(CTO) - Chiều 11-7, Đoàn công tác TP Cần Thơ do ông Dương Tấn Hiển, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Cần Thơ làm trưởng đoàn, đến thăm và làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan. Ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, chủ trì tiếp đón đoàn.
Đoàn công tác TP Cần Thơ tại buổi gặp gỡ, làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan.
Thời gian qua, TP Cần Thơ luôn có mối quan hệ tốt đẹp với Hà Lan, nhất là thông qua các dự án phi chính phủ (NGO) về hỗ trợ cho ĐBSCL trong các dự án về phòng chống thiên tai, lũ lụt, thích ứng biến đổi khí hậu, đặc biệt là phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp. TP Cần Thơ đã phối hợp với Đại sứ quán Hà Lan, Tổng Lãnh sự quán Hà Lan tại Hà Nội tổ chức thành công nhiều hoạt động trong các năm kỷ niệm 45 năm, 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hà Lan tại TP Cần Thơ. Bao gồm tổ chức các hội thảo, ngày “Hà Lan”, triển lãm giáo dục, chiếu phim, trồng cây chống xói lở bờ sông, giao lưu cựu sinh viên học tại Hà Lan… Qua đó góp phần vun đắp, thắt chặt mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa TP Cần Thơ và Hà Lan.
Ông Dương Tấn Hiển chia sẻ: ĐBSCL xuất khẩu lúa gạo chiếm đến 95% sản lượng xuất khẩu gạo của cả nước, thủy sản và trái cây dao động từ 70-75% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên do ĐBSCL còn vướng về hạ tầng cảng biển nên hàng hóa xuất khẩu phải trung chuyển lên TP Hồ Chí Minh hoặc đi vũng Tàu. Do đi bằng đường bộ nên chi phí logistics chiếm khoảng 30% trong khi ở các nước chi phí này chỉ chiếm khoảng 7-8%. TP Cần Thơ muốn phát triển phải thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng biển để không chỉ phục vụ cho TP Cần Thơ mà cho cả vùng ĐBSCL. Trong quá trình quy hoạch cảng biển của TP Cần Thơ, thành phố học hỏi kinh nghiệm, quy mô phát triển, cách thức quản lý và tìm kiếm nhà đầu tư để đầu tư phát triển hệ thống cảng biển cho TP Cần Thơ. Về logistics, khó khăn là do hạ tầng giao thông chưa đồng bộ là cản trở lớn ảnh hưởng đến quá trình thu hút đầu tư của thành phố.
Ông Dương Tấn Hiển cho biết: Với vai trò trung tâm của ĐBSCL, TP Cần Thơ được hưởng nhiều chính sách ưu đãi của Trung ương và có tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong tương lai. Thành phố đang tập trung thu hút đầu tư vào lĩnh vực cảng biển, logistics và cảng hàng không để phục vụ không chỉ cho Cần Thơ mà còn cho cả khu vực ĐBSCL và Campuchia. Thành phố cũng mong muốn trao đổi với các chuyên gia Hà Lan về các vấn đề môi trường, biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước, những lĩnh vực mà Hà Lan có thế mạnh lâu đời. Bên cạnh đó, TP Cần Thơ cũng có nhu cầu lớn về nguồn cát san lắp để phục vụ cho các dự án hạ tầng giao thông, đường cao tốc và các khu công nghiệp. Do đó, thành phố mong muốn tiếp cận công nghệ nạo vét khơi thông luồng hàng hải Cần Thơ - Định An cũng như khai thác sản phẩm sau nạo vét để phục vụ cho các dự án quan trọng này.
Ông Dương Tấn Hiển (bên trái) tặng tranh lưu niệm đến ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan.
Đoàn công tác TP Cần Thơ chụp ảnh lưu niệm tại trụ sở Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan.
Theo ông Ngô Hướng Nam, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, ĐBSCL có mối nhân duyên đặc biệt với Hà Lan, có nhiều điểm tương đồng về quy mô dân số, diện tích cũng như chịu nhiều tác động của biến đổi khí hậu. ĐBSCL có thể học tập Hà Lan về những kinh nghiệm và giải pháp công nghệ để phát triển nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu. Hà Lan có những doanh nghiệp có nhiều kinh nghiệm và công nghệ liên quan đến nạo vét khơi thông luồng hàng hải cũng những doanh nghiệp có tiềm lực về đầu tư hạ tầng cảng cạn, cảng nước sâu, dịch vụ logistics... Vì vậy, Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan sẽ tạo điều kiện kết nối các doanh nghiệp, nhà đầu tư của Hà Lan đến nghiên cứu tìm hiểu khả năng đầu tư vào các dự án TP Cần Thơ đang có nhu cầu.
Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan trao đổi cùng Đoàn công tác TP Cần Thơ.
TP Cần Thơ hiện có 2 dự án có vốn đầu tư trực tiếp từ Hà Lan, gồm dự án "Chi nhánh Công ty PEPSICO Việt Nam tại TP Cần Thơ", với tổng vốn đầu tư đăng ký 32 triệu USD (100% Hà Lan), hoạt động trong lĩnh vực sản xuất các loại nước giải khát; Nhà máy chế biến thức ăn thủy sản - Công ty TNHH De Heus - Chi nhánh Cần Thơ 1 với tổng vốn đầu tư hơn 18 triệu USD (100% Hà Lan) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất thức ăn gia súc, gia cầm, thủy sản.
Ở lĩnh vực NGO, TP Cần Thơ có dự án "Thu gom tự động rác nổi trên sông tại TP Cần Thơ" do Tổ chức Làm sạch biển (TOC) Hà Lan tài trợ, tổng vốn viện trợ 630.000 USD; vốn đối ứng 225.941 USD; dự án "WaterWorX hướng đến cấp nước thích nghi với Biến đổi khí hậu khu vực Tây Nam vùng ĐBSCL" do Công ty Vitens Evides International B.V (VEI) - Hà Lan tài trợ, tổng vốn viện trợ trên 1,3 triệu USD; vốn đối ứng 149.490 USD; chương trình "Blue Dragon Việt Nam - Nâng cao năng lực quản lý nguồn nước ở ĐBSCL (giai đoạn 1) tại TP Cần Thơ" do Hiệp hội nước Hà Lan và Tổ chức Blue Deal, Hà Lan tài trợ, tổng vốn viện trợ hơn 574.462 USD; vốn đối ứng trên 146.023 USD.
Về thương mại, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của TP Cần Thơ sang thị trường Hà Lan là 27,9 triệu USD, các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là gạo, thủy sản và thực phẩm chế biến, giày da, hàng may mặc… Kim ngạch nhập khẩu từ Hà Lan khoảng 0,79 triệu USD, mặt hàng nhập khẩu chủ yếu là nguyên liệu dược…
|
Minh Huyền