16/07/2024 - 20:39

Doanh nghiệp khởi nghiệp đừng “lơ là” với tài sản vô hình 

Theo các chuyên gia, sở hữu trí tuệ (SHTT) là một trong những mối quan tâm hàng đầu và quan trọng nhất với doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp bên cạnh phát triển sản phẩm, nguồn nhân lực chất lượng cao, huy động vốn… Các nhà đầu tư sẽ không mạnh dạn rót vốn vào những sản phẩm rủi ro khi biết nó có thể bị làm nhái, làm giả, tranh chấp bản quyền. Tuy vậy, vấn đề xác lập và bảo vệ tài sản trí tuệ đối với các DN khởi nghiệp vẫn vướng nhiều cản ngại do nguồn vốn hạn hẹp, nhận thức chưa đầy đủ về SHTT…

DN khởi nghiệp cần chủ động xác lập và bảo hộ tài sản trí tuệ để tránh rủi ro và những tranh chấp không đáng có. Trong ảnh: DN khởi nghiệp giới thiệu, quảng bá sản phẩm tại một sự kiện do TP Cần Thơ tổ chức.

Ông Trần Giang Khuê, Trưởng Văn phòng đại diện Cục SHTT tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: SHTT có vai trò rất quan trọng, là công cụ pháp lý, giúp DN tránh được những rủi ro trong kiện tụng bản quyền. SHTT cũng là tài sản có giá trị, giúp DN nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4 bùng nổ, những ý tưởng mới, sáng tạo trên nền tảng công nghệ sẽ mang lại những lợi nhuận khổng lồ cho DN. Tuy vậy, DN khởi nghiệp cũng đối mặt với các nguy cơ sao chép, đánh cắp ý tưởng tinh vi. Và nếu không bảo hộ quyền SHTT, DN sẽ không thể giữ những ý tưởng đó làm tài sản của mình. 

Nhận thức được tầm quan trọng của SHTT trong hoạt động khởi nghiệp, TP Cần Thơ có nhiều giải pháp cũng như các hoạt động hỗ trợ các startup xác lập và bảo hộ tài sản trí tuệ. Ông Vũ Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Thông tin khoa học và công nghệ, Sở Khoa học và Công nghệ TP Cần Thơ, cho biết: Tài sản trí tuệ là 1 trong 3 trụ cột đổi mới sáng tạo (công nghệ, mô hình kinh doanh và tài sản trí tuệ). Vì vậy, quá trình hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp của thành phố, SHTT luôn được thành phố quan tâm thông qua các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp đăng ký và phát triển tài sản trí tuệ; các buổi tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức hay lồng ghép vấn đề SHTT qua các cuộc thi khởi nghiệp… Trên địa bàn thành phố có 23 tổ chức triển khai hỗ trợ các hoạt động khởi nghiệp. Mỗi năm thành phố có khoảng 100-150 dự án khởi nghiệp có yếu tố đổi mới sáng tạo. Tuy nhiên, một thực tế phải nhìn nhận là các DN khởi nghiệp thường tập trung vào phát triển sản phẩm, phát triển thị trường mà quên vấn đề bảo hộ tài sản trí tuệ. Vì vậy, khi xảy ra rủi ro tranh chấp, doanh nghiệp khởi nghiệp lại “không có gì trong tay” để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Theo các chuyên gia, thời điểm thuận lợi nhất để startup quan tâm và chú trọng đến SHTT là ngay khi mới nhen nhóm, hình thành ý tưởng kinh doanh. Các đối tượng của quyền SHTT có thể được tạo ra ở bất kỳ giai đoạn nào trong quá trình kinh doanh của startup. Vì vậy, khi bắt đầu tiến hành kinh doanh, hợp tác, kết nối đầu tư, startup cần nhận biết được đối tượng SHTT nào có khả năng sẽ được tạo ra, quyền sở hữu và cách thức bảo vệ từng loại đối tượng SHTT tương ứng.

Bà Nguyễn Xuân Trang, Giám đốc Công ty TNHH Xuất Nhập Khẩu BBI, cho biết: “BBI chuyên phân phối xuất nhập khẩu nón bảo hiểm, đồ bảo hộ cho người đi mô tô, xe gắn máy. Công ty đã có ý thức đăng ký nhãn hiệu Bulldog helmet từ rất sớm (trước cả khi thành lập công ty vào năm 2015). Dù ý thức rất cao về bảo hộ quyền SHTT, song Bulldog helmet cũng suýt mất vào tay Trung Quốc. Thời điểm cả nước gồng mình chống dịch COVID-19 thì các nền tảng thương mại điện tử của Trung Quốc xuất hiện rất nhiều hình ảnh nón bảo hiểm Bulldog với giá cao gấp 3 lần Việt Nam. Qua kiểm tra được biết một DN Trung Quốc đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu Bulldog. Chúng tôi lập tức thuê luật sư, gửi đơn phản đối và cung cấp nhiều bằng chứng chứng minh nhưng phải qua thời gian dài mới thành công giành lại được thương hiệu. Ở thị trường Mỹ, chúng tôi cũng gặp tình trạng tương tự nhưng nhờ có kinh nghiệm trước đó nên kết quả thành công chỉ sau 1 tháng”.

SHTT được coi là động lực khuyến khích sáng tạo, là công cụ giúp DN khởi nghiệp phát triển đột phá và bền vững. Vì thế, DN khởi nghiệp chú ý, chiến lược kinh doanh cần gắn với thế mạnh của bản thân, lợi thế của địa phương và chủ trương, chính sách chung của đất nước. Các DN khởi nghiệp cần xác định rõ gốc rễ của phát triển thương hiệu là chất lượng sản phẩm, dịch vụ và uy tín. Khi có những ý tưởng, sáng kiến mới, cần nhanh chóng liên hệ cơ quan chức năng để được hướng dẫn, hỗ trợ đăng ký quyền sở hữu trí tuệ cả trong và ngoài nước, tránh “mất bò mới lo làm chuồng”.

Ông Trần Giang Khuê nhấn mạnh: “Pháp luật SHTT không bảo hộ đối với ý tưởng sáng tạo, ý tưởng kinh doanh nên cần hiện thực hóa các cách thức, phương tiện kỹ thuật, giải pháp công nghệ, mô hình kinh doanh... để có thể có được sự bảo đảm của các công cụ pháp lý đối với hoạt động sáng tạo và khởi sự kinh doanh của mình. Trong trường hợp này, DN tránh bộc lộ các ý tưởng, giải pháp công nghệ, cách thức kinh doanh... và nên có những biện pháp bảo mật phù hợp với từng giai đoạn của quá trình khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để đảm bảo đáp ứng các điều kiện bảo hộ quyền SHTT cũng như tính cạnh tranh của kế hoạch kinh doanh, dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (kể cả những biện pháp bảo mật trong nội bộ nhóm cá nhân khởi nghiệp). Cùng với đó, không ngừng đổi mới sáng tạo để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ có tính cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu của thị trường; vận dụng các  tài sản trí tuệ tạo nên sự khác biệt, độc đáo đáp ứng các giá trị cốt lõi của sản phẩm và giá trị cốt lõi của thương hiệu để xây dựng và phát triển thương hiệu, tạo ra sự phát triển đột phá và bền vững”.

Bài, ảnh: MỸ THANH

Chia sẻ bài viết