12/07/2009 - 08:44

Đừng cho cá, hãy dạy cách câu cá!

Nữ sinh Charlotte Mbaime (mặc áo sơ-mi trắng) của Trường URDT được phân công về một ngôi làng ở Nyamiyaga (Uganda)
giúp người dân cải thiện cuộc sống. Ảnh: Csmonitor   

Tiếng trống phá tan bầu không khí tĩnh lặng của buổi trưa hè dịu mát. Hòa theo đó là tiếng reo hò cổ vũ của rất đông nữ sinh đang đứng xem các bạn cùng lớp thi đấu bóng chuyền. Tất cả diễn ra trong sân Trường Đào tạo và Phát triển Nông thôn Uganda (URDT) - nơi các bé gái được học cách tự làm chủ tương lai của mình, hướng dẫn bậc sinh thành những kỹ năng cơ bản và hiện thực hóa khẩu hiệu “Vâng, chúng ta có thể”. Các em có lẽ chưa hiểu hết mục tiêu URDT đã và đang hướng tới nhưng ngôi trường nhỏ này đang được xem là hình mẫu có khả năng giúp các quốc gia châu Phi nghèo khó và bị chiến tranh tàn phá “thay da đổi thịt”.

Không những có dân số trẻ nhất thế giới (theo một báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2008), Uganda còn “nổi tiếng” với tỷ lệ thất nghiệp ở thanh niên cao nhất năm châu: 83%. Để phá vỡ cái vòng lẩn quẩn nghèo đói và chiến tranh ở những đất nước như Uganda, các chuyên gia phát triển cho rằng cái người dân cần không phải bằng cấp này nọ mà họ thực sự cần được trang bị những kỹ năng thực tế để có thể kiếm sống bằng chính khả năng của mình, trên chính mảnh đất mình trưởng thành. Nếu được như thế, họ sẽ không dại gì kéo nhau lên thành thị sống chen chúc trong những khu nhà ổ chuột hay đầu quân cho lực lượng nổi dậy. Bởi vậy, hãy giúp người dân học cách tối đa hóa tài sản họ đang có hơn là chỉ rót tiền tài trợ, đồng thời thay đổi dần văn hóa “cho cá” sang “dạy cách câu cá” để “họ có thể câu được cá”.

“Tình trạng thanh niên vô công rỗi nghề là căn bệnh trầm kha ở lục địa đen nói riêng và các nước đang phát triển nói chung. Nếu chỉ giải quyết tình trạng thanh niên thất nghiệp ở thành thị, chúng ta chỉ mới thắng nửa trận chiến”, Calestous Juma - giáo sư người Kenya chuyên ngành phát triển quốc tế của Đại học Harvard (Mỹ) - nhận định. Ông cho rằng những trường dạy nghề nông thôn như URDT đóng vai trò then chốt và “kỹ năng chính là chìa khóa thành công”. Theo giáo sư Calestous, những giải pháp nào phát huy tác dụng ở Uganda cũng sẽ đạt được hiệu quả ở các quốc gia khác của châu Phi.

Lúc mới thành lập năm 1987, Chương trình Đào tạo và Phát triển Nông thôn Uganda chỉ triển khai những dự án qui mô nhỏ nhằm cải thiện đời sống của những người có thu nhập chưa tới 1 USD/ngày. Nay chương trình đã thành lập được viện đào tạo các doanh nghiệp nhỏ, đài phát thanh giáo dục phục vụ hơn 2 triệu người, một trường phổ thông dành riêng nữ sinh (URDT) và một trường đại học bách khoa cho giới nữ. “Tại sao chỉ mỗi phụ nữ? Đó là bởi nếu giáo dục một phụ nữ, bạn có thể giáo dục cả một gia đình. Còn nếu giáo dục nam giới, bạn chỉ giáo dục được một cá nhân”, Mwalimu Musheshe, đồng sáng lập chương trình URDT, lý giải vì sao URDT chỉ đào tạo bé gái và phụ nữ.

URDT đào tạo theo “phương pháp hai thế hệ”, theo đó mỗi học sinh ở cấp trung học phải giúp gia đình mình thực hiện một dự án để cải thiện cuộc sống. Trước hết, các em cùng cha mẹ ngồi lại để cùng vạch ra “tầm nhìn”về cách thức nâng cao thu nhập gia đình cũng như đề ra kế hoạch khả thi để biến “tầm nhìn” trở thành hiện thực. Sau đó, các thành viên cùng bắt tay triển khai kế hoạch với sự hướng dẫn và hỗ trợ của đội ngũ giáo viên của trường. Thành quả đạt được sẽ được chấm điểm giống như điểm thi học kỳ.

Vận dụng những bài học ở trường, về nhà cô học sinh Sanya Provia khuyến khích cha trồng mía đường thay vì mua lại của người ta. Chẳng bao lâu, gia đình Sanya trồng được 3 cánh đồng mía và bán cho người dân trong làng. Nhờ nguồn thu nhập tăng thêm, họ xây dựng ngôi nhà mới rộng hơn và mua được chiếc xe máy để cha Sanya hằng ngày sang thị trấn kế bên mở cửa hàng tạp hóa. Hiện URDT đang giúp Sanya và cha của em nâng cao sản lượng mía và hướng dẫn ông các kỹ năng bán hàng và ghi chép sổ sách để nâng cao doanh thu từ cửa hàng. Hơn 260 nữ sinh ở làng Kabuga cũng đang giúp gia đình mình “lột xác” theo cách giống như vậy.

URDT còn áp dụng chính sách mở cửa: bất kỳ dân làng nào nếu muốn đều có thể đến học hỏi kỹ thuật nông nghiệp và kỹ năng buôn bán. Fred Nkunda đã hưởng được lợi từ chính sách này. Cách đây không lâu, Nkunda kiếm sống thuộc dạng bữa đói bữa no. Nhưng nay, mỗi tháng anh bỏ túi được 500.000 shilling Uganda (4,1 triệu đồng) nhờ trồng khóm, mè, ớt, bông và hoa lan mà các thầy cô URDT đã dạy. Họ còn chỉ anh cách tăng thu giảm chi, dự báo nhu cầu thị trường cũng như hướng dẫn anh kỹ năng lãnh đạo và tiết kiệm đồng tiền làm ra. Không những góp phần tạo công ăn việc làm cho hàng xóm, hiện nay Nkunda còn đầu tư máy móc để sản xuất mứt và nước ép trái cây.

Thị trấn Kagadi cạnh làng Kabuga vào cuối thập niên 1980 có vỏn vẹn 2 con đường nay đã phát triển thành đô thị sầm uất với 24 con đường. Động lực giúp Kagadi trở mình cũng chính là URDT. Theo thống kê của chính quyền địa phương, tỷ lệ người dân sống dưới mức nghèo đã giảm từ 67% năm 1986 còn 31% năm 2005 trong khi tỷ lệ dân biết chữ tăng từ 24% lên 69%...

Musheshe tin rằng một khi những ngôi làng ở Uganda “thay da đổi thịt” được thì Uganda nói riêng và cả châu Phi nói chung cũng có thể “lột xác”. Và chìa khóa làm nên sự thay đổi ấn tượng đó chính là trang bị kiến thức và kỹ năng cho người dân để họ tự làm chủ cuộc sống mình.

THIÊN LAM (Theo Csmonitor)

Chia sẻ bài viết