24/02/2024 - 09:08

Du lịch ÐBSCL đạt doanh thu trên 45.700 tỉ đồng trong năm 2023 

(CT) - Ngày 23-2, tại tỉnh Ðồng Tháp, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL (Hiệp hội) tổ chức hội nghị tổng kết năm 2023 và đề ra phương hướng, nhiệm vụ năm 2024.

Du khách tham quan làng hoa Sa Ðéc.

Năm 2023, du lịch ÐBSCL ghi nhận sự chuyển biến tích cực và phục hồi mạnh mẽ. Theo báo cáo từ Hiệp hội, du khách đến ÐBSCL năm 2023 ước đạt trên 44,95 triệu lượt, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó khách quốc tế đạt gần 1,9 triệu lượt. Tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 45.700 tỉ đồng, tăng hơn 42% so với cùng kỳ 2022; doanh thu này tăng gần 14% so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước dịch COVID-19.

Ðây là kết quả toàn ngành du lịch ÐBSCL nỗ lực, đẩy mạnh các hoạt động liên kết, hợp tác, xúc tiến, quảng bá du lịch, chú trọng đầu tư và xây dựng các sản phẩm mới, hạ tầng… Trong đó du lịch nhiều địa phương phát triển nhanh với nhiều sản phẩm mới như Kiên Giang, Ðồng Tháp, Hậu Giang, Vĩnh Long…

Thời gian qua, Hiệp hội đã tích cực làm tốt vai trò kết nối, hỗ trợ các địa phương trong phục hồi và phát triển du lịch. Năm 2023, Hiệp hội đã kết nạp thêm 10 hội viên mới, nâng tổng số hội viên lên 141. Năm qua, Hiệp hội cũng đã phối hợp với các địa phương tổ chức nhiều đoàn khảo sát, thẩm định các điểm đến của 6 tỉnh: An Giang, Bạc Liêu, Bến Tre, Ðồng Tháp, Trà Vinh và Vĩnh Long; công nhận và tái công nhận 13 Ðiểm Du lịch tiêu biểu ÐBSCL năm 2023. Tính đến nay, ÐBSCL có 53 Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL. Ngoài ra, các đơn vị trực thuộc Hiệp hội là Liên chi Hội Ðầu bếp Chuyên nghiệp ÐBSCL, Liên Chi hội Lữ hành ÐBSCL tổ chức nhiều hoạt động hữu ích cho các thành viên. Năm qua, Hiệp hội cũng đã tổ chức nhiều đoàn xúc tiến, quảng bá du lịch thành công tại các thị trường: Nhật Bản, Ðà Nẵng, Lào Cai, khu vực miền Trung và Tây Bắc…

Năm 2024, Hiệp hội tập trung một số nhiệm vụ trọng tâm: tăng cường hoạt động liên kết, hợp tác phát triển du lịch giữa 13 tỉnh thành ÐBSCL với TP Hồ Chí Minh, giữa các cụm hợp tác trong vùng, giữa ÐBSCL với Hà Nội, khu vực Tây Nguyên và phía Bắc. Ðồng thời chú trọng nâng chất và xây dựng các Ðiểm du lịch tiêu biểu ÐBSCL, hỗ trợ các địa phương trong các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch. Theo đó, năm 2024, Hiệp hội Du lịch ÐBSCL tập trung quảng bá ở các thị trường: Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc, Hà Nội, Quảng Ninh.

Ðể thúc đẩy du lịch ÐBSCL phát triển, Hiệp hội và các địa phương, các doanh nghiệp cũng đề xuất nhiều giải pháp, như mở các đường bay quốc tế và các vùng trọng điểm du lịch kết nối với ÐBSCL; xây dựng phát triển sản phẩm mới, liên tuyến, liên vùng; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực; xây dựng các sự kiện văn hóa - du lịch địa phương thu hút du khách; quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch vùng ÐBSCL; tăng cường chuyển đổi số trong hoạt động du lịch…

Tin, ảnh: ÁI LAM

Chia sẻ bài viết