07/04/2011 - 22:08

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng

Đổi mới việc học tập, quán triệt và triển khai các văn kiện Đại hội XI

 

Nhân đợt sinh hoạt chính trị quan trọng, triển khai Chỉ thị số 01-CT/TW của Bộ Chính trị về học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, đồng chí Phạm Văn Linh, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương đã có cuộc trả lời phỏng vấn báo chí về những nhiệm vụ trọng tâm.

* Phóng viên: Xin đồng chí cho biết những yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra trong triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XI của Đảng?

- Đồng chí Phạm Văn Linh: Như chúng ta đã biết, sau mỗi kỳ Đại hội Đảng, mỗi Hội nghị Trung ương, việc triển khai nghiên cứu, học tập quán triệt Nghị quyết trong toàn Đảng, toàn dân là trách nhiệm chung của các cấp ủy, tổ chức đảng, các cấp, các ngành. Việc triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XI của Đảng là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, quan trọng trong toàn Đảng, là nhiệm vụ trọng tâm của năm 2011.

Mục đích của việc học tập, quán triệt, tổ chức thực hiện Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XI của Đảng trước hết là làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm, hiểu rõ, hiểu sâu hơn quan điểm của Đảng, trên cơ sở đó xây dựng chương trình hành động, tạo ra sự thống nhất về mặt tư tưởng, đồng thuận xã hội để triển khai thực hiện. Đồng thời qua đợt triển khai, học tập Nghị quyết là dịp để chúng ta đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; uốn nắn những nhận thức lệch lạc.

Yêu cầu đặt ra đối với việc triển khai học tập, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XI của Đảng là cần đảm bảo tinh thần đổi mới, nhấn mạnh những điểm mới, có hình thức phù hợp với từng đối tượng.

Trên cơ sở quán triệt tư tưởng chỉ đạo chung, Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức việc biên soạn, phát hành các tài liệu phục vụ học tập, quán triệt, phổ biến các văn kiện Đại hội XI. Các tài liệu được biên soạn ngắn gọn, dễ hiểu tập trung làm rõ những nội dung cơ bản, những điểm mới trong các văn kiện, phù hợp với từng đối tượng.

Ban Tuyên giáo chủ trì phối hợp với Học viện Chính trị - Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh, với các cơ quan, đơn vị có liên quan mở các lớp học tập, quán triệt nội dung các văn kiện Đại hội XI cho các đối tượng để triển khai việc nghiên cứu, học tập, quán triệt, phổ biến nội dung các văn kiện Đại hội XI trong toàn xã hội. Sắp tới, Ban sẽ tiến hành tổ chức 15 lớp nghiên cứu, quán triệt các văn kiện Đại hội XI. Trong tháng 4 và đầu tháng 5 sẽ tổ chức 3 lớp dành cho các cán bộ chủ chốt tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.

* Thưa đồng chí, việc tuyên truyền, phổ biến các văn kiện Đại hội XI của Đảng có điểm gì mới, cần lưu ý?

- Các văn kiện Đại hội XI cần tập trung học tập, quán triệt là: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011 - 2020, Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa X tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi).

Các văn kiện được thông qua tại Đại hội lần này là sự tổng kết sâu sắc lý luận và thực tiễn 20 năm thực hiện Cương lĩnh, 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội (2001 - 2010) và 5 năm thực hiện phương hướng, nhiệm vụ kinh tế - xã hội (2006 - 2010). Đó là sự kết tinh trí tuệ, ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân ta; là sự tiếp tục khẳng định, hoàn thiện và phát triển quan điểm, đường lối đổi mới của Đảng ta theo tinh thần chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; xác định mục tiêu, nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân tộc ta trong giai đoạn phát triển mới đầy triển vọng và không ít thách thức của cách mạng nước ta từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo.

Trong tổ chức học tập, nghiên cứu, cần tổ chức thảo luận, phân tích cơ sở lý luận, thực tiễn, nhận thức rõ các quan điểm cơ bản, bên cạnh đó cần tập trung giới thiệu, nhấn mạnh những điểm mới của các văn kiện, làm rõ nội dung các quan điểm, chủ trương, mục tiêu, giải pháp, định hướng trong mỗi văn kiện.

Nội dung các văn kiện có nhiều điểm mới. Ví dụ: Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 201l), có nhiều điểm mới nhưng vẫn đảm bảo tính kế thừa, trung thành với Cương lĩnh 1991 trên những vấn đề có tính nguyên tắc nhưng có bổ sung phát triển, căn cứ vào đặc điểm của tình hình mới, bối cảnh mới, yêu cầu phát triển của đất nước. Những nội dung mới này được phân tích, luận giải làm rõ hơn, đảm bảo tính kế thừa và nguyên tắc kiên định chủ nghĩa xã hội.

Các văn kiện Đại hội XI có nhiều điểm mới bổ sung, phát triển về: đặc trưng của xã hội xã hội chủ nghĩa mà nhân dân ta xây dựng; định hướng phát triển kinh tế - xã hội, đổi mới mô hình tăng trưởng và cơ cấu lại nền kinh tế; nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam .v.v. Các quan điểm mới trong các văn kiện đảm bảo tính thống nhất, thể hiện sự nhất quán của Đảng ta trong việc làm rõ hơn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, cụ thể hóa trong từng giai đoạn cụ thể, trong từng chặng đường cụ thể. Có thể nói rằng, nội dung các văn kiện có nhiều điểm mới, cần làm rõ những luận điểm lớn, luận điểm cơ bản, để cung cấp cho phù hợp với các đối tượng khác nhau.

* Xin đồng chí nói rõ hơn về việc đổi mới phương thức tổ chức học tập, quán triệt và triển khai thực hiện các văn kiện Đại hội XI của Đảng theo hướng thiết thực, hiệu quả.

- Việc đổi mới phương thức tổ chức học tập quán triệt Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XI sẽ được tiến hành theo hướng có hình thức phù hợp với từng loại đối tượng. Lớp dành cho cán bộ chủ chốt, cán bộ nghiên cứu, báo cáo viên, đội ngũ giảng viên lý luận chính trị các học viện, các trường đại học, cao đẳng trong cả nước. Đây là các đồng chí chịu trách nhiệm chính trong chỉ đạo điều hành triển khai nghiên cứu, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết. Do vậy cần nghiên cứu sâu các nội dung cơ bản, các điểm mới, cơ sở lý luận và thực tiễn của các quan điểm, giải pháp; từ đó liên hệ thực tiễn và vận dụng sáng tạo vào điều kiện thực tế sau khi học tập.

Lớp dành cho cán bộ, đảng viên cơ sở sẽ được tổ chức học tập, quán triệt một cách thiết thực, gắn với thực tiễn địa phương, cơ sở để người học nắm vững các luận điểm cơ bản và có khả năng vận dụng vào thực tiễn đời sống, công tác.

Bên cạnh đó còn có các hình thức tuyên truyền, phổ biến phù hợp với đông đảo các tầng lớp nhân dân ở trong nước, đồng bào ta ở nước ngoài và bạn bè quốc tế. Ban Tuyên giáo Trung ương đã xây dựng tài liệu với 60 câu hỏi - đáp với cách diễn đạt ngắn gọn, nhấn mạnh những nội dung phù hợp với những đối tượng này.

Ban Tuyên giáo Trung ương, các cấp ủy Đảng sẽ tổ chức các lớp dành cho cán bộ, đảng viên các cơ quan báo chí xuất bản, các hội văn học- nghệ thuật, hội khoa học- kỹ thuật, các văn nghệ sĩ, trí thức tiêu biểu, các chức sắc tôn giáo...

Các đối tượng khác nhau sẽ có hình thức truyền đạt khác nhau với những nội dung cụ thể. Với cách làm như vậy sẽ đảm bảo việc học tập, quán triệt và triển khai thực hiện Nghị quyết và các văn kiện Đại hội XI thiết thực và hiệu quả hơn.

Cần coi trọng vai trò của đồng chí bí thư cấp ủy trong chỉ đạo việc học tập, quán triệt nội dung các văn kiện Đại hội XI, xây dựng chương trình hành động của đảng bộ; truyền đạt nội dung của các văn kiện Đại hội XI; chủ trì thảo luận và thông qua chương trình hành động của đảng bộ. Trong trường hợp cần thiết có thể đề nghị tổ báo cáo viên của cấp trên hoặc các đồng chí có khả năng trong cấp ủy hỗ trợ việc truyền đạt; lựa chọn đội ngũ báo cáo viên nòng cốt đi dự các lớp do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức để sẵn sàng hỗ trợ truyền đạt nội dung các văn kiện Đại hội XI cho cấp ủy cấp dưới.

* Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HƯƠNG THỦY - TTXVN

(thực hiện)

Chia sẻ bài viết