01/10/2008 - 21:20

Đừng để "giấy phép con" hành doanh nghiệp!

Thời gian qua, cả nước nói chung và ở Cần Thơ nói riêng, tình trạng “giấy phép con” đã gây không ít khó khăn, phiền hà cho doanh nghiệp trong sản xuất, kinh doanh. Theo Luật Doanh nghiệp (DN) và Nghị định 139/2007/NĐ-CP, ngày 5-9-2007, của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật DN, kể từ ngày 1-9-2008, tất cả các giấy phép, điều kiện kinh doanh không được quy định tại luật, pháp lệnh, nghị định chuyên ngành hoặc quyết định có liên quan của Thủ tướng Chính phủ (thường gọi là “giấy phép con”) sẽ tự hết hiệu lực. Tuy nhiên, việc rà soát, bãi bỏ chưa được quan tâm, hoặc còn vướng mắc chưa bãi bỏ... nên vẫn còn gây khó khăn cho DN.

* Giấy phép quảng cáo: vẫn còn nhọc nhằn!

Anh Nguyễn Văn Nam, nhà ở quận Ninh Kiều, chủ doanh nghiệp tư nhân kinh doanh mặt hàng thực phẩm, nước giải khát, cho biết: Đầu năm 2008, tôi lập thủ tục xin giấy phép quảng cáo sản phẩm, gồm một số mặt hàng thực phẩm và nước giải khát tại một số điểm trên địa bàn quận Ninh Kiều. Trong giấy phép quảng cáo do Sở Văn hóa - Thông tin TP Cần Thơ (nay là Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch) cấp, có nội dung quy định DN phải xuất trình giấy phép quảng cáo này với phòng văn hóa thông tin địa phương. “Tôi thấy quy định này là buộc DN phải thực hiện thêm một “giấy phép con”, vì để có cơ sở khẳng định cho việc xuất trình giấy phép quảng cáo, DN lại phải xin phòng văn hóa thông tin xác nhận vào giấy phép quảng cáo. Theo tôi, không nên quy định như thế, mà Sở cần có thông báo để phòng văn hóa thông tin quận, huyện biết, hỗ trợ DN thực hiện các quy định trong giấy phép quảng cáo”- anh Nguyễn Văn Nam nói.

Cán bộ Sở Công thương thành phố giải quyết thủ tục hành chính cho các doanh nghiệp.
Ảnh: ANH DŨNG 

Việc yêu cầu DN “phải xuất trình giấy phép quảng cáo cho phòng văn hóa thông tin địa phương” còn được Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định cho cả trường hợp không liên quan đến việc phòng văn hóa thông tin địa phương phải xác định đơn vị quảng cáo, như quảng cáo trên khung, sườn xe ô tô..., khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng. Ông Bùi Văn Tín, chủ cửa hàng đại lý của một hãng bột nêm, bột ngọt, ở quận Ninh Kiều, cho biết: “Khi nhận giấy phép quảng cáo, tôi an tâm ra về để làm băng-rôn quảng cáo, nên không đọc kỹ các quy định trong giấy phép quảng cáo. Hôm sau xem lại, thấy có quy định phải xuất trình giấy phép quảng cáo với phòng văn hóa thông tin địa phương, mới giật mình, vì không biết địa phương nơi đăng ký xe hay địa phương nơi thường trú, nơi sản xuất sản phẩm... Tôi gọi điện thoại đến bộ phận “một cửa” của Sở, thì được hướng dẫn là trường hợp của tôi không cần xuất trình!”.

Trao đổi vấn đề này, bà Trần Ngọc Nga, Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, cho biết: “Việc yêu cầu cá nhân, tổ chức được cấp giấy phép quảng cáo phải xuất trình với phòng văn hóa thông tin sau khi được cấp giấy phép là nhằm mục đích để địa phương có trách nhiệm trong xác định vị trí đặt quảng cáo. Tuy nhiên, việc này theo đúng quy định, thì cá nhân, tổ chức chỉ cần báo cáo với phòng văn hóa thông tin địa phương là đủ. Sở sẽ rút kinh nghiệm, chấn chỉnh ngay vấn đề này”.

* Kinh doanh xăng dầu: Chưa thể bỏ “giấy phép con”!

Lâu nay, có nhiều dư luận phản ánh về tình trạng tùy tiện đặt ra “giấy phép con”. Ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố, thừa nhận: “Theo quy định, hồ sơ cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, chỉ gồm: xác nhận về quy hoạch xây dựng, giấy tờ chứng minh xây dựng cây xăng hợp pháp và chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ kinh doanh xăng dầu. Tuy nhiên, để hoàn tất thủ tục, phải có khoảng 20 loại giấy phép, giấy chứng nhận khác do các ngành có liên quan cấp trước đó. Sở vẫn biết trong số các giấy tờ này, có một số loại “giấy phép con”, nhưng không thể bỏ được”. Ông Lê Văn Hừng cho biết thêm, từ đầu năm đến nay, Sở đã từ chối cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu cho 30 hồ sơ đề nghị cấp mới, lý do không đủ thủ tục, không chứng minh được có đủ điều kiện kinh doanh...

Ông Hoàng Văn Ba, ở quận Bình Thủy, một trong những người đăng ký mở cây xăng nhưng chưa được cấp giấy phép đủ điều kiện kinh doanh, phản ánh: “Trong hồ sơ thủ tục chỉ quy định phải đảm bảo đủ điều kiện về an toàn cháy nổ, vệ sinh môi trường, nhưng để chứng minh, phải có thiết kế xây dựng hệ thống an toàn cháy nổ, xử lý môi trường và phải được cấp giấy chứng nhận. Mỗi một loại giấy chứng nhận, do một cơ quan quản lý cấp, nên mất nhiều thời gian chờ đợi... Nếu các giấy phép này được quy định trong luật cụ thể thành điều kiện kinh doanh và do một cơ quan kiểm tra, thẩm định, cấp phép thì việc đăng ký kinh doanh xăng dầu sẽ đơn giản nhiều”.

Xung quanh việc cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là loại giấy chứng nhận “tổng hợp” chứng nhận việc có đầy đủ các giấy phép, giấy chứng nhận chuyên ngành được cấp trước đó và đề nghị được bỏ bớt. Trao đổi vấn đề này, ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương, cho biết: “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh xăng dầu mặc dù được xem là giấy chứng nhận có đầy đủ các giấy chứng nhận, nhưng là công cụ để Sở thực hiện quản lý nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, nên cần thiết phải giữ lại”.

Đối với lĩnh vực kinh doanh khí đốt hóa lỏng, sau khi có đầy đủ các giấy phép, giấy chứng nhận đủ các điều kiện về môi trường, cháy nổ, thiết bị... của cơ quan chuyên ngành cấp, người kinh doanh phải nộp cho Sở Công thương để xin giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hóa lỏng. Theo một số người kinh doanh trong lĩnh vực này, thì đây là dạng “giấy phép con” cần phải bãi bỏ. Về vấn đề này, ông Lê Văn Hừng, Phó Giám đốc Sở Công thương, thừa nhận: “Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh khí đốt hóa lỏng hiện nay có thể bỏ được, vì không cần thiết. Các điều kiện kinh doanh khí đốt hóa lỏng cần cụ thể hóa trong luật, giao cho một đầu mối cơ quan quản lý kiểm tra, thẩm định, cấp phép. Sở cũng thấy rằng, đây là loại “giấy phép con”, nhưng không thể tự ý bỏ được. Bởi vì, chưa có văn bản chỉ đạo bỏ từ Trung ương”.

***

Theo đánh giá chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2007 của TP Cần Thơ do Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh Việt Nam và Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam thực hiện, thời gian qua, TP Cần Thơ đã có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, nhưng tình trạng “giấy phép con” vẫn còn phổ biến, nhất là trong lĩnh vực quảng cáo, in ấn, xây dựng cơ bản.... Điều này, khiến doanh nghiệp phiền hà, làm gia tăng công sức, chi phí cho việc thực hiện thủ tục hành chính, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2008, UBND thành phố đã chỉ đạo nhiều biện pháp để tăng năng lực cạnh tranh, trong đó trọng tâm là cải thiện môi trường đầu tư, minh bạch, công khai chính sách, nghiêm cấm việc đặt ra “giấy phép con”, phí, lệ phí... Thế nhưng, hiện nay trong một số lĩnh vực “giấy phép con” vẫn còn. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần quan tâm thực hiện tốt chỉ đạo này của UBND thành phố và những quy định về việc bãi bỏ “giấy phép con” tại Nghị định 139/2007/NĐ-CP của Chính phủ, tạo điều kiện thuận lợi cho DN sản xuất, kinh doanh.

NGUYỄN THANH

Chia sẻ bài viết