13/10/2015 - 20:33

KỶ NIỆM 85 NĂM NGÀY THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

Đồng chí Lê Bá Phước, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội nông dân thành phố Cần Thơ: THỰC HIỆN ĐỒNG BỘ CÁC GIẢI PHÁP THÚC ĐẨY NÔNG NGHIỆP, NÔNG THÔN PHÁT TRIỂN, NÂNG CAO ĐỜI SỐNG NÔNG DÂN

 

Thời gian qua, các cấp Hội nông dân (HND) thành phố đã lãnh đạo, tập hợp, vận động giai cấp nông dân thực hiện tốt các phong trào thi đua yêu nước, phong trào thi đua trọng tâm của Hội, góp phần hoàn thành các nhiệm vụ chính trị phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo an sinh xã hội. Nhân dịp kỷ niệm 85 năm Ngày thành lập HND Việt Nam (14/10/1930 - 14/10/2015), Báo Cần Thơ có cuộc trao đổi với đồng chí Lê Bá Phước, Thành ủy viên, Chủ tịch HND thành phố về tình hình nông nghiệp, nông thôn hiện nay và những hoạt động trợ giúp hội viên, nông dân thành phố trong việc ổn định cuộc sống, vươn lên làm giàu chính đáng, cũng như những vấn đề trọng tâm cần thực hiện thời gian tới để nông nghiệp, nông thôn thành phố tiếp tục phát triển, nâng cao đời sống của nông dân. Đồng chí Lê Bá Phước cho biết:

-Nhìn chung, trong những năm gần đây, tình hình phát triển nông nghiệp, nông thôn và đời sống nông dân có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, nông nghiệp phát triển đúng định hướng: xây dựng cánh đồng lúa lớn, phát triển sản xuất rau an toàn, phát triển làng nghề, vườn cây ăn trái kết hợp với du lịch sinh thái… Trong quy trình sản xuất, nông dân đã áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng cơ giới hóa trong nông nghiệp; chú trọng chất lượng sản phẩm, đăng ký thương hiệu, góp phần làm tăng giá trị nông sản, giảm giá thành sản xuất. Nông thôn thành phố cũng đã có bước chuyển mình rõ nét, khoảng cách mức sống so với thành thị có bước thay đổi tích cực. Hầu hết các xã, phường đã có đường xe ô tô đến trụ sở, điện chiếu sáng, trạm y tế, trường học đã được nâng cấp và đầu tư phục vụ khá tốt; tỷ lệ hộ nghèo giảm, trình độ dân trí trong nông thôn cũng tăng đáng kể…

Nông dân TP. Cần Thơ phấn khởi trước những thành tựu to lớn của đất nước sau gần 30 năm đổi mới, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, tích cực thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; các phong trào thi đua của Hội. Trong đó tiêu biểu là trong phong trào chung sức xây dựng nông thôn mới, hội viên, nông dân đã hiến 183.000m2 đất, đóng góp 81.976 ngày công để làm mới và sửa chữa gần 781 km đường giao thông nông thôn, nạo vét kênh mương nội đồng 30.937m3 đất, đê bao thủy lợi 75,998 km, tổng trị giá 135 tỉ đồng, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, ngày càng khang trang, sạch đẹp. Đặc biệt, hàng năm có trên 52.500 hộ nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của thành phố xuống còn 1,84%.

 Thưa đồng chí, mặc dù đời sống đã được nâng lên, nhưng chắc hẳn tình hình sản xuất, đời sống của hội viên, nông dân thành phố cũng còn những khó khăn nhất định?

- Chúng tôi nhận thấy, hiện nay thu nhập và đời sống của nhiều bà con nông dân vẫn còn thấp và bấp bênh, những hộ gia đình thuần nông trong điều kiện diện tích sản xuất nhỏ lẻ, đời sống của bà con còn nhiều khó khăn. Nhiều hộ nông dân thiếu vốn sản xuất, chưa tiếp cận được khoa học công nghệ vào sản xuất. Thời tiết, biến đổi khí hậu, dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi ảnh hưởng rất lớn đến quá trình sản xuất, thu nhập của nông dân. Trình độ sản xuất, quản lý của người nông dân chưa đáp ứng kịp theo yêu cầu của sản xuất hàng hóa, thiếu thông tin thị trường và nơi tiêu thụ. Tình trạng sản xuất ra "được mùa, mất giá diễn ra thường xuyên….

 Nhờ trợ giúp của HND các cấp và các ngành chức năng, nhiều nông dân thành phố đã thành công trong các mô hình sản xuất mới. Trong ảnh: Mô hình nuôi ếch của nông dân xã Thạnh Phú, huyện Cờ Đỏ. Ảnh: QUỐC TRƯỞNG

Một bộ phận nông dân thành phố vẫn còn nhiều băn khoăn khi sản xuất nông nghiệp nhiều rủi ro, lợi nhuận thấp. Nông dân ở một số nơi bị thu hồi đất và ở khu tái định cư chưa có việc làm ổn định, nơi ở mới chưa bằng nơi ở cũ; một bộ phận người dân ngoại thành đời sống còn gặp nhiều khó khăn... Bà con cũng lo lắng trước tình trạng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn gia súc kém chất lượng vẫn chưa được kiểm soát chặt chẽ gây thiệt hại đến sản xuất và đời sống; tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tình trạng bạo lực gia đình ở nông thôn còn diễn biến phức tạp.

 Thưa đồng chí, thời gian qua, các cấp HND thành phố có những giải pháp hoạt động thiết thực gì nhằm hỗ trợ cho hội viên nông dân phát triển sản xuất, nâng cao đời sống?

- Thời gian qua, Thành ủy tập trung chỉ đạo UBND thành phố xây dựng các chương trình, đề án và dự án đảm bảo tính thống nhất và khả thi từ khâu quy hoạch đến triển khai thực tế cho nông dân. Trong đó, vai trò nòng cốt là HND các cấp, tiêu biểu như xây dựng mô hình cánh đồng mẫu lớn, đến nay đã nhân rộng ra toàn thành phố, với diện tích 39.030 ha, mô hình này đã liên kết "tốt 4 nhà", phát huy được hiệu quả, giảm chi phí, tăng lợi nhuận và từng bước nâng cao đời sống cho nông dân. Đặc biệt, Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đã giúp cho 1.673 lượt hộ nông dân có vốn sản xuất kinh doanh, với tổng số tiền trên 4,9 tỉ đồng. Ngoài ra, Trung ương HND Việt Nam còn đầu tư 5 tỉ đồng, đến nay đã xoay vòng được 26 dự án, với tổng số tiền xoay vòng trên 11,2 tỉ đồng, giải quyết cho 283 hộ nông dân vay phát triển sản xuất, dịch vụ. Trong giai đoạn 2010-2015, HND phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Chính sách xã hội giúp 47.811 hộ nông dân vay vốn, với số tiền trên 921 tỉ đồng. Bên cạnh đó, ngân sách đã phát vay cho 10 dự án với 109 hộ, với số tiền trên 2 tỉ 99 triệu đồng. Đồng thời, phối hợp mở 1.167 lớp dạy nghề cho 20.836 học viên, tỷ lệ có việc làm sau đào tạo nghề đạt 73,34%, giúp cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống. Hàng năm, các cấp Hội vận động cất tặng từ 8-15 "mái ấm nông dân" cho cán bộ hội có hoàn cảnh khó khăn, chủ động phối hợp hỗ trợ tư vấn pháp luật, hỗ trợ quảng bá nông sản cho nông dân,…

 Theo đồng chí, để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân, các cấp HND thành phố cần tiếp tục tập trung thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp nào?

-Trước tiên, chúng tôi tập trung tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Hội và chất lượng hội viên; đổi mới nội dung, hình thức sinh hoạt chi, tổ Hội theo hướng gắn với sản xuất và đời sống của hội viên; tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng hội viên… Hai là, chủ động phối hợp tạo sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường trong nông nghiệp; thực hiện tốt chủ trương liên kết "4 nhà" trong nông nghiệp nhằm giúp nông dân yên tâm sản xuất. Ba là, phối hợp thúc đẩy phát triển kinh tế hộ, kinh tế hợp tác, kinh tế trang trại, từng bước hình thành, quy hoạch vùng sản xuất chuyên canh, sản phẩm đặc thù, xây dựng thương hiệu sản phẩm đặc trưng của thành phố trong xuất khẩu của cả nước với hai mặt hàng chiến lược là lúa gạo và cá da trơn. Đồng thời, phát triển chăn nuôi heo, gia cầm theo hướng công nghiệp, tập trung gắn liền cơ sở giết mổ, chế biến đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường. Bốn là, tiếp tục hỗ trợ vốn cho nông dân sản xuất từ nhiều nguồn; phối hợp với các ngành chuyển giao khoa học công nghệ cho nông dân, dạy nghề gắn với việc làm, có thu nhập ổn định…

 Thưa đồng chí, giúp hội viên, nông dân nâng cao đời sống là nhiệm vụ lớn, chỉ riêng HND không thể thực hiện nổi. Vậy, đồng chí có kiến nghị gì với cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp?

- Theo chúng tôi, Đảng và Nhà nước cần quan tâm chú trọng tới phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn nhiều hơn nữa. Bởi vì nông dân là lực lượng quan trọng, đang chiếm tỷ lệ lớn trong dân số. Mặt khác, đời sống của lực lượng này hiện nay còn khó khăn trong khi sản xuất nông nghiệp là bệ đỡ của nền kinh tế, vừa giữ vai trò quan trọng là an ninh lương thực quốc gia.

Trước hết, theo chúng tôi, cần phát huy vai trò và mối liên kết "bốn nhà" - đây là khâu then chốt trong giai đoạn hiện nay. Trong đó, "Nhà nước" giữ vai trò chủ đạo, ban hành chính sách khuyến khích thúc đẩy 3 nhà còn lại; "nhà doanh nghiệp" chủ động tìm vùng đầu tư thành vùng nguyên liệu, đầu tư hỗ trợ kỹ thuật, các dịch vụ đầu vào để giảm giá thành cho nông dân; tìm đối tác nước ngoài để tăng giá trị nông sản, tạo niềm tin đối với nông dân; "nhà khoa học" tập trung đầu tư nghiên cứu những bộ giống thích hợp phát triển của vùng như lúa, cây ăn trái, bò cao sản, heo, cá da trơn, một số loại hoa kiểng…. nghiên cứu chế phẩm sinh học hướng tới sản xuất an toàn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân. Còn "nhà nông" hướng đến sản xuất tập thể, sản xuất hướng an toàn, sản xuất theo hợp đồng, giữ uy tín đối với doanh nghiệp.

Song song đó là tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn để phục vụ đời sống và sản xuất ở khu vực này. Trước hết đầu tư vào kết cấu hạ tầng như: đường sá, mạng điện, thủy lợi, thông tin, các công trình phục vụ sản xuất lúa, thủy sản, chăn nuôi...). Ngoài ra, để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đời sống cho nông dân và thay đổi bộ mặt nông thôn hiện nay, cần có chính sách gắn kết công nghiệp với nông nghiệp, công nghiệp phải phục vụ nông nghiệp, đưa dịch vụ về nông thôn, đa dạng hóa ngành nghề ở nông thôn. Chúng tôi cũng kiến nghị cần nhà nước cần có chính sách tạo điều kiện để tập trung ruộng đất mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng cơ giới hóa và tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, giảm lao động, giảm chi phí mới tạo ra sản phẩm cạnh tranh. Cuối cùng cần nghiên cứu giảm diện tích đất trồng lúa, chuyển sang trồng một số loại cây có giá trị kinh tế cao hơn, có thể chế biến làm thức ăn cho chăn nuôi và thủy sản như bắp, đậu, cỏ…

 Xin cám ơn đồng chí!

Quốc Trưởng (thực hiện)

Chia sẻ bài viết