05/12/2023 - 13:50

"Đứa trẻ cát"
Bi kịch của số phận bị đánh cắp 

"Đứa trẻ cát" là tác phẩm độc đáo của nhà văn người Pháp gốc Maroc - Tahar Ben Jelloun. Câu chuyện về một bé gái được nuôi dưỡng và ép buộc trở thành đàn ông vì những định kiến xã hội hà khắc khiến người đọc thương cảm, xót xa. Sách được NXB Phụ nữ hối hợp Công ty Hải Đăng phát hành năm 2023, qua bản dịch của Lê Đình Chi.

Lấy bối cảnh năm 1950, tại một khu dân cư Ả Rập chịu ảnh hưởng sâu sắc văn hóa Hồi giáo ở Maroc, câu chuyện xoay quanh gia đình một ông chủ xưởng gốm đã có 7 cô con gái. Khi người vợ mang thai lần thứ 8 và tiếp tục sinh ra một bé gái, người chồng quyết định đứa trẻ sẽ được nuôi dạy như một bé trai để thừa kế sản nghiệp. Vì theo quan niệm của cộng đồng, nếu ông chủ xưởng gốm không có con trai, sẽ phải để lại gia sản cho các em trai của ông. Cứ thế, Ahmed Zahra lớn lên trong thân phận cậu chủ gia tộc, được mọi người kính nể. Tuy nhiên, khi nhận thức được bản thân phải sống trái với giới tính thật, Ahmed vô cùng đau khổ, tìm cách nổi loạn…

"Trọng nam khinh nữ" cùng những hủ tục tồn tại trong nhiều thế kỷ, ở nhiều cộng đồng, gây ra nhiều bi kịch đáng tiếc. Trong "Đứa trẻ cát", bi kịch không bùng phát dữ dội mà nối tiếp một cách âm thầm nhưng để lại những tổn thương sâu sắc. Câu chuyện như những vết dao cứa vào lòng nhân vật từng chút một, lâu dài trở thành vết thương sâu hoắm và cắt đứt hoàn toàn niềm tin, ý nghĩa cuộc sống. Nó khiến Ahmed muốn nổi loạn, muốn chứng tỏ quyền lực và sự phản kháng của bản thân. Cô chiếm quyền của cha, bắt mẹ và các chị gái phục tùng vô điều kiện, lấy cô em họ ốm yếu để trả thù người chú tham lam… Nhưng sau tất cả, nhất là khi người em họ qua đời, Ahmed cảm thấy trống rỗng, vô vị, chán nản và buông xuôi tất cả. Sau chuỗi ngày tự nhốt mình vì bế tắc, trầm cảm, cô bỏ nhà ra đi và gia nhập vào một đoàn xiếc, sống lang bạt khắp nơi và từ đây, một bi kịch khác lại bắt đầu…

Điểm đặc sắc của tác phẩm không phải là tình tiết mà là việc đi sâu vào ngóc ngách nội tâm của nhân vật. Toàn bộ câu chuyện như một lời tự sự đầy tâm trạng của một cô gái phải sống trong thân phận một chàng trai. Trạng thái cô độc và đầy chông chênh cũng được đặc tả như "Không có chỗ cả trong sự sống lẫn cái chết, không hoàn toàn là đàn ông cũng chẳng hoàn toàn là phụ nữ, không còn sức lực và nghị lực chống đỡ cho hình ảnh của chính mình". Ở đó, Ahmed dần dần trở thành một con người khác trong những ẩn ức của mình với nỗi cô đơn u uất. Vì không thể tâm sự, chia sẻ cùng ai, tác giả cho Ahmed viết thư tâm sự với một nhân vật ảo, là ai ngay cả Ahmed cũng không biết. Nhưng điều đó như đại diện cho một nhân cách khác, tiếng lòng và khát vọng của cô.

Câu chuyện không có một cái kết cụ thể mà dừng ở lưng chừng. Vì "Đứa trẻ cát" đã được thuật lại bằng nét văn hóa dân gian, đó là nghệ thuật truyền miệng. Toàn bộ câu chuyện được kể bởi một người kể chuyện lang thang nơi quảng trường thành phố. Ông ta kể dựa vào nhật ký của Ahmed, nhưng khi quảng trường bị chính quyền dọn dẹp để đầu tư xây dựng công trình mới, người kể chuyện cũng mất tích cùng câu chuyện chưa có hồi kết. Từ đây, số phận của Ahmed được mỗi người nghĩ ra một cái kết khác nhau…

"Đứa trẻ cát" góp thêm tiếng nói đấu tranh với bất bình đẳng giới. Sách không chỉ là bi kịch của một cuộc đời bị đánh cắp mà là bi kịch của một xã hội còn nhiều định kiến, hủ tục khắc nghiệt.

CÁT ĐẰNG

Chia sẻ bài viết