Nhiều phụ huynh mong muốn rèn cho con thói quen ham thích đọc sách nhưng theo nhiều chuyên gia tâm lý, để làm được điều này không hề đơn giản. Đọc sách cùng con là một trong những biện pháp được nhiều người áp dụng và đa số họ đã thành công.
|
Nhiều bậc phụ huynh mong muốn tập cho con thói quen ham thích đọc sách ngay từ nhỏ. |
Chị Trần Lệ Dung (ở phường Tân An, quận Ninh Kiều) thắc mắc: "Con tôi đòi sách gì tôi cũng mua, vậy mà khi kiểm tra hay vô tình hỏi con một vài chi tiết trong quyển sách mới thì nó đều lắc đầu không biết". Vậy nguyên nhân do đâu? Tìm hiểu kỹ mới biết, mỗi lần vào nhà sách, thấy quyển sách nào mới, bắt mắt, là bé Mun (8 tuổi) - con trai của chị cứ nằng nặc đòi mẹ mua. Tưởng rằng con có thói quen ham đọc sách nên chị rất mừng. Nào ngờ mua về nhà, bé chỉ lật qua lật lại xem hình hoặc đọc qua loa vài trang rồi bỏ đó, khiến chị Dung vô cùng thất vọng. Theo chị Dung, do ít có thời gian đọc sách hay hướng dẫn con cách đọc sách, tìm hiểu nội dung nên không hề hay biết con mình không có thói quen đọc sách.
Theo diễn giả Quách Tuấn Khanh, ở lứa tuổi tiểu học, khả năng đọc chữ của trẻ còn hạn chế nhưng lắng nghe rất tốt và luôn muốn tìm tòi, học hỏi. Vì vậy, ông bà, cha mẹ nên đọc cho bé nghe những truyện cổ tích, kể lại những câu chuyện được vẽ bằng tranh, diễn giải theo cách dễ hiểu, gần gũi nhất. Cha mẹ nên chọn một thời điểm thích hợp để cùng con đọc sách và duy trì đều đặn hoạt động này, có thể vào mỗi buổi tối, trước khi đi ngủ hay vào các buổi chiều
Cuối tuần nên dành thời gian đưa con đi nhà sách, dành thời gian để phân tích, bàn luận về một nhân vật hay một quyển sách với con bạn. Qua mỗi câu chuyện, cha mẹ nên rút ra từ đó một bài học đơn giản, ý nghĩa, giúp con ghi nhớ. Chị Đỗ Lan Hương, nhà ở quận Bình Thủy, chia sẻ: "Vợ chồng tôi là giáo viên nên trong nhà có nhiều sách. Từ nhỏ, con tôi đã được cha mẹ hướng cho thói quen đọc sách trước khi đi ngủ. Từ một đứa bé ham chơi, lười học, vậy mà qua những câu chuyện cổ tích tôi kể và những quyển sách viết về những việc làm, hành động tốt của những đứa trẻ trang lứa như cháu, tôi thấy cháu có sự tiến bộ rõ nét, siêng năng hơn rất nhiều
". Chị Hương còn khoe mỗi khi ở trường có tổ chức thi giới thiệu sách, con chị đều đại diện lớp tham gia và thường giành được giải cao.
Cứ chiều thứ 6 hàng tuần, hai em Như và Thanh (học sinh Trường THCS Lương Thế Vinh, quận Ninh Kiều) lại được cha mẹ cho vào nhà sách đọc truyện. Như kể: "Em mê nhất là đọc truyện Shin-cậu bé bút chì (một loại truyện tranh của Nhật Bản-PV) nên chiều cuối tuần nào học xong em cũng được cha mẹ cho đến đây đọc "tham khảo", thấy quyển nào hay mới mua. Bây giờ nhà em đã có một tủ sách truyện tranh, mà toàn truyện hay thôi". Cũng theo Như, do "mê" sách từ hồi 3 tuổi. Lúc đầu, chưa biết chữ nên em hay đòi ông bà, cha mẹ kể chuyện cổ tích hay đọc theo yêu cầu những cuốn sách mà em thích. Sau này biết đọc, Như càng đọc sách thường xuyên hơn, bởi càng đọc càng thấy thích. Cũng từ đó kỹ năng đọc của Như đã phát triển hơn rất nhiều. Bên cạnh đó, mỗi tối khi gia đình có dịp quây quần bên nhau, Như thường đem truyện ra đọc hay đọc thơ diễn cảm cho cả nhà nghe.
Để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ phải cần thời gian và cần duy trì đều đặn mỗi ngày chứ không thể hoàn tất trong một sớm một chiều. Theo diễn giả Quách Tuấn Khanh, một bước quan trọng trong quá trình hình thành thói quen đọc sách ở trẻ chính là việc tạo cho trẻ một môi trường để trẻ có hứng thú, ham thích đọc sách. Có thể bắt đầu bằng cách khuyến khích trẻ kể lại một câu chuyện chúng thích. Việc khen tặng cho từng câu chuyện của bé sẽ khiến chúng hào hứng hơn, yêu thích hơn việc đọc cũng như tìm hiểu, khám phá những câu chuyện mới. Bạn cũng nên dẫn con đi nhà sách để trẻ có cơ hội làm quen với một không gian rộng lớn được bao phủ bởi sách. Ngoài ra, cha mẹ nên dành cho trẻ một ngăn trong tủ sách gia đình làm nơi cất những cuốn sách của riêng bé. Việc này còn giúp trẻ nâng cao ý thức trong việc giữ gìn những cuốn sách đã đọc, biết cách sắp xếp ngăn nắp, gọn gàng để bảo quản những cuốn sách của mình.
Ngay cả khi trẻ lớn, có thể tự đọc những cuốn sách mà chúng yêu thích thì cha mẹ cũng cần quan tâm, định hướng trong việc giúp con lựa chọn đọc những cuốn sách phù hợp. Đó còn là việc cùng con tìm hiểu, bàn thảo những vấn đề, nội dung mà các quyển sách đề cập. Thông qua đó, bạn có thể tìm hiểu được suy nghĩ, tình cảm cũng như cách nhìn nhận cuộc sống của con bạn.
Bài, ảnh: ĐAN NHƯ