11/09/2019 - 10:14

Doanh nghiệp đầu tư theo nhu cầu thị trường 

Trong 8 tháng đầu năm, tình hình sản xuất công nghiệp của thành phố tăng trưởng khá; chỉ số sản xuất công nghiệp 8 tháng ước tăng 7,5% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chế biến của thành phố không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại và mở rộng thị trường. Tuy nhiên, để khơi thông nguồn lực đầu tư sao cho hiệu quả đòi hỏi doanh nghiệp phải hiểu rõ năng lực nội tại của mình và am hiểu thị trường.

Mở hướng đầu tư

Công ty TNHH Vườn Trái Cửu Long là một doanh nghiệp FDI hoạt động trong Khu Công nghiệp Trà Nóc 1 và chuyên về chế biến nước ép trái cây, mứt trái cây để cung ứng chủ yếu ở thị trường nội địa, tập trung là các khách sạn 5 sao, resort, cảng hàng không. Ông Lê Văn Đồng, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Vườn Trái Cửu Long, cho biết: Dù công ty không tham gia hội chợ nước ngoài để quảng bá sản phẩm nhưng có nhiều khách hàng nước ngoài đến Việt Nam lưu trú tại các khách sạn thấy và dùng sản phẩm của công ty rồi trở thành khách hàng. Với 80% sản lượng tiêu thụ nội địa và 20% xuất khẩu chứng tỏ tiềm năng thị trường xuất khẩu rất lớn. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu đòi hỏi vùng nguyên liệu phải được đầu tư bài bản đảm bảo chất lượng, an toàn, kiểm soát và giảm thiểu hàm lượng thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, trên cơ sở xây dựng vùng nguyên liệu theo quy mô từng nông hộ, công ty đang hướng đến liên kết nhân rộng ra nhiều nông hộ với yêu cầu phải làm bài bản, chất lượng, đúng quy trình nhằm gia tăng sản lượng. Mục tiêu đến năm 2020 là vùng nguyên liệu phải đạt sản lượng khoảng 350 tấn và nếu làm bài bản sẽ tăng lên 1.000 tấn/năm. Bên cạnh đó, công ty đang có nhu cầu  thuê thêm 2ha đất sạch trong khu công nghiệp của TP Cần Thơ để xây dựng nhà máy chế biến vì đã khai thác hết công suất của nhà máy hiện tại.

Là một công ty chuyên về chế biến xuất khẩu gạo theo dây chuyền khép kín từ khâu đầu vào đến đầu ra với tổng công suất đạt từ 500-600 tấn/ngày, Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát (Thốt Nốt) chuyên xuất khẩu sang thị trường Mỹ, Hồng Kông, Dubai, Malaysia, Singapore... với các sản phẩm như gạo thơm đặc sản, gạo hạt dài, Japonica, nếp... Bà Huỳnh Thị Bích Huyền, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát, chia sẻ: Lúa gạo là thế mạnh của ĐBSCL. Khi tham gia vào thị trường lúa gạo, công ty mong muốn đầu tư bài bản từ vùng nguyên liệu đến sản phẩm đầu ra xuất khẩu. Để đầu tư vùng nguyên liệu ổn định, công ty rất cần sự hỗ trợ của nông dân, hợp tác xã cùng chính quyền địa phương. Đối với đầu tư nhà máy, kho chứa, dây chuyền sản xuất, công ty rất cần sự đồng hành hỗ trợ vốn từ ngân hàng. Hiện nay Ngọc Quang Phát đang mở rộng đầu tư nhà máy ở địa bàn tỉnh Hậu Giang và tập trung phát triển vùng nguyên liệu rộng khắp ở ĐBSCL để đáp ứng cho các đơn hàng lớn, yêu cầu cao về xuất xứ, chất lượng gạo xuất khẩu.

Khơi thông nguồn lực

Để đưa ra quyết định đầu tư, các doanh nghiệp đều xem xét rất kỹ các tín hiệu từ thị trường, nhu cầu khách hàng để các định xu hướng phát triển ngành hàng phù hợp. Ông Nguyễn Minh Toại, Giám đốc Sở Công thương TP Cần Thơ, cho biết: Trong tháng 8, Sở Công thương làm việc với gần 20 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực chế biến, xuất khẩu gạo về tình hình hoạt động, thông tin thị trường, quản lý chất lượng sản phẩm. Dịp này, Sở Công thương cũng thông báo đến doanh nghiệp về các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu tiếp cận các ưu đãi từ các Hiệp định thương mại tự do để vận dụng vào lĩnh vực, thị trường cụ thể mà doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu hàng hóa. Do đó, Sở Công thương đề xuất doanh nghiệp có nhu cầu đầu tư phát triển có thể tìm hiểu kỹ hơn về thông tin chương trình cũng như tìm hướng tiếp cận phù hợp. Sở Công thương sẽ duy trì kết nối liên lạc thường xuyên với doanh nghiệp để cung cấp thông tin về nhu cầu thị trường, các hoạt động quảng bá xúc tiến ngành hàng, các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận vốn, đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh...

Doanh nghiệp Malaysia và Singapore tham quan nhà máy chế biến của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Ngọc Quang Phát.

Để đáp ứng nhu cầu đầu tư dây chuyền sản xuất, nhà xưởng nhằm nâng cao năng lực sản xuất, nhiều doanh nghiệp trong khu công nghiệp đang đề xuất thành phố và Ban Quản lý các Khu Chế xuất và Công nghiệp thành phố hỗ trợ doanh nghiệp thuê thêm đất sạch. Thành phố cũng định hướng giới thiệu doanh nghiệp vào các khu công nghiệp đã hoàn chỉnh hạ tầng để triển khai xây dựng nhà máy và đi vào hoạt động nhanh chóng. Ông Lư Thành Đồng, Trưởng Ban Quản lý Các khu chế xuất và Công nghiệp Cần Thơ, cho biết: Đối với các doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu công nghiệp của thành phố có nhu cầu mở rộng nhà xưởng hoạt động, Ban quản lý sẽ hỗ trợ doanh nghiệp tìm kiếm vị trí phù hợp và các thủ tục cần thiết liên quan đến đất đai, đầu tư xây dựng. Theo đó, giá cho thuê lại đất ở Khu công nghiệp Trà Nóc và Trà Nóc 2 là 40-60USD/m2/26 năm; Khu công nghiệp Thốt Nốt từ 100-140 USD/m2/50 năm; Hưng Phú 1 từ 85-110USD/m2/36 năm; Hưng Phú 2A từ 85-100USD/m2/40 năm.

Bên cạnh ngành chế biến xuất khẩu gạo và thủy sản, thành phố cũng quan tâm khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào ngành chế biến trái cây xuất khẩu. Thành phố có 4 doanh nghiệp xuất khẩu về trái cây tươi, đóng lon, sấy khô, sấy dẻo, chế biến nước ép. Qua tiếp xúc, tìm hiểu về khả năng phát triển thị trường, tăng đầu tư, các doanh nghiệp đều cho rằng đơn hàng không thiếu mà chủ yếu là thiếu nguồn nguyên liệu đạt chuẩn.

 Ông Nguyễn Khánh Tùng, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư-Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ, chia sẻ: Thực tế cho thấy, sản lượng trái cây ở ĐBSCL lớn nhưng còn thiếu sự đồng bộ về chất lượng, chưa đáp ứng yêu cầu về trọng lượng, kích cỡ, độ đồng đều của trái và màu sắc… Muốn phát triển vùng nguyên liệu ổn định cần sự liên kết hợp tác, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác đồng bộ, quy mô lớn. Về phía các đoàn công tác của thành phố khi đi xúc tiến nước ngoài đều nhận thấy ngành hàng trái cây còn nhiều dư địa để phát triển và sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm đến các thị trường tiềm năng. Trong bối cảnh Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sớm có hiệu lực, ngành chế biến nông sản trong đó có trái cây sẽ có nhiều cơ hội để xuất khẩu sang thị trường này. Các doanh nghiệp tại TP Cần Thơ có thể chủ động nắm bắt nhu cầu thị trường, định hướng đầu tư vùng nguyên liệu cây ăn trái, đầu tư dây chuyền sản xuất để chủ động khai thác tiềm năng thị trường từ những lợi thế sẵn có.

Bài, ảnh: MINH HUYỀN

Chia sẻ bài viết