18/08/2009 - 22:22

Nhiều công ty cổ phần ở TP Cần Thơ

Đột phá trong sản xuất, kinh doanh

Trong 2 ngày (13 và 14-8), Đoàn kiểm tra Thành ủy do ông Trần Thanh Mẫn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ làm trưởng đoàn, đã làm việc với Công ty cổ phần Dược Hậu Giang, Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ và Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ. Đoàn đã kiểm tra tình hình thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3, Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp nhà nước tại các công ty này. Theo nhận định của đoàn kiểm tra, sau khi cổ phần hóa (CPH) các đơn vị trên đã hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả...

* HOẠT ĐỘNG SẢN XUẤT KINH DOANH HIỆU QUẢ HƠN

Tại thời điểm CPH, Công ty cổ phần Dược Hậu Giang (DHG) có vốn điều lệ 80 tỉ đồng. Trong đó, cổ phần nhà nước chiếm 51% vốn điều lệ, cổ phần bán cho người lao động trong doanh nghiệp 38% và cổ phần bán cho đối tượng ngoài doanh nghiệp 11%. Đến thời điểm tháng 7-2009, vốn điều lệ của DHG đã tăng lên 200 tỉ đồng; trong đó cổ phần nhà nước 44,61%, cổ phần của người lao động 4,57% và cổ phần bên ngoài doanh nghiệp 50,82%. Vốn chủ sở hữu cũng tăng lên đáng kể, từ hơn 96,5 tỉ đồng trước khi CPH (năm 2004) đã tăng lên hơn 775,8 tỉ đồng, tính đến thời điểm cuối tháng 6-2009. Sau khi chuyển đổi sang doanh nghiệp CPH, DHG đã có hoạt động sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả hơn. Theo đó, trong năm 2008, DHG đạt doanh thu hơn 1.518 tỉ đồng (đạt 295% so với năm liền kề trước khi CPH), lợi nhuận sau thuế hơn 129,9 tỉ đồng (đạt 359% so với năm liền kề trước khi CPH). Trong 6 tháng đầu năm 2009, DHG đạt doanh thu hơn 803,7 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 93,4 tỉ đồng. Đến cuối tháng 6-2009, thu nhập của người lao động DHG bình quân ở mức hơn 9,45 triệu đồng/người/tháng; tăng gần 3 lần so với năm liền kề trước khi CPH (chỉ ở mức hơn 3,26 triệu đồng/người/tháng)...

Chợ Tân An (quận Ninh Kiều) do Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ đầu tư và khai thác đang hoạt động hiệu quả. 

Công ty cổ phần Thương nghiệp Tổng hợp Cần Thơ (C.T.C) tiến hành CPH từ tháng 3-2006 với vốn điều lệ sau CPH là 15 tỉ đồng, trong đó phần vốn nhà nước chiếm 20%, còn lại là vốn của cổ đông. Cho đến nay, vốn điều lệ và phần vốn Nhà nước vẫn được giữ ổn định. Trong năm 2008, đơn vị đạt doanh thu hơn 53,6 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt hơn 2 tỉ đồng, tăng 84% so với thời điểm trước khi CPH (năm 2005). Nếu như năm 2007, C.T.C chia cổ tức cho cổ đông chỉ 9% thì đến năm 2008 là 12%. Thu nhập bình quân của người lao động từ ở mức hơn 1,84 triệu đồng vào năm 2005 hiện nay đã tăng lên hơn 2,15 triệu đồng/người/tháng. Hiện C.T.C đang có 13 chi nhánh trực thuộc, chủ yếu sản xuất và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm, bách hóa, khai thác chợ...

Trong năm 2008, Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Thủy sản Cần Thơ (Caseamex) hoạt động sản xuất kinh doanh đạt doanh thu hơn 580,5 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 12,6 tỉ đồng. Trong 6 tháng đầu năm 2009, công ty đạt doanh thu hơn 296 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế hơn 7,8 tỉ đồng. Chia cổ tức cho cổng đông năm 2007 ở mức 26%, năm 2008 ở mức 21% (trong đó 18% bằng tiền mặt và 3% bằng cổ phiếu thưởng). Sau khi CPH, Caseamex tiếp tục chăm lo tốt đời sống cho người lao động như: đóng bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội đầy đủ. Hiện nay, công ty có hơn 1.300 lao động, mức thu nhập của người lao động bình quân 2,3 triệu đồng/người/tháng...

Ông Võ Đông Đức, Tổng Giám đốc Caseamex, cho biết: “Sau 3 năm CPH, từ nguồn vốn ban đầu 28 tỉ đồng đến nay đã tăng lên trên 125 tỉ đồng. Caseamex đã xây dựng được thêm 1 nhà máy chế biến có công suất gấp 2 lần nhà máy cũ. Ngày 7-7-2009, công ty tiến hành khởi công xây dựng thêm 1 nhà máy có vốn đầu tư khoảng 70 tỉ đồng để tăng công suất cấp đông và sản xuất thêm mặt hàng thủy sản. Hiện nay, Caseamex đã chủ động được trên 70% nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất nhờ đầu tư cho vùng nguyên liệu trong những năm gần đây. Caseamex còn có ý định sẽ đầu tư xây dựng thêm 1 nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản để có điều kiện khép kín quy trình sản xuất từ con giống, thức ăn, đến chế biến...”.

* CẦN CHÚ TRỌNG XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU MẠNH

Sau khi CPH, các công ty trên đã có bước đột phá trong sản xuất kinh doanh, nhưng cũng có một số khó khăn. Ông La Minh Hồng, Tổng Giám đốc C.T.C, cho biết: “Sau khi CPH, các cổ đông bên ngoài muốn chia cổ tức cao, còn người lao động trong công ty muốn có đồng lương cao. Ban lãnh đạo C.T.C phải điều hành sao cho hài hòa giữa lợi ích của người lao động và cổ đông...”. Theo lãnh đạo DHG, sau khi CPH, phần vốn nhà nước chiếm tỷ trọng lớn trong vốn điều lệ đã hạn chế thu hút các cá nhân, tổ chức, nhà đầu tư chiến lược tham gia vào quá trình phát triển sản xuất kinh doanh của công ty. Đồng thời, nội dung của qui chế hoạt động, cơ chế tài chính, chính sách tiền lương, tiền thưởng vẫn còn áp dụng theo doanh nghiệp nhà nước. Trong khi đó, người lao động chưa nhận thức đầy đủ quyền lợi và lợi ích lâu dài của mình nên đã bán bớt cổ phần làm hạn chế tính tích cực của chính sách khuyến khích thực hiện quyền cổ đông trong công ty...

Ông Trần Thanh Mẫn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Cần Thơ, cho rằng: “Đảng, Nhà nước luôn quan tâm tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho các công ty CPH phát triển sản xuất kinh doanh để giải quyết việc làm cho người lao động, tạo nguồn thu thuế. Qua kiểm tra tại 3 công ty CPH cho thấy, từ sau CPH đến nay các đơn vị này đều có hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả. Trong thời gian tới, các đơn vị phải dựa vào thế mạnh công ty CHP để mở rộng sản xuất kinh doanh, nhất là xây dựng được những sản phẩm chủ lực của từng công ty và các sản phẩm này phải có thương hiệu mạnh. Hiện nay, thành phố có khoảng 7.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ, với vốn điều lệ khoảng 13.000 tỉ đồng, nhưng các doanh nghiệp thành phố còn yếu về thương hiệu...”.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn lưu ý: C.T.C phải xây dựng chiến lược phát triển giai đoạn 2010-2020, trong đó cần xác định ngành thực phẩm và bách hóa nào là chủ lực để đẩy mạnh kinh doanh, tham gia bình ổn giá cả các mặt hàng thiết yếu ở khu vực nội ô thành phố. Đồng thời, có chiến lược phát triển hệ thống chợ theo hướng hiện đại và văn minh, mở rộng đầu tư phát triển kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng-khách sạn. Đối với Caseamex, trong thời gian tới cần phải đảm bảo nguồn nguyên liệu cho sản xuất, giữ ổn định và phát triển thêm thị trường xuất khẩu...

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Cần Thơ, hiện nay, Nhà nước đang có chính sách kích cầu, nếu các công ty CPH cần vốn mở rộng sản xuất kinh doanh có văn bản đề nghị, sẽ được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi. Ngoài ra, trong thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ giới thiệu các đối tác trong và ngoài nước đến hợp tác làm ăn với các đơn vị CPH của thành phố...

Bài, ảnh: ANH KHOA

Chia sẻ bài viết