28/10/2010 - 20:45

Vụ lúa đông xuân 2010-2011 ở ĐBSCL

Đối mặt với nguy cơ hạn, xâm nhập mặn đầu vụ

Làm đất chuẩn bị xuống giống vụ đông xuân 2010-2011 ở An Giang. Ảnh: T.NHÂN

Vụ lúa đông xuân được xem là vụ lúa chính trong năm, quyết định sản lượng và an ninh lương thực cho quốc gia. Tuy nhiên, năm nay, đỉnh lũ nhỏ, nông dân các tỉnh đầu nguồn đã tranh thủ xuống giống sớm vụ lúa đông xuân 2010- 2011 trong khi lịch thời vụ chưa đến. Ngành nông nghiệp và các nhà khoa học đã đưa ra cảnh báo, lũ nhỏ, lượng phù sa bồi lắng cho đồng ruộng thấp, nên nguy cơ hạn, xâm nhập mặn ngay từ đầu vụ là rất lớn. Đồng thời, dịch bệnh cũng có nguy cơ bùng phát nếu nông dân vệ sinh đồng ruộng không đúng kỹ thuật khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

* Nỗi lo đầu vụ...

Ngay từ đầu vụ, Cục Trồng trọt Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị ĐBSCL xuống giống vụ đông xuân đợt I khoảng 600.000ha trong thời điểm nửa sau tháng 11-2010. Đồng thời, cảnh báo nguy cơ hạn nặng tại khu vực dọc sông Tiền và sông Hậu, vùng gò Tây sông Hậu, khu vực Tứ giác Long Xuyên, khu vực Đồng Tháp Mười; và nguy cơ nhiễm mặn ở vùng bán đảo Cà Mau, khu vực ven biển Nam bộ. Vì thế, các địa phương này phải xuống giống sớm trong đợt I để giảm rủi ro. Tuy vậy, do lúa đang được giá nên nhiều nơi ở ĐBSCL đã xuống giống sớm hơn dự kiến. Theo thống kê chưa đầy đủ, đến cuối tháng 10-2010, toàn vùng ĐBSCL có trên 200.000 ha lúa đông xuân được gieo sạ. Tại vùng đầu nguồn tỉnh An Giang, lúa đông xuân được xuống giống sớm khoảng 1 tháng so với lịch thời vụ năm nay và sớm nhất so với các vụ đông xuân 2009-2010. Chỉ riêng huyện An Phú, có khoảng 1.200ha lúa đông xuân được gieo sạ xong từ ngày 20-10. Đến đầu tháng 11-2010, sẽ xuống giống đồng loạt trên toàn huyện. Tại các xã Bình Tân, Bình Hiệp, Thạnh Trị, Bình Hòa Tây của huyện Mộc Hóa (tỉnh Long An), đã gieo sạ khoảng 2.000ha lúa đông xuân.

Theo Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam, mực nước lũ năm 2010 nhỏ nhất trong lịch sử; chỉ bằng 30% so với lũ lớn và khoảng 60-70% so với lũ trung bình. Trong khi, năng suất và chất lượng lúa đông xuân đều phụ thuộc vào mực nước lũ. Không có lũ, nhiều cánh đồng bị “nghèo” phù sa. Các vùng gò cao chuyên trồng lúa không có nước lũ về là nguyên nhân chính để dịch bệnh lưu lại trong đất, có thể bùng phát trong vụ lúa này. Ông Lê Văn Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Đồng Tháp, cho biết: Lũ không về gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất lúa tại địa phương. Toàn tỉnh có hơn 650.000ha diện tích canh tác lúa vụ đông xuân sẽ phải đối mặt với hạn. Đó là chưa kể chi phí để trục đất, diệt cỏ trước khi xuống giống tăng lên nhiều so với các vụ trước”. Tại An Giang, theo tính toán chi phí cho khâu làm đất đã tăng thêm khoảng 1,5-2 triệu đồng/ha. Khi vào vụ, dịch bệnh, cỏ dại phát triển, chi phí sẽ tăng lên gấp nhiều lần. Anh Trần Văn Tuấn ở thị trấn An Phú (huyện An Phú, tỉnh An Giang) nói: “Chưa vào vụ lúa nhưng nghe khuyến cáo, dự báo tình hình đã thấy canh cánh nỗi lo. Giá phân bón đang tăng vùn vụt, giá thành mỗi kí lúa sẽ đội lên mà không biết tình hình tiêu thụ sẽ ra sao”.

Theo thống kê của ngành nông nghiệp, trong 5 năm qua, sản xuất lúa ở vùng ĐBSCL chưa bao giờ đối mặt với khó khăn, thách thức ngay từ đầu vụ. Dù vụ đông xuân 2009- 2010, tình trạng hạn, xâm nhập mặn tiến sâu vào nội đồng làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp, nhưng sự chủ động của các địa phương và người trồng lúa đã giải quyết được khó khăn, đảm bảo năng suất, sản lượng. Còn vụ đông xuân 2010- 2011 khó khăn phát sinh nhanh ngay đầu vụ, cùng với diễn biến thời tiết, giá cả đầu vào cũng đang tăng, nông dân trồng lúa đang đối mặt với nhiều nỗi lo.

* Cần chủ động ứng phó

Theo cảnh báo của Bộ NN&PTNT, mực nước lũ năm 2010 đạt thấp, nên vụ đông xuân này, nông dân ĐBSCL phải chuẩn bị tâm lý đối phó với các loại dịch bệnh, như: rầy nâu, cỏ dại, ốc bươu vàng, chuột và bệnh đạo ôn... Biện pháp tốt nhất là thăm đồng thường xuyên để phát hiện và ngăn chặn kịp thời, tránh tổn thất cho cây lúa. Đặc biệt là phải làm đất kỹ để tránh cho lúa khỏi bị “ngộ độc” hữu cơ. Hiện ở hai huyện miền núi Tri Tôn và Tịnh Biên (tỉnh An Giang) và một số nơi khác trong tỉnh An Giang đang đối mặt với dịch chuột. Lũ không về, chuột có điều kiện sinh sôi nẩy nở và phát tán rộng.

Tỉnh Kiên Giang đang đối mặt với tình trạng nhiễm mặn đầu vụ. Ngay thời điểm này, vùng U Minh Thượng- Kiên Giang, một phần của vùng bán đảo Cà Mau thuộc Kiên Giang và Cà Mau đã xuất hiện tình trạng nhiễm mặn. Trong số 4.500ha lúa gieo sạ trên đất tôm tại huyện An Biên (Kiên Giang) đã có đến 2.500ha lúa chết do nhiễm mặn. Ông Danh Sơn, nông dân ở huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang, cho biết: “Lúa gieo sạ được khoảng 10 ngày thì chết hết. Nóng lòng, tôi tiếp tục xuống giống đợt 2, nhưng tình hình không khả quan lắm. Vụ lúa này kể như thua”. Qua khảo sát của ngành nông nghiệp, độ mặn ở khu vực này từ 3-5 0/00; có nơi lên đến 7 0/00. Trong khi, độ mặn 3 0/00 là lúa đã không sống nổi. Tại xã Nam Thái (huyện An Biên, tỉnh Kiên Giang), diện tích gieo sạ 1.600 ha đã có 75% diện tích bị thiệt hại. Nhiều hộ đã sạ giống lần 2, lần 3 nhưng lúa vẫn chết.

Ông Trần Quang Củi, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang, cho biết: “Mùa mưa đến muộn và mực nước lũ thấp nên hiện nay nước mặn đã xâm nhập vào nội đồng một số nơi ở khu vực U Minh Thượng. Thông thường, vụ tôm kết thúc sớm vào tháng 7 để chuẩn bị cho vụ lúa nhưng nông dân đã tận dụng kéo dài đến tháng 8 và 9, tạo cơ hội cho xâm nhập mặn diễn ra mạnh hơn. Lượng mưa và mực nước này khó rửa được mặn trên đất lúa-tôm. Lúa giống tiêu tốn cho rủi ro của 2.500ha lúa chết đợt này khoảng 300 tấn và khả năng sẽ tăng thêm khi tình hình xâm nhập mặn đang diễn biến phức tạp”. Hiện nay, ngành nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nên nóng vội mà phải chuẩn bị khâu rửa phèn, rửa mặn và làm đất tốt trước khi xuống giống. Đồng thời phải tăng cường thăm đồng thường xuyên để cứu lúa...

Theo dự báo của Đài Khí tượng thủy văn Nam bộ, một số tỉnh ven biển (Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng...) phải đối phó với xâm nhập mặn vào tháng 12-2010. Ngoài ra, còn có nhiều đợt triều cường đẩy nước mặn từ biển vào sâu nội địa, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu cây lúa. Tại cuộc họp về triển khai sản xuất lúa đông xuân 2010-2011 ở Tây Nguyên và ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Bùi Bá Bổng yêu cầu các địa phương thành lập Ban chỉ đạo chống hạn và xây dựng kế hoạch sản xuất nông nghiệp trong tình trạng khô hạn. Cơ cấu giống ưu tiên sử dụng là giống lúa ngắn ngày (90-95 ngày). Để giảm thiểu thiệt hại cuối vụ, cơ cấu diện tích gieo sạ theo lịch thời vụ ở ĐBSCL cần phải thay đổi. Trong những vụ đông xuân trước, việc xuống giống đồng loạt thường được thực hiện vào tháng 11 và tháng 12, với tỷ lệ 50-50 (mỗi tháng xuống một nửa diện tích). Lần này, Bộ NN&PTNT đề xuất tăng diện tích gieo sạ trong tháng 11, giảm diện tích tháng 12, theo tỷ lệ mới là 60-40.

Miên Hạ

Chia sẻ bài viết