27/06/2012 - 08:42

Đừng để thiếu vi chất dinh dưỡng...

Vi chất dinh dưỡng vô cùng quan trọng với cơ thể. Trong những năm qua, hoạt động phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở TP Cần Thơ đã đạt kết quả khả quan. Đến nay, các thể khô mắt dẫn đến mù lòa trẻ em cơ bản được thanh toán, các tình trạng thiếu máu dinh dưỡng ở phụ nữ có thai giảm dần; thiếu i-ốt dẫn đến bướu cổ và đần độn cũng được cải thiện. Mặc dù vậy, nguy cơ thiếu vitamin A vẫn là mối đe dọa tiềm ẩn ở trẻ suy dinh dưỡng, tỷ lệ người dân không sử dụng muối i-ốt tăng lên...

Vi chất dinh dưỡng (sắt, i-ốt, vitamin A, vitamin D, canxi, kẽm...) là những chất cơ thể không thể thiếu (tuy chỉ cần một lượng nhỏ), đặc biệt với trẻ nhỏ và bà mẹ mang thai. Phần lớn người dân đã nhận thức được tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng, nhưng bên cạnh đó cũng còn nhiều người chưa hiểu rõ sự cần thiết của chất này. Cô Lâm Thị Lan Hương, phường Thường Thạnh, quận Cái Răng, đang chăm sóc cháu nội 3 tuổi, kể: “Tôi cho cháu ăn uống rất đầy đủ. Cháu phát triển tốt nên tôi nghĩ không cần thiết bổ sung vitamin A. Trước đây, các con tôi không uống vitamin A vẫn phát triển bình thường, có bệnh hoạn gì đâu”. Không đồng tình với suy nghĩ này, chị Trần Ngọc Thảo, ở quận Ninh Kiều có con dưới 3 tuổi, nói: “Tôi xem thông tin trên tivi cũng biết lợi ích của chất này nhưng ngay ngày trạm y tế cho trẻ uống vitamin A (ngày 1 và 2 tháng 6), con tôi đang bệnh nên cháu không uống được. Không biết cho cháu uống bổ sung có được không ?”. Không riêng các trẻ nhỏ, nhiều bà mẹ sau sinh cũng chưa tham gia uống vitamin A. Chị Hồng Thúy, đã sinh gần 2 tháng nói: “Lúc mang thai, bác sĩ sản khoa cho toa để tôi mua thêm viên sắt, aicd folic. Sau khi sinh xong, tôi không nghe bác sĩ nói phải uống thêm vitamin A hay viên sắt gì cả”.

Cho trẻ uống vitamin A ở Trạm Y tế phường An Cư, quận Ninh Kiều. Ảnh: LÊ KHẢI 

Chính vì chưa nhận thức được tầm quan trọng của vi chất dinh dưỡng, trẻ bệnh không đưa đi uống vitamin A được (mặc dù, các trạm y tế đều có tổ chức ngày vi chất dinh dưỡng, uống vitamin A lồng ghép với tẩy giun, tiêm chủng), đợt I năm 2012 có 54.611 trẻ, từ 6-36 tháng tuổi, được uống vitamin A, chiếm tỷ lệ 97,6%, chỉ có hơn 10.000 bà mẹ sau sanh được uống vitamin A, chiếm tỷ lệ 94%.

Theo Cử nhân Y khoa Trần Xuân Huyền, phụ trách Chương trình dinh dưỡng, Trung tâm Y tế dự phòng TP Cần Thơ, cho biết: “Vitamin A giúp phát triển xương, bảo vệ mắt, tăng cường hệ miễn dịch. Khi thiếu vitamin A, trẻ chậm phát triển, thấp còi, gầy còm, dễ mắc các bệnh như: tiêu chảy, viêm đường hô hấp, quáng gà, khô mắt, mù mắt. Biểu hiện đầu tiên của trẻ thiếu vitamin A là nhìn mờ vào chiều tối (quáng gà). Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, năm 2010, tỷ lệ trẻ thiếu vitamin A dưới 10%. Trẻ còn nhỏ, khả năng hấp thu của cơ thể chưa cao, nên ngành y tế khuyến cáo tất cả các trẻ từ 6-36 tháng đều nên uống vitamin A. Nếu trẻ được ăn uống đầy đủ, uống thêm viatmin A chỉ có lợi, không gây hại gì. Đối với trẻ sơ sinh, bú mẹ càng sớm càng tốt (tốt nhất trong 1 giờ đầu sau sinh), bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu và duy trì bú mẹ đến 24 tháng. Ngoài ra, thêm vào mỗi bữa ăn của trẻ 1 - 2 muỗng dầu ăn để dễ hấp thu vitamin A. Bà mẹ đang cho con bú nên ăn đủ 4 nhóm thực phẩm: tinh bột, rau xanh - trái cây, protein, dầu tại TP Cần Thơ, mỗi năm 2 lần, vào tháng 6 và tháng 12, ngành y tế thực hiện bổ sung vitamin A qua đường uống cho trẻ em (từ 6 đến 36 tháng) và phụ nữ sau sinh 1 tháng.

Theo bà Trần Xuân Huyền, Trạm y tế tập trung cho trẻ uống vitamin A vào ngày 1 và 2 tháng 6 và tháng 12. Nếu gia đình bận việc, quên cho trẻ đi uống hoặc trẻ đang bệnh, thì sau đó có thể liên hệ với trạm y tế cho trẻ uống bổ sung (trong vòng 1-2 tuần). Phụ huynh không nên tự ý mua vitamin A cho trẻ uống, vì vitamin A ở các nhà thuốc, hàm lượng không cao, chỉ có khoảng 5.000 đơn vị (hàm lượng viên vitamin A do trạm y tế cấp là thuốc của Tổ chức Y tế Thế giới, hàm lượng 200.000 đơn vị). Ngành y tế cũng nghiêm cấm cộng tác viên cấp vitamin A cho người dân mang về nhà, tự cho trẻ uống, vì vitamin A hàm lượng cao, nếu uống quá liều sẽ gây ngộ độc.

Không chỉ vitamin A mà sắt cũng rất cần cho cơ thể. Theo thống kê của Viện Dinh dưỡng quốc gia, tỷ lệ thiếu sắt ở trẻ em là 12,9%. Ngoài ra, phụ nữ mang thai, phụ nữ độ tuổi sinh đẻ, từ 15-49 tuổi, bé gái tuổi dậy thì là những đối tượng có nguy cơ thiếu máu dinh dưỡng.Thiếu sắt sẽ gây ra các hậu quả sau: trẻ em chậm lớn, suy dinh dưỡng, kém thông minh, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng; thiếu máu ở phụ nữ mang thai làm bào thai chậm phát triển, có nguy cơ sinh non, sinh con nhẹ ký, băng huyết sau sinh, tăng tỷ lệ tử vong của mẹ và con... Phòng ngừa thiếu sắt bằng cách, ăn thực phẩm giàu chất sắt; bổ sung viên sắt: phụ nữ có thai uống 1 viên/ngày (buổi tối trước khi ngủ) từ lúc có thai đến sau sinh 1 tháng; phụ nữ 15-49 tuổi, uống 1 viên/tuần, liên tục trong 16 tuần (16 viên/năm). Ngoài thị trường, viên sắt có nhiều tên biệt dược khác nhau nhưng hoạt chất chính vẫn là Sắt fumarat, acid folic...

Ngoài sắt và vitamin A, ngành y tế cũng khuyến cáo người dân nên sử dụng thường xuyên muối i-ốt và các chế phẩm có bổ sung i-ốt (nước tương, bột canh...) để phòng, chống thiếu i-ốt. Nếu cơ thể người thiếu i-ốt dẫn đến hiện tượng phì đại tuyến giáp hay bướu cổ; phụ nữ có thai gây sẩy thai, thai chết lưu, kém phát triển, trẻ sinh ra bị đần độn...

HUỆ HOA

Chia sẻ bài viết