15/03/2012 - 21:45

Đức và châu Âu bắt đầu rạn nứt ?

Người biểu tình ở Hy Lạp đốt cờ Đức và cờ của phát xít Đức trước tòa nhà quốc hội ở Thủ đô Athens để phản đối biện pháp khắc khổ do Đức đề xuất. Ảnh: Reuters

Khi châu Âu lâm vào cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất kể từ Thế chiến thứ hai, Đức trở thành thủ lĩnh trong cuộc chiến chống khủng hoảng. Chính quyền Berlin khẳng định “thắt lưng buộc bụng” là biện pháp hữu hiệu nhất để vực dậy những nước đang ngập nợ, cũng là cái giá để họ đổi lấy các gói cứu trợ trị giá hàng tỉ euro. Nhưng nay, biện pháp khắc khổ ấy lại trở thành tâm điểm để cả châu Âu và Đức đay nghiến lẫn nhau.

Châu Âu chỉ trích Đức

Khi Đức nắm giữ vai trò đầu tàu trong cuộc chiến chống khủng hoảng và định hình lại hệ thống hoạt động tài chính của châu Âu theo cái mà nhiều người chỉ trích là “chủ nghĩa thắt lưng buộc bụng”, những câu hỏi và lời cảnh báo bắt đầu xuất hiện ngày càng nhiều. Gần đây, làn sóng chỉ trích từ phía châu Âu ngày càng dâng cao, chủ yếu tập trung vào các vấn đề:

- Thành công về mặt xuất khẩu của Đức là việc của người Đức, châu Âu không thể nhanh chóng trở thành một nước Đức khác.

- “Chủ nghĩa khắc khổ” do Đức khởi xướng là một cuộc cải cách lâu dài và nó bỏ qua những khó khăn, hỗn loạn trước mắt.

- Mặc dù Hiệp ước về ổn định, phối hợp và quản lý trong Liên minh tiền tệ và kinh tế đã được EU thông qua hồi đầu tháng 3 này, nhưng không có kế hoạch tăng trưởng thực thụ nào dành cho các nền kinh tế đang lâm nguy.

- Biện pháp “thắt lưng buộc bụng” của Berlin sẽ làm thay đổi khu vực đồng tiền chung châu Âu, thậm chí có thể đẩy Hy Lạp ra khỏi Eurozone hoặc tạo ra một hệ thống tăng trưởng hai tốc độ.

Đức “phản pháo” châu Âu

Giới chức Đức nhận thấy biện pháp chống khủng hoảng của họ đang trở thành vấn đề nhạy cảm. Khắp châu Âu, một làn sóng ác cảm mới đang hướng về Berlin. Dù vậy, người Đức vẫn tin rằng mô hình “thắt lưng buộc bụng” của họ sẽ hiệu quả đối với toàn châu Âu. Báo CS Monitor đã dẫn giải lời đáp trả của Berlin đối với những chỉ trích của châu Âu như sau:

Thế giới chỉ trích Đức là nước mạnh nhưng không nắm giữ vai trò lãnh đạo trong cuộc khủng hoảng ở Eurozone. Giờ đây, khi Đức bắt đầu dẫn dắt khối này, họ lại bị chỉ trích là ích kỷ hoặc mang hơi hướng “chủ nghĩa phát xít”. “Nếu chúng tôi là đầu tàu, chúng tôi muốn sử dụng kinh nghiệm, nguyên tắc và hình mẫu của mình. Đó là một chính sách khắc khổ giúp ổn định giá cả và cắt giảm nợ công”- Berlin bày tỏ. Tuy vậy, Đức không muốn bị cuốn theo (cuộc khủng hoảng) vì trong nước họ vẫn còn nhiều trở ngại chính trị cần vượt qua, chẳng hạn cử tri Đức không muốn bù vào khoản chi tiêu quá mức của các nước khác – đó là vấn đề cơ bản.

Ở khía cạnh quản lý tài chính, Đức không lấy mô hình của Anh và Mỹ làm hình mẫu cho mình vì nó chứa đựng nhiều rủi ro, khi hầu hết các khoản vay đều là tín chấp, không có gì bảo đảm nó sẽ được hoàn lại. Hy Lạp, nước đã vay nợ, tiêu xài rồi lâm vào tình trạng mất cân bằng thu-chi, là một ví dụ điển hình của kiểu rủi ro này. Do đó, Hiệp ước tài chính mới được EU thông qua hồi tháng Giêng sẽ bảo đảm điều đó không xảy ra lần nữa. “Chúng ta đã tạo ra một liên minh tài chính mới với những qui định khắt khe hơn, nên biện pháp “thắt lưng buộc bụng” cần có thời gian để phát huy tác dụng”- Chính phủ Đức khẳng định.

Berlin cũng đặt câu hỏi: “Tại sao không nước nào đánh giá xác đáng thành công của nước Đức?”. Nước này rất chú trọng trách nhiệm và tính cạnh tranh, do đó, họ duy trì mức lương ổn định, tạo ra hàng hóa chất lượng và xuất khẩu chúng – lý do Đức thành công trong lĩnh vực xuất khẩu. “Chúng tôi là nền kinh tế xuất khẩu toàn cầu hóa thực thụ duy nhất của châu Âu. Chúng tôi không có “bong bóng” bất động sản, nợ công hay bùng nổ tín dụng”- Berlin tuyên bố.

Họ cũng cho rằng chính sách của chính phủ mang lại cho nhân dân đời sống tốt và ổn định. Bằng chứng là Đức không lo lắng gì về vấn đề thất nghiệp, thậm chí còn thiếu hụt lao động. Từ năm 2000 đến nay, họ tạo ra 2 triệu việc làm mỗi năm. Giá cả hàng hóa thì ổn định. Tuổi hưu ở nước này cũng tăng từ 65 lên 67, trong khi ở Hy Lạp, công chức nghỉ hưu ở tuổi 52. Tình trạng đình công rất ít khi xảy ra.

Dù sao thì châu Âu vẫn là đối tác thương mại chính của Đức và nước này từng bỏ ra 50 năm để theo đuổi việc tham gia vào khối này, nên họ không thể tách rời châu Âu. Tuy nhiên, Berlin đang bắt đầu tỏ ra mỏi mệt về những lời công kích đối với nỗ lực của họ trong việc giải quyết các vấn đề của khối. Nói tóm lại, người Đức tin tưởng tuyệt đối vào những điều khiến họ bị nhiều chỉ trích trong ngắn hạn nếu cảm thấy nó sẽ mang lại sự ổn định về mặt lâu dài. “Khả năng người Đức thay đổi quan điểm là rất ít. Vì vậy, mọi người đừng cố làm điều đó uổng công”- Berlin khẳng định.

THANH TRÚC (Theo CS Monitors)

Người biểu tình ở Hy Lạp đốt cờ Đức và cờ của phát xít Đức trước tòa nhà quốc hội ở Th̗

Chia sẻ bài viết