17/08/2020 - 05:48

Dự án tàu đệm từ của Nhật gặp khó 

Trước tác động của đại dịch COVID-19 và những lo ngại về môi trường, dự án tàu đệm từ nối liền thủ đô Tokyo và thành phố Nagoya của Nhật Bản nhiều khả năng tiếp tục bị hoãn.

Một mẫu tàu đệm từ của Nhật được giới thiệu tại tỉnh Yamanashi.

Một mẫu tàu đệm từ của Nhật được giới thiệu tại tỉnh Yamanashi.

Theo kế hoạch, tuyến tàu đệm từ nối Tokyo và Nagoya sẽ vận hành vào năm 2027 và 10 năm sau mở rộng đến Osaka. Với vận tốc lên tới 500km/giờ, về mặt lý thuyết tàu đệm từ sẽ cho phép rút ngắn thời gian di chuyển từ Tokyo đến Nagoya xuống chỉ còn 40 phút thay vì 90 phút như khi dùng tàu cao tốc thông thường, trong khi thời gian đi từ Tokyo đến Osaka chỉ còn hơn 1 giờ so với hiện tại là 2,5 giờ.

Tuy nhiên, dự án trị giá 9.000 tỉ yen (khoảng 84 tỉ USD) đang gặp khó vì vấp phải sự phản đối từ chính quyền tỉnh Shizuoka trong việc xây đường hầm dài 9km xuyên qua một dãy núi tại đây. Thống đốc Shizuoka, ông Heita Kawakatsu dẫn lý do rằng đường hầm xuyên núi có thể ảnh hưởng xấu đến nguồn nước sông Oi cũng như sinh kế của nông dân địa phương.

Theo chính quyền sở tại, sông Oi là nguồn cấp nước quan trọng cho khoảng 620.000 cư dân lân cận, vốn dựa vào con sông này để sinh hoạt hằng ngày. Trong khi đó, tuy chỉ chiếm 3% tổng chiều dài 290km của tuyến tàu Tokyo - Nagoya, song đường hầm xuyên núi sẽ mất khoảng 7 năm rưỡi để hoàn thành, bao gồm việc đối mặt với địa chất khó lường và hệ sinh thái dễ bị thương tổn. Và dù ông Kawakatsu viện lý do môi trường để từ chối “bật đèn xanh” cho kế hoạch xây đường hầm, nhưng sự thực là trong số 7 tỉnh mà tuyến tàu Tokyo - Nagoya đi qua, Shizuoka là tỉnh duy nhất không được xây trạm dừng chân. Điều này đồng nghĩa Shizuoka ngay từ đầu đã không nhận được lợi ích gì từ dự án trên.

Bên cạnh đó, sự bùng phát của COVID-19 cũng ảnh hưởng tới năng lực tài chính của Tập đoàn Đường sắt Trung ương Nhật (JR Central), đơn vị chủ quản của dự án tàu đệm từ Tokyo - Nagoya. Cụ thể, lượng hành khách sử dụng tàu siêu tốc của hãng từ tháng 4 đến tháng 5-2020 đã giảm đến 90% so với cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, dịch bệnh cũng khiến nhiều người kinh doanh, đối tượng khách hàng chính sử dụng tàu cao tốc, chuyển sang họp trực tuyến, thay vì chọn đi công tác xa. Điều này làm dấy lên nghi ngờ về lợi ích di chuyển siêu nhanh mà tàu đệm từ mang lại. “Chúng ta cần thích ứng với một kỷ nguyên mới. Mạng Internet nhanh hơn tàu đệm từ, ông biết đấy”- thống đốc Kawakatsu nói với Chủ tịch Shin Kaneko của JR Central trong cuộc họp chung hồi tháng 6.

Dự án tàu đệm từ quan trọng ra sao?

Thực ra, dự án tàu đệm từ cao tốc Shinkansen đã kéo dài nhiều thập kỷ, kể từ lần đầu tiên được Bộ Giao thông chấp thuận hồi năm 1973. Đến năm 2007, tàu đệm từ gây chú ý trở lại sau khi JR Central bất ngờ thông báo sẽ tự đảm trách và hỗ trợ tài chính cho dự án tuyến tàu đệm từ  Tokyo - Nagoya.

Về mặt kinh tế, Hãng tư vấn và nghiên cứu Mitsubishi UFJ ước tính việc mở tuyến tàu đệm từ Tokyo - Nagoya vào năm 2025 sẽ giúp mang về khoảng 10.700 tỉ yen trong hơn 50 năm. Trong khi việc thông tuyến Tokyo - Osaka trong cùng năm giúp nâng con số này lên tới 16.800 tỉ yen. JR Central thì nhận định vận tốc của đoàn tàu cũng sẽ giúp tăng cường đáng kể sự kết nối của 16 tỉnh, tạo thành một vùng kinh tế khổng lồ. Cụ thể, GDP của vùng này - bao gồm các đô thị Tokyo, Osaka và Nagoya, cùng với các tỉnh Kanagawa, Yamanashi, Nagano và Kyoto - có thể đạt giá trị tới 330.000 tỉ yen, vượt qua cả GDP của Pháp.

Mặt khác, đằng sau việc thúc đẩy sáng kiến tàu đệm từ của Tokyo còn là mong muốn thiết lập một “siêu khu vực”, mang lại cho Nhật lợi thế cạnh tranh so với siêu khu vực ở những nước khác. Chẳng hạn như vùng “BosWash” ở bờ Tây của Mỹ gồm một chuỗi thành phố trải dài từ Boston tới Washington D.C, còn vùng Đồng bằng sông Châu Giang của Trung Quốc bao gồm 9 thành phố ở tỉnh Quảng Đông, cùng với Hong Kong và Macau. Dự án tàu đệm từ cũng trùng khớp với ý định xuất khẩu công nghệ cơ sở hạ tầng của chính phủ, khi Tokyo đang cạnh tranh để nhận xây dựng tuyến tàu đệm từ tại Mỹ, nối từ New York đến Washington D.C. 

Tàu đệm từ hoạt động trên nguyên lý đoàn tàu sẽ được nâng lên, dẫn lái và di chuyển bởi lực từ hoặc lực điện từ. Phương pháp này giúp loại bỏ ma sát, phương tiện đi nhanh hơn, tiêu tốn ít năng lượng và tiếng ồn. Tàu đệm từ có thể đạt đến tốc độ lên đến 650km/giờ, nên có thể cạnh tranh với hàng không trên cự ly vận chuyển dài. Đến nay, mới có 3 nước đang vận hành khai thác thương mại loại tàu này là Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc.

NGUYỆT CÁT (Theo Japan Times, Asia Nikkei)

Chia sẻ bài viết