24/04/2023 - 09:22

Doanh nghiệp FDI thận trọng mở rộng quy mô 

Năm 2022, các nhà đầu tư nước ngoài tiếp tục tin tưởng vào triển vọng phát triển của các dự án đang đầu tư tại Việt Nam. Số doanh nghiệp (DN) FDI mở rộng quy mô lao động tăng so với năm 2021. Đồng thời tỷ lệ DN báo lỗ cũng giảm so với năm 2021, nhưng vẫn thận trọng khi mở rộng quy mô đầu tư.

Nhiệt kế của DN

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cùng Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2022 (PCI 2022), với 11.872 DN cả khối tư nhân và khối FDI phản hồi điều tra, cho thấy niềm tin kinh doanh của DN ở mức thấp. Chỉ 35% DN tư nhận Việt Nam và 33% DN FDI cho biết sẽ mở rộng kinh doanh trong 2 năm tới. Việc DN thận trọng với triển vọng trung hạn là thách thức lớn cho công tác điều hành kinh tế thời gian tới.  

Trong số 1.282 DN FDI đến từ 42 quốc gia và vùng lãnh thổ phản hồi phiếu điều tra PCI 2022 (DN Hàn Quốc chiếm tỷ trọng 28,8%, Nhật Bản 23,2% và Trung Quốc 12,7%...) đã phản ánh hoạt động của DN tại Việt Nam có sự phục hồi vững chắc hơn sau đại dịch. Tỷ lệ DN mở rộng quy mô lao động năm 2022 là 55,77% (năm 2021, tỷ lệ này là 50,56%); tỷ lệ DN báo lãi cũng tăng lên mức 42,77% (năm 2021 chỉ 38,72%); tỷ lệ DN báo lỗ cũng giảm từ mức 47,79% của năm 2021 xuống còn 44,88% năm 2022.

Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), năm 2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) giảm 11% so với năm 2021, chỉ đạt 27,72 tỉ USD. Trong đó, vốn FDI đăng ký mới giảm 18,4% so với năm 2021, chỉ đạt 12,45 tỉ USD. Có thể thấy, bối cảnh toàn cầu nhiều biến động khó lường, sự dịch chuyển dòng vốn đầu tư cũng diễn ra mạnh mẽ hơn, các DN FDI cũng tỏ ra thận trọng hơn với quyết định mở rộng quy mô đầu tư.

Phản hồi điều tra PCI 2022, chỉ có 6,24% DN FDI cho biết đã tăng vốn đầu tư năm 2022, đây là mức tăng thấp nhất kể từ năm 2014. Đồng thời trả lời về triển vọng kinh doanh trong 2 năm tới, chỉ có 33% DN dự kiến mở rộng quy mô, đây là mức lùi đáng kể so với thời điểm trước khi dịch COVID-19 bùng phát và con số này chưa bao giờ dưới mức 45% giai đoạn 2014-2019. Sự thận trọng này xuất hiện ở các DN FDI vùng Đông Nam bộ, do chịu ảnh hưởng của sự dịch chuyển cơ cấu lao động và giữa các ngành nghề.

Các DN vẫn đánh giá môi trường kinh doanh Việt Nam có sự cải thiện tích cực hơn, các gánh nặng về thực thi quy định đã giảm đáng kể so với trước đó. Trong số DN phản hồi điều tra PCI 2022, số DN dành hơn 5% thời gian của cấp quản lý để thực hiện các thủ tục hành chính giảm mạnh từ 60,6% của năm 2021 xuống còn 49,3% năm 2022. Bên cạnh đó, việc chi trả chi phí không chính thức tiếp tục xu hướng giảm; năm 2022 chỉ có 17,4% DN phải chi trả chi phí không chính thức cho cán bộ thanh, kiểm tra, giảm đảng kể so với 25,4% năm 2021.

Song, tỷ lệ DN cho biết chi phí không chính thức chỉ chiếm dưới 1% doanh thu đã tăng lên so với các năm trước. Vẫn có tới 38,5% và 19,2% doanh nghiệp được hỏi phải trả chi phí không chính thức phát sinh trong thủ tục hải quan và đất đai. Chi phí chiếm trọng số 15% trong 10 chỉ số thành phần khảo sát PCI. Vì vậy, nếu DN buộc phải “lót tay” các cơ quan công quyền khi thực hiện các thủ tục đầu tư, xuất nhập khẩu… cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến việc cảm nhận về môi trường kinh doanh Việt Nam.  

Theo kết quả khảo sát, các DN FDI cũng cho biết gặp khó khăn trong việc tuyển dụng và giữ chân lao động. Năm 2021 có tới 62% DN cảm thấy “dễ dàng” hoặc “rất dễ dàng” tuyển dụng lao động phổ thông, thì đến năm 2022 con số này giảm xuống chỉ còn 49%. Các DN còn gặp trở ngại trong việc giữ chân những lao động đã qua đào tạo. Tỷ lệ lao động đã được đào tạo tiếp tục làm việc từ một năm trở lên tại khối FDI giảm đáng kể trong 2 năm qua, từ mức 66% vào năm 2020 xuống còn 60% năm 2021 và 55,9% trong năm 2022. Thực tế thì sau khi chuyển trạng thái bình thường mới, dòng lao động đã có sự dịch chuyển đáng kể, lao động trở về địa phương đã làm cho sự thiếu hụt lao động ở các trung tâm công nghiệp lớn thiếu cục bộ như: Bình Dương và TP Hồ Chí Minh…

Cần cải thiện vững chắc hơn

Theo VCCI, phần lớn DN FDI hoạt động tại Việt Nam có quy mô nhỏ và vừa, gần 83% doanh nghiệp FDI có số vốn dưới 100 tỉ đồng, một phần tư doanh nghiệp FDI sử dụng dưới 10 lao động và 57,4% có dưới 50 lao động. Về doanh thu, gần 25% số DN FDI có doanh thu dưới 3 tỉ đồng và 77,8% có doanh thu dưới 100 tỉ đồng trong năm 2022.

Điểm đáng chú ý nữa là, cơ cấu DN FDI đã có sự dịch chuyển sang các ngành có hàm lượng công nghệ cao hơn các năm trước. Tham gia điều tra PCI 2022, có tới 49,5% DN hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp/chế tạo, 39% lĩnh vực dịch vụ/thương mại và 7% trong lĩnh vực xây dựng. Trong lĩnh vực công nghiệp/chế tạo, khối DN FDI đang có sự dịch chuyển khỏi ngành may mặc. Năm 2010, các DN dệt may chiếm tỷ trọng lớn nhất thì đến năm 2022 con số này đã giảm đáng kể. Ở chiều ngược lại, DN các ngành sản xuất máy tính, thiết bị điện tử và thông tin/ truyền thông đang chiếm tỷ trọng ngày càng lớn. Cơ cấu DN FDI theo xuất xứ nhà đầu tư tương đối ổn định trong các năm gần đây với Hàn Quốc và Nhật Bản là hai quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.

Kết quả PCI 2022 cũng cho thấy, các DN trong nước tham gia ngày càng tích cực hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu với vai trò là nhà cung cấp nguyên liệu đầu vào cho các DN FDI. Năm 2021 chỉ có 52,4% DN FDI sử dụng hàng hóa và dịch vụ đầu vào cung ứng bởi các DN tư nhân Việt Nam thì con số này đã lên đến 63,3% trong năm 2022. Tỷ lệ DN FDI sử dụng hàng hóa, dịch vụ cung ứng bởi các hộ kinh doanh tại Việt Nam đã tăng từ mức 9,9% năm 2021 lên 13,4% năm 2022.

Mặc dù có cảm nhận tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam, nhưng các DN FDI vẫn cho rằng cần sự cải thiện mạnh mẽ hơn. Bởi DN nhận định vẫn còn gánh nặng chi phí không chính thức. Năm 2022, tỷ lệ DN FDI tham gia điều tra PCI đã trả chi phí không chính thức khi thực hiện thủ tục xuất, nhập khẩu là 38,5%, đã có cải thiện so với giai đoạn trước năm 2019. Tuy nhiên, việc chi trả chi phí không chính thức trong lĩnh vực này vẫn là lực cản ngầm đối với sự phát triển của DN trong một nền kinh tế có độ mở như Việt Nam. Tương tự, chi phí không chính thức phát sinh trong thủ tục lĩnh vực đất đai cũng ở mức đáng kể, có tới 19,2% DN phải trả chi phí không chính thức trong khi thực hiện thủ tục hành chính về đất đai trong năm 2022. Các DN cũng nhận định, chất lượng cơ sở hạ tầng cơ bản (đường sá và điện) tại địa phương hầu như không có tiến triển trong năm 2022. Có đến 54% DN FDI đánh giá chất lượng lao động chỉ đáp ứng nhu cầu ở mức trung bình…

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu vẫn ảm đạm sau đại dịch, đòi hỏi sự cải thiện liên tục về môi trường kinh doanh để tạo ra các động lực mới cho DN. Hiện khối DN FDI chiếm khoảng 73% kim ngạch xuất khẩu và 65% kim ngạch nhập khẩu, vì vậy việc cải thiện các điều kiện kinh doanh, cắt giảm các thủ tục hành chính không cần thiết, hỗ trợ lao động… cần được triển khai liên tục và đồng bộ để thu hút nguồn vốn FDI, góp phần phát triển kinh tế vĩ mô.

GIA BẢO

Chia sẻ bài viết