12/11/2024 - 09:04

Đồng bằng sông Cửu Long đón làn sóng đầu tư mới 

Vùng ÐBSCL đang chuyển mình mạnh mẽ khi hàng loạt công trình giao thông trọng điểm như cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, cầu Rạch Miễu 2, cầu Ðại Ngãi, dự án Cao Lãnh - An Hữu; dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận… đồng loạt triển khai đã mở ra cơ hội mới để các địa phương bứt phá phát triển kinh tế.

Thủ tướng Phạm Minh Chính kiểm tra tiến độ triển khai dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng (đoạn qua huyện Vĩnh Thạnh, TP Cần Thơ) vào tháng 7-2024. 

Chủ động dự án mới

Những ngày này người dân các xã Phú Hữu, Phú Tân, Ðông Phước, Ðông Phước A, thị trấn Ngã Sáu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) không ngớt bàn tán về "siêu dự án" khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong rộng tới 3.000ha, vốn đầu tư gần 6,2 tỉ USD vừa được UBND tỉnh Hậu Giang ký ban hành kế hoạch thực hiện. Ðây được xem là dự án "khủng" nhất từ trước đến nay ở một tỉnh nhỏ như Hậu Giang, nhằm tạo đà bứt phá khi cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chạy ngang qua địa phương này.

Ông Nguyễn Văn Năm, ở xã Ðông Phước A (huyện Châu Thành), cho hay: "Nông dân vùng này xưa nay bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, sống bằng nghề nông nên đâu ai biết gì về đô thị nghỉ dưỡng. Nay nghe chính quyền địa phương thông tin tới đây vùng nông thôn heo hút này sẽ đổi thay, lên đô thị và kéo du khách thập phương về bằng dự án du lịch sinh thái quy mô lớn. Bà con nghe vậy rất mừng cho sự đổi thay trong tương lai, nên sẵn sàng di dời chỗ ở để nhường đất cho dự án…". Theo UBND tỉnh Hậu Giang để đón đầu cao tốc Cần Thơ - Cà Mau dự kiến hoàn thành trong năm 2025, tỉnh đã tính toán phương án kêu gọi đầu tư khu đô thị du lịch nghỉ dưỡng Mekong với mục tiêu bảo tồn, phát triển bền vững các giá trị văn hóa, xã hội; tạo ra một đô thị hài hòa với cảnh quan vùng sông nước. Dự án có công viên nước, công viên giải trí cảm giác mạnh, khu phố đi bộ ẩm thực, chợ nổi, sân golf 36 lỗ, trung tâm điều dưỡng và dưỡng lão… Tất cả được kỳ vọng là cú hích, mở ra không gian kinh tế mới cho tỉnh Hậu Giang nói riêng và khu vực ÐBSCL nói chung. Hiện Tập đoàn VinGroup đặc biệt quan tâm tới dự án này và đề nghị tỉnh Hậu Giang hoàn tất các thủ tục để chính thức đầu tư trong thời gian tới. Ông Nghiêm Xuân Thành, Bí thư Tỉnh ủy Hậu Giang, cho rằng: "Hậu Giang đang đứng trước thời cơ vàng để phát triển khi hội tụ những yếu tố thiên thời, địa lợi, nhân hòa, nhất là các dự án cao tốc đi qua. Hậu Giang sẽ tranh thủ mọi điều kiện tốt nhất để thu hút các doanh nghiệp đến đầu tư, tạo ra không gian phát triển mới".

TP Cần Thơ cũng đang quyết liệt triển khai các dự án mới rất tiềm năng, trong đó có dự án Khu công nghiệp VSIP Cần Thơ (xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh) giai đoạn 1 rộng hơn 293ha, vốn đầu tư 3.717 tỉ đồng. Theo UBND TP Cần Thơ, dự án có vị trí rất chiến lược bởi nằm ở giao điểm các tuyến cao tốc như Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, Lộ Tẻ - Rạch Sỏi… Ðịa phương rất kỳ vọng bởi đây là mô hình khu công nghiệp thông minh và bền vững, đồng thời xây dựng thành trung tâm chế biến và phân phối thực phẩm hàng đầu khu vực phía Nam. Khi dự án đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho khoảng 20.000-30.000 người. Chia sẻ với chúng tôi, lãnh đạo Công ty cổ phần VSIP Cần Thơ cho biết: Ðến nay đã có hàng chục doanh nghiệp nước ngoài như Mỹ, Nhật, Singapore, Hàn Quốc, Malaysia, Trung Quốc... ký bản ghi nhớ đầu tư vào khu công nghiệp này với diện tích khoảng 100ha, tổng vốn hơn 200 triệu USD...

Theo UBND tỉnh Long An, tỉnh vừa công bố chủ trương đầu tư Khu công nghiệp Thịnh Phát mở rộng ở xã Lương Bình (huyện Bến Lức) với tổng vốn hơn 1.440 tỉ đồng, quy mô gần 113ha. Ðây là dự án kết nối với tuyến cao tốc Bến Lức - Long Thành. Phía Tập đoàn CW Wind Corp của Hàn Quốc cũng đã ký biên bản ghi nhớ về thuê đất tại huyện Cần Ðước để xây dựng nhà máy sản xuất thiết bị điện gió quy mô lớn, với tổng vốn đầu tư dự kiến 200 triệu USD…

Phát triển giao thông để tăng thu hút đầu tư

Ông Trần Ngọc Tam, Chủ tịch UBND tỉnh Bến Tre cho biết, đầu tháng 10-2024 tỉnh đã khởi công dự án cầu Ba Lai 8 trên tuyến đường bộ ven biển, là một trong những công trình trọng điểm của địa phương. Dự án có ý nghĩa rất quan trọng trong kết nối giao thông liên vùng, trục giao thông huyết mạch ven biển, đồng thời kết nối giao thông liên hoàn từ TP Hồ Chí Minh - Long An - Tiền Giang - Bến Tre - Trà Vinh - Sóc Trăng - Bạc Liêu. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh, nâng cao đời sống người dân của các tỉnh Tây Nam Bộ. Khi dự án hoàn thành sẽ mở ra không gian phát triển cho khu vực phía Ðông tỉnh Bến Tre, thuận lợi cho thu hút đầu tư, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn như công nghiệp; năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; nuôi trồng, khai thác và chế biến hải sản theo hướng công nghệ cao. Cùng với đó, phát triển khu, cụm công nghiệp; xây dựng các đô thị xanh, thông minh, bền vững gắn với bảo tồn đa dạng sinh học, các hệ sinh thái biển.

UBND tỉnh Bến Tre cũng vừa thỏa thuận hợp tác chiến lược với 20 nhà đầu tư chiến lược và trao quyết định chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 6 dự án với tổng vốn 7.985 tỉ đồng. Trong đó, có dự án phát triển khu đô thị mới Mỹ Hóa (xã Mỹ Thạnh An, TP Bến Tre), có khoảng 48,7ha. Ðây là 1 trong 3 dự án đầu tư phát triển khu đô thị mới với tổng vốn đầu tư khoảng 5.500 tỉ đồng, đáp ứng nhiều tiêu chí hướng tới mục tiêu đưa TP Bến Tre trở thành đô thị loại 1 vào năm 2030.

 Đảo ngọc Phú Quốc luôn hấp dẫn các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. 

Long An lâu nay là điểm sáng về thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) cao ở vùng ÐBSCL. Hiện toàn tỉnh có 1.349 dự án FDI, vốn đăng ký hơn 12,4 tỉ USD; trong đó 635 dự án đi vào hoạt động, tổng vốn đăng ký hơn 4,2 tỉ USD. Theo quy hoạch đến năm 2030, Long An dự kiến thành lập mới 17 khu công nghiệp, với diện tích gần 3.200ha. Hiện tỉnh này đang nỗ lực hoàn thiện hạ tầng như cao tốc Bến Lức - Long Thành; đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh qua Long An… nhằm thuận lợi cho doanh nghiệp đến đầu tư.

Ông Nguyễn Khánh Tùng, Viện trưởng Viện Kinh tế, xã hội TP Cần Thơ, cho biết: "Theo quy hoạch vùng ÐBSCL thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, được Chính phủ đề ra mục tiêu phát triển kết cấu giao thông vận tải đa phương thức nhằm kết nối liên vùng và quốc tế; trong đó có phát huy thế mạnh của vùng về giao thông thủy nội địa. Ðến năm 2030, đầu tư xây dựng mới và nâng cấp khoảng 830km đường bộ cao tốc, khoảng 4.000km đường quốc lộ, 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa". Mới đây, tại hội nghị tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy hạ tầng giao thông vùng ÐBSCL, Thủ tướng Chính phủ lưu ý phát triển giao thông đường thủy, trong đó có hệ thống cảng biển, cảng sông, cảng cạn. Vì vậy, TP Cần Thơ đang tập trung và rất kỳ vọng vào việc xây dựng các cảng để phục vụ cho việc vận chuyển hàng hóa trong thời gian tới. Trong năm 2024 này TP Cần Thơ sẽ hoàn thành quy hoạch hệ thống bến cảng, trong đó có việc nghiên cứu mở cảng Ô Môn là cảng mới với chức năng cảng biển tổng hợp hàng hóa, container...

Bộ Giao thông vận tải cho biết, hiện nay ở ÐBSCL đang triển khai 9 dự án giao thông quan trọng quốc gia, với tổng vốn đầu tư khoảng 106.000 tỉ đồng. Trong đó, 6 dự án có kế hoạch hoàn thành trong năm 2025, gồm 4 dự án đường bộ cao tốc với tổng chiều dài 207km. Nỗ lực phấn đấu đến hết năm 2025, cơ bản hoàn thành 600km đường cao tốc vùng ÐBSCL và đến năm 2030 có khoảng 1.200km. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi để ÐBSCL đẩy mạnh thu hút đầu tư…

Hàng chục năm làm tài xế vận chuyển thủy sản từ Cà Mau lên các cảng lớn ở TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu để xuất khẩu sang thị trường châu Âu, ông Lê Văn Hưng, ngụ xã Tân Thành (TP Cà Mau, tỉnh Cà Mau), nhìn nhận: "Trước đây mỗi lần chở tôm đông lạnh từ Cà Mau lên TP Hồ Chí Minh để đưa xuống tàu xuất khẩu thì phải mất cả ngày trời, bởi tình trạng kẹt xe, kẹt cầu trên tuyến quốc lộ 1, nhất là đoạn qua tỉnh Tiền Giang. Sau đó, cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận thông xe, rồi cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ thông xe cuối năm 2023; ngoài ra quốc lộ 1 từ Cần Thơ đi Cà Mau được nâng cấp mở rộng… giúp việc đi lại được nhanh hơn rất nhiều. Tới đây khi cao tốc Cần Thơ - Cà Mau hoàn thành vào năm 2025 sẽ nối mạch cao tốc toàn tuyến từ Cà Mau lên TPHCM; khi đó đưa hàng nông thủy sản lên các cảng biển lớn ở Đông Nam Bộ để xuất khẩu vừa nhanh, tiết kiệm thời gian, công sức, chi phí đi lại, lưu kho bãi… Tiện lợi vô cùng".

Bài, ảnh: PHƯỚC BÌNH

Chia sẻ bài viết