19/02/2011 - 10:42

Đừng để trở thành "Câu lạc bộ giải trí"

Hôm qua 18-2, Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã bắt đầu khai mạc tại Paris với một loạt chương trình nghị sự trọng đại, nhưng chưa ai biết đâu là mục tiêu ưu tiên và kết quả sẽ thế nào bởi nhiều bất đồng giữa các nhóm nước có lợi ích khác nhau.

Mục đích của hội nghị lần này, hội nghị đầu tiên trong nhiều hội nghị khác trong năm Pháp làm Chủ tịch G20, là nhằm thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính toàn cầu và thống nhất các biện pháp điều tiết tài chính phục vụ cho các chính sách ổn định, kích thích tăng trưởng kinh tế thế giới. Do đó, trong bối cảnh hiện nay, dư luận quốc tế trông chờ G20 sẽ có giải pháp thiết thực cho vấn đề lạm phát, giá cả hàng hóa tăng cao khiến người nghèo, người có thu nhập thấp lâm vào tình cảnh khó khăn, cũng như đã và đang tạo nên làn sóng biểu tình, bạo loạn khắp thế giới A-rập. Sự bất ổn đang diễn ra không chỉ đe dọa đến đời sống xã hội và nền kinh tế của các nước khu vực này, mà còn tác động tiêu cực đến chính sách chống lạm phát và duy trì đà phục hồi kinh tế toàn cầu.

Các nhà phân tích cho rằng sự leo thang liên tục của giá cả lương thực thời gian qua đẩy thế giới tới bờ vực của cuộc khủng hoảng thứ hai có phần trách nhiệm của G20. Năm 2009, G20 đã hứa dành 22 tỉ USD viện trợ đảm bảo an ninh lương thực trong 3 năm nhưng đến nay chỉ giải ngân số tiền nhỏ giọt 350 triệu USD. Trong G20, dĩ nhiên Nhóm các nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã cam kết mạnh mẽ nhất, nhưng cũng chính giới lãnh đạo của các nước này đã viện lý do nước họ phải đối mặt với sức ép thâm hụt ngân sách và nợ nần chồng chất để khất các khoản cam kết viện trợ. Họ chuyền quả bóng trách nhiệm sang những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, cho rằng Bắc Kinh cũng nên gánh trách nhiệm lớn hơn khi nước này có mức dự trữ ngoại tệ lên đến gần 3.000 tỉ USD nhờ thặng dư tài khoản vãng lai.

Bên cạnh vấn đề an ninh lương thực, hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương G20 lần này được dư luận kỳ vọng sẽ tiếp tục các nỗ lực ổn định nền kinh tế toàn cầu song song với thúc đẩy cải cách hệ thống tài chính thế giới nhằm tránh một cuộc khủng hoảng mới trong tương lai. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng sự phục hồi mong manh và thiếu bền vững của nền kinh tế thế giới có thể đã làm dịu những sức ép và các lo ngại như trước đây, nhưng sẽ khiến G20 không còn mặn mà hợp tác để loại bỏ các hiểm họa còn rình rập nền tài chính và kinh tế toàn cầu. Và như vậy, theo Giám đốc điều hành của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Dominique Strauss-Kahn, nếu các nhà lãnh đạo G20 tham gia hội nghị này không đạt được những kết quả đáng khích lệ nào thì coi như họ đến Paris chỉ để du ngoạn, khi ấy G20 khác nào là “câu lạc bộ giải trí”.

KIẾN HÒA (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết