12/12/2012 - 20:44

Đừng quá kỳ vọng vào sự đột biến của giá tôm

Dịch bệnh và diễn biến bất lợi của thị trường được dự báo tiếp tục gây không ít khó khăn cho người nuôi tôm và doanh nghiệp.
 

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch Ủy ban Tôm của VASEP (Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam), Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần chế biến thực phẩm Sao Ta, cho biết: Năm 2012, người nuôi tôm tiếp tục lao đao vì dịch bệnh gây thiệt hại nặng trên tôm nuôi. Điều đó đã làm cho giá tôm nguyên liệu trong nước cao hơn giá thế giới và các nhà máy chế biến lâm vào hoàn cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng. Các nhà máy chế biến hiện nay rất khó khăn. Có thể nói trong 10 nhà máy thì đã "chết 7 còn 3". Những diễn biến này khiến thị trường tôm năm 2013 khó có thể khởi sắc!

Theo ông Hồ Quốc Lực, năm 2012, chẳng những tôm nguyên liệu trong nước bị thiếu hụt về sản lượng mà chất lượng còn kém hơn so với các nước trong khu vực. Điều này làm mất hình ảnh con tôm Việt Nam trên thị trường thế giới. Ông Lực lý giải: "Chỉ riêng việc tồn dư chất Ethoxyquin đã là vấn đề khó khăn cho doanh nghiệp chế biến. Bởi đây là chất không thể thiếu trong bảo quản nguyên liệu chế biến thức ăn tôm… Tình hình thiệt hại kéo dài khiến người nuôi tôm bất an nên một số hộ nuôi lén lút sử dụng kháng sinh dưỡng tôm giai đoạn đầu. Mặt khác, khi chúng ta siết chặt chất Cypermethrin, một số người nuôi tôm quay lại sử dụng chất Cloramphenicol và ngay lập tức bị các nước nhập khẩu phát hiện". Mới đây, từ ngày 19-11-2012, cơ quan chức năng Hàn Quốc bắt đầu kiểm tra chất Ethoxyquin đối với tôm từ Việt Nam với ngưỡng thấp như Nhật Bản là 10ppb. Đây là vấn đề tự thân chúng ta gây khó cho chúng ta, hay nói một cách khác là do ở công tác quản lý các yếu tố đầu vào chưa được thực hiện tốt". Ông Lực cảnh báo: "Nếu tình trạng các chất cấm bị phát hiện kéo dài sẽ phát sinh "hiệu ứng domino". Khi đó sẽ có thêm hàng loạt các nước khác đưa những chất cấm trên vào kiểm soát đối với con tôm Việt Nam".

Những rào cản kỹ thuật đối với con tôm Việt Nam đang được các nước dựng lên, nên các cơ quan thẩm quyền cần nhanh chóng hơn, linh hoạt hơn trong việc xử lý những hóa chất cần cấm hoặc hạn chế sử dụng sao tương đồng quy định từ thị trường tiêu thụ tôm chủ yếu của ta. Đối với chất kháng sinh enrofloxacine phía Nhật cho dư lượng 10ppb, phía Hoa Kỳ là 1ppb; trong khi đây lại là 2 thị trường chủ yếu của doanh nghiệp Việt Nam, thì việc cấm sử dụng chất này phải được thực hiện sớm. Ông Nguyễn Văn Nhiệm, Chủ tịch Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh, tỉnh Sóc Trăng, phản ánh: "Khó khăn của ngành tôm hiện nay cũng có lỗi một phần của các cơ quan chức năng trong việc chậm trễ tìm ra tác nhân gây bệnh gan tụy. Từ đó, thiếu cập nhật thông tin, chậm ban hành các quy định về hóa chất cấm theo quy định từ thị trường nhập khẩu và đặc biệt là để cho lãi suất ngân hàng tăng quá cao trong một thời gian dài". Ông Hồ Quốc Lực đề xuất thêm: "Ngành chức năng cần xem xét lại công tác quản lý vật tư đầu vào. Vì người dân chỉ cần nghe nói chất nào xài có hiệu quả là họ sử dụng chứ không nghĩ chất đó có độc hay không, có bị cấm hay không".

Năm nay, dù tôm nguyên liệu trong nước thiếu hụt, giá cao. Nhưng, thị trường tiêu thụ không căng thẳng dù đang là mùa tập kết hàng chuẩn bị cho Noel và năm mới. Theo thông lệ, thời điểm này giá tôm thế giới đã tăng, nhưng năm nay vẫn chưa có tín hiệu nào cho thấy giá sẽ tăng. Trong khi đó, giá tôm trong nước gần đây lại tăng mạnh. Ông Hồ Quốc Lực phân tích: "Năm nay, sản lượng tôm toàn thế giới ở mức trung bình; suy thoái kinh tế thế giới còn kéo dài nên người tiêu dùng tiết kiệm. Có thời điểm các nước nuôi tôm lớn trúng mùa, nên các doanh nghiệp trong tỉnh đã linh hoạt khai thác nguồn nguyên liệu từ các nước này để bù đắp cho sự thiếu hụt trong nước. Cách làm này, chỉ có ý nghĩa tạo việc làm cho công nhân và giữ chân khách hàng, chứ hiệu quả không cao".

Giá thành nuôi tôm của Việt Nam hiện còn khá cao so với các nước trong khu vực nên tính cạnh tranh sản phẩm tôm không cao… Hiện nay, giá tôm trong nước đã cao hơn giá tôm Thái Lan khoảng 10.000 đồng/kg, nhưng theo ông Hồ Quốc Lực, đây chỉ là giá ảo, do một số nhà máy thiếu nguyên liệu buộc phải đẩy giá lên để có nguyên liệu kịp giao hàng theo hợp đồng. Tuy nhiên, từ nay đến hết quý I/2013, giá tôm trong nước vẫn còn khả năng giữ ở mức cao. Nhận định về giá tôm trong năm 2013, ông Hồ Quốc Lực cho biết: "Giá tôm thời gian tới cũng khó đoán vì còn tùy thuộc vào yếu tố cung cầu. Do đó, đừng quá kỳ vọng vào sự tăng giá tôm đột biến trong thời gian tới vì kinh tế thế giới vẫn còn khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, có thể chuyển qua sử dụng những loại thực phẩm khác thay thế cho con tôm".

Bài, ảnh: Xuân Trường

Chia sẻ bài viết