06/07/2022 - 16:36

Đồng Tháp tổ chức lễ giỗ lần thứ 202 của ông bà Chủ chợ Cao Lãnh 

(CTO) - Ngày 6-7, tại TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp, đã diễn ra lễ giỗ ông, bà Đỗ Công Tường (hay còn gọi là ông bà Chủ chợ Cao Lãnh) lần thứ 202. Lễ giỗ diễn ra từ ngày 5-8/7 (nhằm mùng 10/6 năm Nhâm Dần).

Đền thờ ông bà Chủ chợ Cao Lãnh thu hút đông đảo bà con thập phương đến cúng bái.​

Năm nay, lễ giỗ được tổ chức trang trọng, không gian mở rộng với nhiều hoạt động ý nghĩa như khánh thành cầu Đỗ Công Tường, cầu Nguyễn Bỉnh Khiêm, hoạt động chợ Đèn Dầu, phố đi bộ cùng với các hội thi, trưng bày đặc sản, trò chơi dân gian, tái hiện vườn quýt... Thêm ý nghĩa hơn, trong chuỗi hoạt động này, TP Cao Lãnh và huyện Cao Lãnh còn phối hợp tổ chức Lễ hội Xoài Cao Lãnh năm 2022, góp phần quảng bá sản phẩm từ xoài, thúc đẩy xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ, gia tăng giá trị nông sản, cải thiện thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Ông bà Chủ chợ có công lao rất lớn đối với vùng đất Cao Lãnh và địa danh Cao Lãnh cũng xuất phát từ đây.​

Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường như một di tích lưu dấu tiền nhân thời kỳ khẩn hoang lập ấp của vùng đất Cao Lãnh. Lễ giỗ Ông bà Đỗ Công Tường là một nét sinh hoạt tâm linh không thể tách rời khỏi đời sống của người dân TP Cao Lãnh nói riêng và cả nước nói chung. Theo nhiều tài liệu lịch sử, năm 1820 tại vùng này xảy ra dịch tả khiến nhiều người chết. Trước tình cảnh đó, ông, bà đã bày hương án khấn nguyện xin chết thay cho dân chúng để dịch mau chấm dứt. Sau đó không lâu ông bà qua đời và dịch bệnh cũng hết. Bà con nơi đây biết ơn ông bà nên đã lập miếu thờ phụng.

Công lao của ông bà Đỗ Công Tường được triều đình nhà Nguyễn ghi nhận thông qua bản sắc phong của vua Bảo Đại năm 1935: “Sắc cho xã Mỹ Trà, tỉnh Sa Đéc, thờ phụng vị thần có công khai lập chợ Câu Lãnh là Đỗ Công Tường”. Đây cũng là bằng chứng lịch sử có giá trị về công lao của ông bà đối với vùng đất Cao Lãnh và địa danh ấy đã tồn tại hơn 200 năm.

Ngày 8-7-2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có quyết định xếp hạng Mộ và Đền thờ ông bà Đỗ Công Tường là di tích lịch sử - văn hóa quốc gia.

Phát biểu tại buổi lễ, bà Lê Thị Mai Trinh, Phó Chủ tịch UBND TP Cao Lãnh, cho biết hơn 200 năm qua, trong tâm thức người dân Cao Lãnh, ông bà chính là vị phúc thần luôn bảo hộ cho dân lành, ban cho sự bình an, vượt qua những điều bất trắc, tai ương, mang đến sự tốt lành. Tấm lòng của ông bà đã tạo nên giá trị về lòng yêu thương con người, sự chở che, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn, thử thách.

“Hy vọng rằng đất và người Cao Lãnh sẽ được đón nhận thật nhiều sự quan tâm, tình cảm quý mến của quý lãnh đạo tỉnh, các huyện, thành phố bạn... của những người con quê hương đang ở nơi xa. Đó chính là động lực to lớn nhất giúp cho TP Cao Lãnh phát triển hoàn thiện hơn” - bà Trinh nhấn mạnh.

Cùng ngày, UBND TP Cao Lãnh cũng tổ chức khánh thành cầu đi bộ Đỗ Công Tường và cầu Nguyễn Bỉnh Khiêm. Hai công trình đưa vào sử dụng góp phần hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.

ĐÌNH PHONG

Chia sẻ bài viết