06/02/2020 - 23:00

ĐỒNG BẰNG SÔNG CỬU LONG

Đối phó khô hạn, xâm nhập mặn, bảo vệ sản xuất nông nghiệp 

Theo các nhà khoa học, tháng 2 và  3 là cao điểm của mùa khô, hạn 2020. Hiện tượng xâm nhập mặn ngày càng lấn sâu vào nội đồng, đe dọa vụ lúa đông xuân và vườn cây ăn trái vùng ven biển ĐBSCL. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) chỉ đạo các địa phương trong vùng tập trung thực hiện các biện pháp ứng phó, ổn định sản xuất...

Hạn, mặn đe dọa

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh (bên trái) chúc mừng nông dân tỉnh Sóc Trăng thu hoạch lúa đông xuân 2019-2020 sớm trúng mùa.

Theo Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), nhiều địa phương vùng ven biển cuối nguồn sông Hậu chủ động thực hiện các giải pháp phòng tránh hạn, mặn xâm nhập sớm với độ mặn cao. Các cửa cống đập ngăn mặn gần cửa sông ra biển đã đóng chặt. Nhiều địa phương đã chủ động điều tiết lịch thời vụ sản xuất và trữ nước trong các kênh mương nội đồng, nhưng mối lo lớn nhất là những đồng lúa đông xuân 2019-2020 gieo sạ muộn có nguy cơ khát nước cuối vụ.

Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Sóc Trăng, cho biết: Từ giữa tháng 1-2020 đến nay, diễn biến mặn xuất hiện trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng sớm hơn năm 2016 là 40 ngày. Mặn theo các cửa sông Hậu, sông Mỹ Thanh dấn sâu vào đất liền khoảng 50km, có khi độ mặn đo tới 14‰. Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo bà con nông dân sản xuất lúa trong vùng ảnh hưởng hạn mặn cần chuẩn bị các biện pháp đối phó: chọn giống lúa thích ứng xâm nhập mặn; xuống giống sớm hơn nửa tháng so với những năm trước... Sóc Trăng đã thu hoạch hơn 20.000/34.000ha lúa ở vùng sản xuất thường xuyên chịu ảnh hưởng mặn. Phần diện tích lúa còn lại đang trổ cần được bảo vệ an toàn.

Xâm nhập mặn ở ven biển vùng ĐBSCL đang diễn biến phức tạp. Vụ lúa mùa 2019, nông dân ĐBSCL canh tác hơn 160.500ha và đã thu hoạch 60.450ha, năng suất 50 tạ/ha, sản lượng đạt trên 300.000 tấn. Nhưng còn hơn 100.000ha chưa thu hoạch, trong đó 70.000ha sử dụng các giống lúa mùa địa phương nên có khả năng chống chịu mặn tốt. Ở vùng lúa- tôm có khả năng thiếu nước ngọt gần 30.000ha, trong đó: Kiên Giang hơn 9.200ha, Cà Mau 16.500ha, Bạc Liêu 3.500ha. Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục Trưởng Cục Trồng trọt, cho biết: “Đây là khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng khi xâm nhập mặn ở mức trung bình hằng năm. Do đó, các địa phương cần có các giải pháp đắp đập tạm ngăn mặn, giữ ngọt để bảo đảm nguồn nước cho canh tác…”.

Vụ lúa đông xuân 2019-2020, ĐBSCL có trên 1,5 triệu héc-ta, trong đó, đợt đầu lúa xuống giống sớm vào tháng 10-2019 đạt 473.000ha (nhiều hơn cùng kỳ năm 2018 là 93.000ha và nhiều hơn năm 2015 khoảng 300.000ha). Đến thời điểm này, lúa đông xuân xuống giống sớm không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và đang cho thu hoạch. Đối với diện tích lúa xuống giống tháng 11-2019 trên 710.000ha hiện đang giai đoạn đòng trổ. Trong đó, vùng phù sa ngọt 500.000ha không bị ảnh hưởng xâm nhập mặn và hạn. Còn lại vùng ven biển khoảng 214.000ha cần được trữ nước trong kinh mương và theo dõi cung cấp nước đầy đủ vào giai đoạn lúa trổ. Riêng phần diện tích lúa xuống giống tháng 12-2019 đến ngày 7-1-2020 là 318.000ha đang giai đoạn đẻ nhánh. Trong đó vùng ven biển 94.000ha có khả năng bị ảnh hưởng hạn mặn, cần trữ nước ngọt trong kênh nội đồng để sản xuất, bảo vệ lúa.

Mặt khác, các tỉnh trong khu vực ĐBSCL có diện tích trồng cây ăn trái gần 270.000ha, trong đó có hơn 76% diện tích có đê bao, nước mặn chưa xâm nhập và không bị ảnh hưởng hạn, mặn. Tuy nhiên, theo dự báo mùa khô 2019-2020 tình hình hạn mặn sẽ kéo dài, diện tích cây ăn trái chịu ảnh hưởng do hạn, thiếu nước tưới đến tháng 3-2020. Tại các vùng sản xuất tập trung trên địa bàn các tỉnh ven biển và cuối nguồn của sông Hậu và sông Tiền có khả năng bị hạn, mặn là 80.600ha, bằng 23% tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng ĐBSCL.

Thích ứng

Ông Lê Thanh Tùng khuyến cáo, ngay thời điểm này, nông dân BĐSCL cần quản lý nước trong ruộng lúa theo từng giai đoạn sinh trưởng và chủ động tưới theo sổ tay hướng dẫn quy trình tưới lúa tiết kiệm nước, tiết giảm sử dụng nước trong tình hình khô hạn; bón phân bổ sung, phun một số loại phân bón lá, chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn… Đối với cây ăn trái, chủ động sử dụng tối đa nguồn vật liệu hữu cơ (rơm rạ, cỏ khô, lá khô, lục bình…) hoặc màng phủ nông nghiệp để phủ gốc giữ ẩm cho cây; cắt tỉa cành, tạo tán gọn, tỉa bớt nụ, hoa để hạn chế thoát hơi nước; củng cố hệ thống đê bao và đê chung quanh vườn để ngăn ngừa nước mặn xâm nhập; đo độ mặn cẩn thận trước mỗi lần lấy nước, không tưới nước có độ mặn >1‰  cho cây; đối với một số cây ăn trái mẫn cảm với mặn như sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn > 0,5‰. Trong thời gian nhiễm mặn chỉ tưới nước tối thiểu, giúp cho cây không bị héo và mặt đất không bị khô nứt.

  Khi vườn cây bị nhiễm mặn cần bón bổ sung phân Sulphate Kali, vôi bột lượng 500-1.000kg/ha. Nếu hạn, mặn kéo dài phun thêm phân bón lá và chế phẩm tăng cường khả năng chống chịu mặn; phân vi lượng chứa canxi, magiê, silic giúp tăng khả năng đề kháng của cây. Không tiến hành rải vụ, trồng mới trong thời gian hạn hán nếu nguồn nước ngọt không đảm bảo cung cấp đầy đủ cho cây. Trước khi lấy nước, kiểm tra độ mặn một cách cẩn thận, tuyệt đối không lấy nước khi độ măn cao hơn 1‰; đối với sầu riêng, chôm chôm, măng cụt… không tưới nước có độ mặn hơn 0,5‰.

Trong chuyến khảo sát, kiểm tra diễn biến hạn, mặn ở vùng ven biển ĐBSCL mới đây, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh chỉ đạo: ĐBSCL cần chú trọng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sử dụng cây trồng tiêu hao ít nước và thích ứng khô hạn. Đối với diện tích lúa bị ảnh hưởng bởi hạn, các địa phương và nông dân cần theo dõi cập nhật thông tin về hạn, mặn do các cơ quan chức năng thông báo thường xuyên. Đặc biệt, sau Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, hạn mặn sẽ diễn ra gay gắt, nghiêm trọng khi mực nước thượng nguồn xuống thấp kết hợp với triều cường hạn chế. Do đó, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL cần đưa ra những giải pháp cụ thể, khả thi và có nhiều biện pháp tích trữ nước ngọt càng nhiều càng tốt trong mọi thời điểm để đảm bảo sản xuất hiệu quả. Các địa phương có kiểm soát được hạn, mặn thì mới chủ động ứng phó, bảo vệ được lúa đông xuân 2019-2020 và cây trái...

Bài, ảnh: HÀ VĂN

Chia sẻ bài viết