Bài, ảnh: DUY KHÔI
Liên hoan Nghệ thuật Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu năm 2022 vừa tổ chức thành công cho thấy sức sống của phong trào ĐCTT. Thực chất và cốt cách, đó là những điều dễ cảm nhận ở các nghệ nhân ĐCTT Bạc Liêu.
Một tiết mục ca ra bộ đạt giải được chọn công diễn.
Trong buổi khai mạc liên hoan, tiết mục thi diễn của tài tử nhí Xuân Quỳnh, mới 12 tuổi, khiến khán phòng vỡ òa. 14 câu Xuân tình với tựa đề “Bạc Liêu ngày mới” được em ca tình cảm, nhịp nhàng và thể hiện bản lĩnh sân khấu. Xuân Quỳnh đã giúp cho chương trình thi diễn của CLB Dạ cổ hoài lang (Hội Văn nghệ Dân gian tỉnh Bạc Liêu) thêm nhiều màu sắc. Ở CLB này, nghệ nhân lớn tuổi nhất đã ngoài 75 tuổi, còn trẻ tuổi nhất là Xuân Quỳnh, cho thấy sợi dây tiếp nối trong dòng chảy bất tận của ĐCTT.
8 đội ĐCTT tham gia liên hoan năm nay đến từ các huyện, thị xã, thành phố và 2 đội đến từ CLB Âm vang dạ cổ (Ban Quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu) và CLB Dạ cổ hoài lang. Các đội không chỉ mang đến những chương trình dự thi đa dạng, đậm chất tài tử mà còn thực sự mang đến sinh khí mới cho ĐCTT Bạc Liêu. Theo thống kê, toàn tỉnh Bạc Liêu hiện có trên 150 CLB ĐCTT với hơn 2.000 nghệ nhân đờn, ca tham gia. Lực lượng hùng hậu này là thế hệ tiếp nối di sản đáng tin cậy trên quê hương “Dạ cổ hoài lang”.
Bà Trần Thị Lan Phương, Giám đốc Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu, chia sẻ: Bạc Liêu tự hào là một trong những cái nôi của nghệ thuật ĐCTT. “Hậu Tổ” ĐCTT là Nhạc Khị, người con ưu tú của quê hương Bạc Liêu, người thầy của biết bao người thầy cổ nhạc, đã căn dặn hậu nhân rằng: “Chơi ĐCTT là coi như ra trận. Hễ ca sai lời, sai nhịp, sai giọng; đờn sai nhạc, sai nhịp là coi như không phải ĐCTT”. Lời dạy ấy đến bây giờ vẫn được hậu thế tuân giữ như cái đạo với cổ nhạc, giềng mối đạo đức với nghề. “Bạc Liêu tự hào về những thành tích của các nghệ nhân, nghệ sĩ cổ nhạc Bạc Liêu qua các thời kỳ như: Sáu Lầu, Mười Khói, Ba Chột, Tư Bình, Trịnh Thiên Tư, Mộng Vân, Năm Nhỏ, Lư Hòa Nghĩa… và đặc biệt là bản “Dạ cổ hoài lang”, mở ra một trào lưu sáng tác mới, đồng thời đã bắt mạch, khơi nguồn thêm cho dòng chảy âm nhạc cổ truyền của dân tộc”, bà Phương nói.
Nhìn lại Liên hoan Nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tỉnh Bạc Liêu vừa qua, sự quan tâm phát triển phong trào ĐCTT ở Bạc Liêu cho thấy hiệu quả rõ nét. NSƯT Huỳnh Khải, Trưởng Ban Giám khảo liên hoan, đánh giá: Các chương trình dự thi đều có đủ bài bản trong 20 bài bản Tổ. Nhiều tiết mục được viết lời mới với nội dung phong phú, ca ngợi sự đổi thay trên quê hương, đất nước, mang hơi thở đời sống mới. Đặc biệt, có nhiều chương trình do một tác giả viết lời mới tất cả các tiết mục, tạo thành chỉnh thể nội dung liền mạch, khúc chiết.
NSƯT Huỳnh Khải cũng đặc biệt ấn tượng với quy định của Ban Tổ chức liên hoan là tuyệt đối không để xảy ra chuyện thuê, mượn nghệ nhân từ các địa phương khác về thi. Đây là điều xảy ra ở nhiều địa phương khác. “Nhân lực ở Bạc Liêu đủ mạnh, nhất là nghệ nhân đờn, thì Bạc Liêu mới mạnh dạn quy định như vậy”, NSƯT Huỳnh Khải nói thêm.