩm Viễn Đông cho biết, 6 dự án mới này đều tập trung vào các thế mạnh của Viễn Đông, đồng thời phù hợp với những mục tiêu, chiến lược phát triển lâu dài của Tập đoàn.

Những dự án lớn


Không khó khăn để nhận ra 6 dự án này bao quát tất cả các khâu hoạt động của một doanh nghiệp dược lớn, từ tạo nguồn sản phẩm (xây dựng nhà máy LiLi France liên doanh với đối tác Pháp ra sản phẩm mới, mua bản quyền sản phẩm và chuyển giao công nghệ của đối tác Hàn Quốc) đến khâu tiêu thụ (cải cách kênh phân phối,  nhận phân phối sản phẩm tại các tỉnh, thành phố cho các công ty lớn) và mở rộng hoạt động thông qua việc mua cổ phần của các nhà máy sản xuất.

Điểm đáng chú ý là trong tổng số vốn đầu tư trên 320 tỷ đồng cho 6 dự án mới, Công ty Cổ phần Dược phẩm Viễn Đông Tp. HCM (Công ty mẹ của Tập đoàn Viễn Đông) đóng góp  tới trên 175 tỷ đồng. Nguồn vốn này được hình thành  từ lợi nhuận tích luỹ trong kinh doanh, phát hành cổ phiếu ra công chúng và cổ đông chiến lược theo lộ trình tái cơ cấu nguồn vốn chủ sở hữu của Công ty tới năm 2010. Rõ ràng lộ trình đại chúng hoá Công ty Cổ phần Dược phẩm Viễn Đông TP. HCM đã chuẩn bị kỹ lưỡng.

Trong số 6 dự án được rót vốn đầu tư giai đoạn 2007 – 2010, hai dự án có vốn đầu tư lớn (mỗi dự án 80 tỷ đồng) là xây dựng nhà máy bào chế dược phẩm LiLi France liên doanh với nước ngoài và dự án mua cổ phần của một số nhà máy dược phẩm có năng lực; bốn dự án còn lại đều có mức vốn đầu tư từ 30 tỷ đồng đến 50 tỷ đồng.

Đầu tư cho những thế mạnh

Theo ông Dũng, việc dành khoản vốn lớn cho dự án xây dựng nhà máy dược hiện đại, quy mô chính là sự đầu tư xứng đáng để Tập đoàn phát triển bền vững, lâu dài. Nhà máy này là một đơn vị kinh doanh độc lập, chuyên nghiệp, có trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ sản xuất dược phẩm hàng đầu Việt Nam, sẽ sản xuất phục vụ cho toàn bộ kênh phân phối của các công ty thành viên trong Tập đoàn, gia công các thương hiệu dược phẩm mạnh trong và ngoài nước và phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Ông Dũng không giấu tham vọng đưa nhà máy liên doanh này trở thành một thương hiệu mạnh có tầm cỡ khu vực và đủ khả năng tham gia vào thị trường  chứng khoán trước tháng 12/2012.

Hiện nay, dự án trên đã bắt đầu triển khai vằng việc Viễn Đông vừa chính thức ký hợp đồng thuê 22.000m2 đất tại khu công nghiệp Tiên Sơn (Bắc Ninh), chỉ cách Hà Nội 24 km và hoàn thành san lấp mặt bằng, chuẩn bị cơ sở hạ tầng ban đầu, sẵn sàng cho việc xây dựng nhà máy.

Đồng thời với việc xây dựng nhà máy, Viễn Đông cũng chú trọng việc mua bản quyền sản phẩm, chuyển giao công nghệ và đưa ra thị trường các sản phẩm mới, uy tín. Đến nay, Viễn Đông đã đầu tư trên 30 tỷ đồng mua bản quyền và hoàn thiện việc chuyển giao công nghệ sản xuất của gần 40 sản phẩm chất lượng cao từ Hàn Quốc. Một số sản phẩm đã được đưa vào sản xuất, chuẩn bị tung ra thị trường, số còn lại đang được khẩn trương hoàn thành hoạch định chiến lược phát triển đến năm 2010 và đi vào sản xuẩt. Dự kiến cuối năm nay và sang năm 2008, Tập đoàn sẽ đưa ra thị trường 16 sản phẩm mới. “Mục tiêu của chúng tôi là cuối năm 2009, doanh số của 16 sản phẩm mới này sẽ đạt trên 20 tỷ đồng/tháng, tương đương với 240 tỷ đồng/năm”, ông Dũng cho biết.

Trong khi đó, dành 80 tỷ đồng cho dự án mua cổ phần của các nhà máy sản xuất được xem là cách để Viễn Đông đa dạng hoá danh mục và cơ hội đầu tư, tham gia thị trường tài chính đang sôi động thông qua chính lĩnh vực dược phẩm. Ông Dũng cho hay, Viễn Đông mua cổ phần chi phối của 2 đến 3 công ty dược có bề dày hoạt động, có thế mạnh sản xuất, minh bạch về tài chính với giá ưu đãi dành cho các cổ đông chiến lược. “Chúng tôi sẽ hỗ trợ tái cơ cấu tổng thể các doanh nghiệp này thông qua việc giúp họ đào tạo, huấn luyện nhân viên, tái cơ cấu danh mục sản phẩm, hoạch định lại chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng kênh phân phối, chiến lược marketing và tái cơ cấu nguồn vốn, tổ chức, đưa những công ty này tham gia vào thị trường chứng khoán”, ông Dũng tiết lộ.

Chia sẻ bài viết