09/09/2011 - 21:03

GIẢM LÃI SUẤT CHO VAY

Doanh nghiệp dễ thở hơn

Lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm sẽ tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn dễ hơn.
Ảnh: ĐỖ CHÍ THIỆN

Theo cam kết giữa Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và các ngân hàng thương mại (NHTM), từ giữa tháng 9-2011, lãi suất cho vay thông thường sẽ giảm về mức 17- 19%/năm. Sự đồng thuận của các NHTM trong việc đảm bảo nguồn cung vốn ra thị trường, với lãi suất hợp lý sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp (DN) dễ thở hơn thời gian tới.

* Khơi thông dòng vốn

Trong 6 tháng NHNN thực hiện chính sách tiền tệ chặt chẽ, thận trọng để kiềm chế lạm phát, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và đảm bảo an toàn hệ thống theo tinh thần Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đạt kết quả bước đầu. Tính đến cuối tháng 8, tín dụng đối với sản xuất tăng 14,79%, tín dụng xuất khẩu tăng 35,02%, tín dụng phi sản xuất giảm 16,95%, dư nợ cho vay tiêu dùng giảm 23,12%. Điều này khẳng định việc thực hiện Nghị quyết 11 trên lĩnh vực vực ngân hàng đang đi đúng hướng. Tuy nhiên vẫn còn chuyện các NHTM “vượt trần” lãi suất huy động 14%/năm, khiến lãi suất đầu ra tăng cao, DN khó tiếp cận vốn. Thêm vào đó, lạm phát ở mức cao, chi phí đầu vào tăng đáng kể, DN khó lại thêm khó. Theo phản ánh của nhiều DN, trong điều kiện giá đầu vào tăng, lương công nhân tăng, thị trường tiêu thụ đang khó, lãi suất cho vay phải ở mức 14-15%/năm DN mới có thể vay vốn đầu tư, sản xuất.

Theo NHNN chi nhánh Cần Thơ, trên địa bàn thành phố hiện có 50 tổ chức tín dụng (TCTD) đang hoạt động. Ước đến cuối tháng 8, tổng vốn huy động trên địa bàn thành phố đạt 27.100 tỉ đồng, tăng 6,8% so với cuối năm 2010. Nguồn vốn huy động đáp ứng 69,1% tổng dư nợ trên địa bàn, tổng dư nợ cho vay nền kinh tế đến cuối tháng 8 khoảng 39.200 tỉ đồng, chỉ tăng 6,3% so với cuối năm 2010. Trong đó, chủ yếu là dư nợ ngắn hạn 29.500 tỉ đồng, chiếm 75,3% tổng dư nợ; tỷ lệ nợ xấu chiếm 1,76% (690 tỉ đồng) trong tổng dư nợ và vẫn nằm trọng độ an toàn tín dụng. Các TCTD trên địa bàn thành phố đều ưu tiên cho vay phát triển nông nghiệp, sản xuất, xuất khẩu, cho vay mua lúa gạo... đặc biệt là các NHTM, tỷ lệ dư nợ của các ngân hàng này chiếm khá cao trong tổng dư nợ cho vay.

Ngày 7-9, NHNN ban hành Chỉ thị 02 chấn chỉnh việc thực hiện trần lãi suất huy động đối với VND và USD. Sau 2 ngày triển khai thực hiện, với sự đồng thuận cao của các NHTM, các chuyên gia cho rằng, đây là cơ sở để hạ lãi suất cho vay về mức 17-19% như cam kết của các ngân hàng. Hiện nay thanh khoản VND của các ngân hàng được cải thiện đáng kể, các ngân hàng cũng cần khách hàng, nên việc giảm lãi suất là tất yếu. Từ đầu tháng 9, nhiều NHTM công bố giảm lãi suất cho vay, như Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) công bố từ 6-9 sẽ giảm lãi suất cho vay từ 1,5%- 2%/năm so với mức lãi suất phổ biến trên thị trường (lãi suất ngắn hạn dưới 18%/năm, trung và dài hạn dưới 19%/năm. BIDV còn dành 10.000 tỉ đồng cho vay ngắn hạn cho các khách hàng hoạt động trên lĩnh vực thu mua nông thủy sản xuất khẩu, công nghiệp nông nghiệp, DN nhỏ và vừa... với mức lãi suất 15- 17,5%/năm. Ngân hàng Việt Nam thịnh vượng (VPBank) cũng cho vay vốn lưu động cho DN sản xuất, xuất khẩu nông lâm sản và một số ngành khác với mức 3.000 tỉ đồng, lãi suất 17- 19%/năm. Ngân hàng TMCP Sài Gòn- Hà Nội (SHB) công bố dành 3.800 tỉ đồng cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đối với DN vừa và nhỏ, chương trình áp dụng cho các khoản vay ngắn hạn, giải ngân từ đầu tháng 9-2011, mức lãi suất 17- 19%/năm...

* Doanh nghiệp kiên trì vượt khó

Trong 8 tháng đầu năm, DN trên địa bàn thành phố Cần Thơ ngoài việc thiếu nguyên liệu sản xuất (thủy sản) còn đối mặt với giá nguyên liệu đầu vào tăng, thị trường tiêu thụ khó khăn, nhưng DN vẫn kiên trì vượt khó. Hầu hết các sản phẩm công nghiệp của thành phố đều tăng so với cùng kỳ, như: quần áo may sẵn tăng 30,4%, thủy hải sản đóng hộp tăng 28,8%, thủy hải sản ướp đông tăng 10,5%, điện thương phẩm tăng 27,5%, xay xát gạo tăng 6,1%... Theo Sở Công thương TP Cần Thơ, lĩnh vực công nghiệp, thương mại- dịch vụ đều có mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Đây là nỗ lực rất lớn của DN và trong khó khăn, không ít DN đã chấp nhận co cụm sản xuất, tiết giảm chi phí không cần thiết chờ qua cơn khó, tạm dừng các dự án đầu tư mới. Còn thống kê của Ban quản lý các Khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, tính đến tháng 8, tổng số lao động làm việc tại các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố hiện có 34.861 lao động (trong đó 30.430 lao động chính thức, còn lại là lao động thời vụ). So với quý I/2011, lao động làm việc tại các khu công nghiệp tăng 297 người (quý I/2011 có 34.564 lao động) và tăng 1.691 lao động chính thức.

Ông Đặng Xuân Trường, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất- Kinh doanh- Thương mại Tân Thuận Thành (khu công nghiệp Trà Nóc, Cần Thơ- chuyên sản xuất cống, cọc bê tông dự ứng lực), cho biết: “Lãi suất cho vay bắt đầu giảm về mức 17-19%/năm từ ngày 8-9, nhưng không phải DN nào cũng tiếp cận được, do nhiều DN vừa và nhỏ đã bị nợ quá hạn trước đó”. Theo ông Trường, công ty của ông trước đây phải vay với lãi suất 20%/năm, còn hiện tại là 18%/năm, nhưng hạn mức vay không nhiều. Hiện công ty chỉ sản xuất cầm chừng, sản xuất theo đơn đặt hàng, bởi công ty chưa thu được tiền bán sản phẩm của các đầu mối và vẫn phải trả nợ lãi suất cao với các khoản vay trước đây. Ông Trường cho rằng, phải 6 tháng nữa thì DN mới dễ thở, với điều kiện là lãi suất cho vay duy trì ở mức 17-19%/năm như hiện tại và DN phải đạt tín dụng loại A (không còn nợ ngân hàng) mới tiếp cận được nguồn vốn lãi suất hợp lý. Còn để vượt qua khó khăn hiện tại, đơn vị phải quay vòng vốn với các DN thân tín, anh em, bạn bè bằng cách hùn vốn lại cho DN nào khó nhất, cần trả nợ ngân hàng để DN này đáo hạn nợ và sẽ sử dụng nguồn vốn từ DN này vay được xoay vòng vốn luân phiên.

Tại cuộc họp sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 11 của NHNN mới đây, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình khẳng định, NHNN sẽ họp với 12 NHTM hàng đầu Việt Nam (chiếm 80% thị phần hoạt động ngân hàng) để tạo ra cơ chế đối thoại công khai minh bạch giữa các TCTD. Nếu các TCTD đồng thuận trong việc áp dụng trần lãi suất huy động 14%/năm và lãi suất cho vay ở mức 17-19%/năm sẽ giúp DN vượt qua khó khăn khi dòng vốn được khơi thông. Bên cạnh đó, NHNN yêu cầu các NHTM ưu tiên vốn cho sản xuất, xuất khẩu, khu vực nông nghiệp nông thôn. Một khi các chính sách này được thực thi đồng bộ thì DN sẽ giảm bớt gánh nặng chi phí vốn.

GIA BẢO

Lãi suất cho vay của các ngân hàng giảm sẽ tạo điều kiện cho DN tiếp cận vốn dễ hơn. Ảnh: ĐỖ CHÍ THI̓

Chia sẻ bài viết