Dù thủ lĩnh tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt nhưng mối đe dọa của chúng vẫn tồn tại ở Đông Nam Á, khiến nhiều quốc gia trong khu vực lo ngại xảy ra các cuộc tấn công trả đũa.

Phát biểu trước báo giới hôm 29-10, người đứng đầu đơn vị đặc nhiệm chống khủng bố của Malaysia Datuk Ayob Khan Mydin Pitchay (ảnh) cảnh báo, cái chết của al-Baghdadi có thể khiến cho lực lượng này tràn vào Đông Nam Á. Hiện Malaysia cảnh giác cao độ về mối đe dọa khủng bố tiềm tàng của IS. “IS vẫn sẽ là một tổ chức nguy hiểm dù mất thủ lĩnh. Do đó, các cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là cảnh sát, không được mất cảnh giác. Chúng tôi đã phát hiện ra kế hoạch của IS nhằm thiết lập một đế chế mới tại khu vực kể từ khi thành trì của chúng tại thành phố Raqqa của Syria sụp đổ hồi năm 2017” - Datuk nhấn mạnh. Ông cảnh báo, nguy cơ khủng bố tại Đông Nam Á có thể sẽ đến từ những kẻ tấn công theo kiểu “sói đơn độc” hay các chiến binh cấp tiến, vốn bị ảnh hưởng bởi hệ tư tưởng thánh chiến của IS.
Tiến sĩ Ahmad El-Muhammady, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Hồi giáo Quốc tế Malaysia, cũng có lo ngại tương tự. Theo ông Ahmad, cái chết của al-Baghdadi dù làm IS suy yếu nhưng đó cũng là nguyên nhân khiến chúng tái hợp và đưa ra những chiến lược mới. Ông kêu gọi tất cả các cơ quan an ninh trong khu vực nâng cao cảnh giác đối với hoạt động và chiến lược tuyển dụng của IS, bởi chúng có thể sẽ sáng tạo hơn trong việc “chiêu binh mãi mã” và triển khai các hoạt động thậm chí nhiều hơn sau cái chết của al-Baghdadi.
Theo một quan chức cấp cao thuộc lực lượng cảnh sát chống khủng bố của cảnh sát Indonesia, hệ tư tưởng của IS “vẫn là nền tảng cơ bản cho cuộc đấu tranh của chúng”. Ảnh hưởng của nó đã lan rộng ra khắp Indonesia thông qua sách và mạng xã hội đến mức khó có thể ngăn chặn.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley cho biết Mỹ đã tiến hành thủy táng al-Baghdadi với các nghi thức của người Hồi giáo, tương tự như với trùm khủng bố Osama bin Laden trước đây. |
Trong khi đó, phản ứng trước thông tin al-Baghdadi bị tiêu diệt, thiếu tướng Edgard Arevalo, phát ngôn viên quân đội Philippines (AFP) trong một tuyên bố hôm 28-10 cho biết binh sĩ AFP luôn trong tình trạng cảnh giác cao độ nhằm ngăn chặn nguy cơ xảy ra các cuộc tấn công của IS tại nước này. Ông kêu gọi người dân tố giác bất kỳ người hay hoạt động đáng ngờ nào cho các cơ quan chức năng, từ đó giúp lực lượng an ninh Philippines xua đuổi IS ra khỏi nước này. Tại đảo Mindanao ở miền Nam Philippines, năm 2017, IS từng chiếm thành phố Marawi suốt 5 tháng và gây ra cuộc chiến ác liệt nhất kể từ Thế chiến thứ hai ở nước này, làm thiệt mạng hơn 1.100 người. Đây cũng là vụ tấn công lớn nhất của IS tại khu vực Đông Nam Á.
An ninh ở Đông Nam Á trở nên đáng lo ngại hơn khi Zachary Abuza, Giáo sư Đại học Chiến tranh Quốc gia Mỹ (NWC) và cũng là chuyên gia an ninh khu vực Đông Nam Á, cảnh báo cái chết của al-Baghdadi sẽ không tạo nên sự khác biệt trong hoạt động của các mạng lưới khủng bố tại khu vực. Ông Abuza dự đoán các mạng lưới khủng bố ở Đông Nam Á từng tuyên bố trung thành với IS sẽ tiếp tục hoạt động khủng bố bất kể tình hình tại Syria diễn biến ra sao.
Thủ tướng Úc Scott Morrison cũng bày tỏ quan ngại khi nói rằng cái chết của al-Baghdadi không phải là dấu chấm hết đối với IS. “Đây là một con quái vật nhiều đầu. Khi bạn cắt đứt một đầu, đầu khác chắc chắn sẽ mọc ra” - ông nhận định.
TRÍ VĂN (Theo Malay Mail, SCMP)