07/03/2014 - 22:15

Đưa việc thực thi Luật Giao thông đường bộ vào tiêu chí xét thi đua

Trường Đại học Cần Thơ (Đại học khu 2) có đến 3 cổng ra vào, gồm: cổng A, cổng B và cổng C (thứ tự tính theo bên phải đường 3 Tháng 2). Đường 3 Tháng 2 có dải phân cách và mở khoản giãn ở đoạn cổng A. Do cổng C chỉ cách giao lộ 3 Tháng 2 và Trần Văn Hoài khoảng 100 mét, nên thường có tình trạng lúc đường 3 Tháng 2 có tín hiệu đèn đỏ, sinh viên (đi từ đường Trần Văn Hoài hoặc đường 3 Tháng 2 chiều xe từ Cái Răng ra Cần Thơ), đã tranh thủ băng qua đường, chạy ôm lề trái để vào trường bằng cổng C cho gần. Mới đây, tôi đã chứng kiến cảnh công an giao thông lập biên bản một sinh viên đi xe gắn máy phạm lỗi đi sai làn đường khi vào Trường Đại học Cần Thơ theo cổng C. Đứa cháu ngồi sau xe của tôi vừa ở nước ngoài về, tỏ vẻ ngạc nhiên trước tình trạng sinh viên cố tình vi phạm Luật Giao thông. Cháu tôi nói: "Ở nước ngoài, những trường hợp vi phạm quy định pháp luật, bị xử phạt hành chính đều bị ghi vào lý lịch. Sinh viên rất sợ phạm Luật giao thông đường bộ, bị ghi lý lịch, khi ra trường khó xin được việc làm do xã hội xem đó là hành vi thiếu đạo đức".

Cổng C Trường ĐH Cần Thơ gần với giao lộ 3 Tháng 2 - Trần Văn Hoài.

Còn nhớ, lần đến Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Chi nhánh Ninh Kiều để đóng lệ phí, tôi đã phải chờ khá lâu do có nhiều người chờ nộp tiền phạt hành chính vì vi phạm Luật Giao thông đường bộ. Có nhiều thanh niên phạm lỗi "điều khiển xe chay quá tốc độ quy định", phải đóng mức tiền phạt hành chính lên đến 750.000 đồng. Nhiều bạn trẻ trò chuyện với nhau, họ rất tiếc số tiền đóng phạt, có người còn nói do xui xẻo nên mới gặp cảnh sát giao thông bắn tốc độ.

Từ năm 2010 đến nay, nước ta có đến 3 Nghị định quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ. Đó là Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ban hành ngày 2-4-2010, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP ban hành ngày 19-9-2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP và mới đây là Nghị định số 171/2013/NĐ-CP ngày 13-11- 2013 (có hiệu lực từ ngày 1-1-2014) quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Mỗi một Nghị định ra đời đều nhằm tăng tính răn đe đối với các trường hợp vi phạm an toàn giao thông. Tuy nhiên, số vụ tai nạn giao thông, đặc biệt là tai nạn do người điều khiển xe gắn máy gây ra vẫn không giảm, gây hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và xã hội. Thiết nghĩ, trong điều kiện nước ta chưa thể thực hiện quy định ghi lý lịch đối với trường hợp vi phạm Luật Giao thông đường bộ như các nước phát triển thì việc quy định đưa việc thực thi Luật Giao thông đường bộ vào tiêu chí xét thi đua ở đơn vị như nhiều văn bản chỉ đạo của các bộ, ngành là một giải pháp hiệu quả nếu được thực hiện nghiêm.

Bài, ảnh: Đình Khôi

Chia sẻ bài viết