12/04/2019 - 20:09

Dư luận kêu gọi thực hiện quá trình chuyển giao một cách hòa bình 

Sau khi quân đội Sudan ngày 11-4 bắt giữ Tổng thống nước này Omar Al-Bashir (ảnh), đồng thời tuyên bố nắm quyền điều hành đất nước trong 2 năm, nhiều nước trên thế giới đã lên tiếng phản đối, kêu gọi tiến hành quá trình chuyển tiếp sang chính quyền dân sự một cách hòa bình. 

Trong một tuyên bố cùng ngày, Mỹ thông báo đã quyết định ngừng các cuộc thảo luận với Sudan về việc bình thường hóa quan hệ. Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Robert Palladino kêu gọi chính quyền chuyển tiếp kiềm chế, cũng như để người dân tham gia vào tiến trình thành lập chính quyền. Theo ông, người dân Sudan cần quyết định ai sẽ dẫn dắt họ trong tương lai và đang yêu cầu quá trình chuyển tiếp do người dân dẫn dắt. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nêu quan điểm của Washington là người dân Sudan cần được phép tiến hành quá trình chuyển giao sớm hơn thời hạn 2 năm mà quân đội đặt ra. Mỹ cũng nâng cảnh báo về việc đi lại tới Sudan lên mức cao nhất. 

Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt đầu tiên với Sudan vào năm 1997. Các cuộc đàm phán, được gọi là “Giai đoạn II”, giữa Mỹ và Sudan bắt đầu được khởi động dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Barack Obama, trong đó Washington cân nhắc loại Khartoum khỏi danh sách tài trợ khủng bố. 

Cùng ngày, Đại diện cấp cao Liên minh châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Federica Mogherini đã kêu gọi quân đội Sudan nhanh chóng chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân sự. Tuyên bố của bà Mogherini nhấn mạnh chỉ một quá trình chính trị gồm tất cả các đại diện và đáng tin cậy mới có thể đáp ứng những nguyện vọng của người dân Sudan và dẫn tới những cải cách kinh tế và chính trị và điều này chỉ có thể đạt được thông qua việc chuyển giao nhanh chóng cho một chính quyền chuyển tiếp dân sự. 

Cũng trong ngày 11-4, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cũng kêu gọi hòa giải dân tộc và thực hiện quá trình chuyển giao hòa bình tại Sudan. 

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, Bộ Ngoại giao Ai Cập cũng khẳng định ủng hộ những lựa chọn và ý nguyện định hình tương lai đất nước của người dân Sudan.

Tình hình Sudan trở nên căng thẳng sau các cuộc biểu tình liên tiếp xảy ra từ ngày 19-12-2018, khi người dân phản đối tình trạng giá lương thực tăng mạnh, đồng thời bất bình với những chính sách kinh tế yếu kém của chính quyền khiến đời sống của người dân khó khăn hơn. Tổng thống Bashir từng tuyên bố không từ chức và khẳng định cách duy nhất để thay đổi chính phủ là thông qua bầu cử. Sau khi bắt giữ Tổng thống Bashir, quân đội Sudan đã bắt đầu lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc trong vòng 1 tháng, bắt đầu từ 22h00’ đến 4h00’ (giờ địa phương). Nhóm biểu tình chính ở Sudan đã phản đối các thông báo của quân đội, đồng thời kêu gọi tiếp tục các cuộc biểu tình. Trong khi đó, các nhân chứng cho biết hàng nghìn người biểu tình Sudan vẫn tập trung bên ngoài các sở chỉ huy quân sự.

Chia sẻ bài viết
Từ khóa
Sudan