Theo Hãng tin Bloomberg, Nhật Bản và Hàn Quốc đang tăng cường năng lực tấn công và phòng thủ tên lửa để đối phó bất cứ sự “vạ lây” tiềm tàng nào từ căng thẳng Trung Quốc - Đài Loan cũng như những khiêu khích của CHDCND Triều Tiên.
Tên lửa của Hàn Quốc và Mỹ trưng bày tại thủ đô Seoul hồi tháng 8. Ảnh: AP
Động thái trên đánh dấu bước thay đổi đáng kể đối với Nhật Bản. Cuộc tranh luận hiện nay không phải chuyện phòng thủ tên lửa mà là liệu có tấn công các căn cứ của đối thủ hay không. Chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida đang có kế hoạch nâng cấp kho vũ khí giữa những hoài nghi về năng lực phản công, chủ đề gây tranh cãi tại đất nước mà hiến pháp không thừa nhận “quyền hiếu chiến”.
Cách nay vài tuần, 5 tên lửa đạn đạo Trung Quốc phóng trong cuộc tập trận gần đảo Đài Loan đã rơi vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản. Đây là lần đầu tiên tên lửa đạn đạo Trung Quốc rơi xuống khu vực này.
Đài Loan, nằm cách căn cứ quân sự Nhật Bản trên đảo Yonaguni thuộc tỉnh Okinawa khoảng 109km, là một trong những vấn đề trọng tâm trong các mối lo ngại an ninh của Tokyo. Đài Loan cũng là đối tác thương mại lớn, nhà cung cấp chip máy tính chính và nằm trên một eo biển hẹp mà hầu hết các nguồn năng lượng nhập khẩu của Nhật Bản đi qua.
Nhật Bản nhiều năm qua luôn thận trọng theo dõi sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc và đã bắt đầu có kế hoạch đầu tư nhiều hơn cho quốc phòng, hợp tác chặt chẽ hơn với đồng minh, đối tác nhằm đối trọng với Bắc Kinh, đồng thời giảm dần phụ thuộc vào Washington về an ninh. Chính sách tăng cường năng lực quân sự càng được củng cố bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2-2022. Đảng Dân chủ Tự do cầm quyền của Nhật Bản sau đó đã khuyến nghị tăng gấp đôi chi tiêu quốc phòng, lên mức 2% GDP.
Nhật Bản cũng không quên những quả tên lửa của Triều Tiên bay qua lãnh thổ nước này trước khi rơi xuống biển hồi năm 2017.
Gần đây, tân Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Yasukazu Hamada nhấn mạnh trong bối cảnh thế giới đang bước vào “một kỷ nguyên khủng hoảng mới”, tất cả mọi lựa chọn nhằm tăng cường an ninh của Tokyo, bao gồm năng lực phản công, sẽ được đưa ra trong các cuộc thảo luận về sửa đổi Chiến lược an ninh quốc gia (NSS) của nước này. Đó là lý do Bộ Quốc phòng Nhật đang đề nghị ngân sách quốc phòng 5.600 tỉ yen (40 tỉ USD) cho tài khóa 2023.
Các tài liệu cho rằng Nhật Bản có thể tìm cách triển khai hơn 1.000 tên lửa mà qua đó giúp nước này sở hữu năng lực tấn công Trung Quốc, Triều Tiên và Nga. Tuy nhiên, đây chỉ là những vũ khí thông thường, bởi Thủ tướng Kishida vẫn giữ nguyên quan điểm lâu nay là phản đối bố trí vũ khí hạt nhân Mỹ trên đất nước ông.
Seoul muốn mở rộng THAAD
Trong khi đó, Chính phủ Hàn Quốc bác bỏ những lời kêu gọi đóng băng kế hoạch triển khai thêm Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) của Mỹ để giúp bảo vệ nước này trước những cuộc tấn công từ Triều Tiên.
Vào năm 2017, chính quyền Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã công bố chính sách “3 không” làm điều kiện để Trung Quốc chấm dứt các biện pháp trả đũa sau khi Seoul quyết định cho lắp đặt THAAD trên lãnh thổ của mình. Chính sách này kêu gọi Hàn Quốc không triển khai thêm THAAD, không tham gia vào hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ và không tham gia liên minh quân sự ba bên với Washington và Tokyo.
Dù vậy, người kế nhiệm ông Moon Jae-in là Tổng thống Yoon Suk Yeol khi lên nắm quyền trong năm nay lại cam kết mở rộng THAAD. Tuy chưa có dấu hiệu rõ ràng của kế hoạch trên, song chính quyền ông Yoon đã bác bỏ chính sách “3 không” và khẳng định THAAD không phải là vấn đề để “đàm phán”.
HẠNH NGUYÊN (Tổng hợp)