18/01/2016 - 21:54

Định vị để các trường nâng cao chất lượng

Kiểm định chất lượng (KĐCL) giáo dục là hoạt động đánh giá mức độ đáp ứng các tiêu chuẩn chất lượng giáo dục do Bộ GD&ĐT quy định đối với các trường. Qua đó góp phần định vị để các trường nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo. Hiện nay, các trường đại học, cao đẳng ở TP Cần Thơ đã và đang thực hiện KĐCL giáo dục, từng bước khẳng định thương hiệu đơn vị.

KĐCL giáo dục có lịch sử phát triển lâu dài ở Hoa Kỳ và Bắc Mỹ. Hiện nay, KĐCL giáo dục ngày càng trở nên phổ biến hơn, bởi đây là công cụ hữu hiệu giúp nhiều quốc gia trên thế giới (trong đó có Việt Nam) duy trì các chuẩn mực chất lượng giáo dục và không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học. Thể hiện qua việc tự đánh giá của cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo; đánh giá từ bên ngoài và cuối cùng là công nhận cơ sở đào tạo, chương trình đào tạo đạt tiêu chuẩn KĐCL. Từ năm 2004, dưới sự chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, các trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã triển khai thực hiện hoạt động KĐCL giáo dục và các chương trình đào tạo. Tại TP Cần Thơ, nhiều trường ĐH, CĐ như: ĐH Cần Thơ, ĐH Y Dược Cần Thơ, ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ, CĐ Cần Thơ, CĐ Cơ điện và Nông nghiệp Nam Bộ… thành lập Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí (ĐBCL&KT), với chức năng tham mưu, giúp việc và tư vấn cho Hiệu trưởng về xây dựng và thực hiện kế hoạch ĐBCL&KT, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo của đơn vị.

Đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội là một trong những tiêu chí đảm bảo chất lượng của trường ĐH. Trong ảnh: Giờ học thực hành của cô trò Trường ĐH Kỹ thuật - Công nghệ Cần Thơ.

Đơn cử như Trường CĐ Cần Thơ, hoạt động KĐCL của trường triển khai khá sớm, thể hiện qua việc kiểm tra, đánh giá nội dung chương trình đào tạo, nguồn lực cán bộ, giảng viên, cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy. Trường từng bước xây dựng chương trình đào tạo sát thực tế như: chương trình được đánh giá thông qua nhiều kênh từ học sinh, sinh viên, cựu học sinh, sinh viên đến người sử dụng lao động… Riêng với các ngành sư phạm, trường tăng cường kiểm tra, rà soát, bổ sung nội dung chương trình đào tạo (nhất là ngành sư phạm mầm non, tiểu học) để phù hợp với xu hướng hiện nay là giảng dạy theo mô hình trường học mới, đòi hỏi giáo viên được đào tạo, khi ra trường phải thích ứng tốt với thị trường lao động. Theo kết quả khảo sát sơ bộ của trường, số sinh viên có việc làm sau khi tốt nghiệp chiếm từ 60%-70%. Tiến sĩ Trần Thanh Liêm, Hiệu trưởng Trường CĐ Cần Thơ, cho biết: "Qua hoạt động KĐCL, trường biết đang thiếu tiêu chí nào về đội ngũ giảng dạy hoặc cơ sở vật chất để bổ sung, hoàn thiện. Trước đây, đội ngũ cán bộ giảng dạy của trường còn hạn chế về số lượng, chất lượng. Hiện nay, qua kết quả KĐCL lần 1, trường có 230 giảng viên/ 320 cán bộ giảng viên có trình độ sau ĐH, trong đó có 7 tiến sĩ, 129 thạc sĩ". Theo Tiến sĩ Trần Thanh Liêm, nổi bật trong công tác KĐCL là việc sinh viên đánh giá giảng viên, giúp giảng viên tự điều chỉnh phương pháp giảng dạy phù hợp để tiết học đạt hiệu quả hơn. Tất nhiên, khi mới triển khai, trường gặp không ít khó khăn bởi giảng viên tự ái; sinh viên đánh giá theo cảm tính… Tuy nhiên, hoạt động này dần đi vào nề nếp, ngày càng phát huy hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo.

Tương tự, tại Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, bên cạnh việc công khai chất lượng trên website của trường về: Tài chính, cơ sở vật chất, đội ngũ giảng dạy, chuẩn đầu ra chương trình đào tạo…, năm học 2014-2015, trường khai thác phần mềm quản lý, không chỉ hỗ trợ sinh viên đăng ký, xem kết quả môn học mà có thể đánh giá công tác giảng dạy của cán bộ, giảng viên. Trước khi xem kết quả học tập mỗi cuối học kỳ, sinh viên phải hoàn tất phần đánh giá tình hình dạy và học của trường (cụ thể ở các mục về cơ sở vật chất, giảng viên…), với nhiều mức độ như: rất hài lòng - hài lòng - không hài lòng. Trong các mục đánh giá có phần nhận xét giảng viên; nếu học phần nào giảng viên dạy gần gũi, dễ hiểu thì sinh viên đánh dấu phần rất hài lòng, hài lòng hoặc ngược lại. Theo Lê Thị Yến Nhi, sinh viên ngành Kỹ thuật hệ thống công nghiệp, việc sinh viên đánh giá giảng viên phát huy dân chủ trong trường học, giúp sinh viên thụ hưởng tốt hơn kiến thức đã học. Còn theo Tiến sĩ Dương Thái Công, Hiệu trưởng Trường ĐH Kỹ thuật- Công nghệ Cần Thơ, trong hoạt động KĐCL của cơ sở giáo dục đại học có tiêu chí sinh viên đánh giá giảng viên nhằm tạo thêm kênh thông tin giúp giảng viên điều chỉnh hoạt động giảng dạy và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người dạy lẫn người học.

Đối với Trường ĐH Cần Thơ, Trung tâm ĐBCL&KT của trường đã thực hiện việc lấy ý kiến các bên liên quan nhằm thu thập thông tin phục vụ công tác KĐCL khá lâu. Cụ thể, lấy ý kiến: sinh viên về giảng dạy học phần; sinh viên tốt nghiệp về chương trình đào tạo; học viên tốt nghiệp về chương trình đào tạo và khảo sát nhu cầu xã hội về chương trình đào tạo dự kiến. Kết quả khảo sát từ sinh viên tốt nghiệp về chương trình đào tạo năm 2015 cho thấy, có 47,49% sinh viên tốt nghiệp trả lời "đã có việc làm bán thời gian hay toàn thời gian năm học cuối"; 30,17% cho rằng "sẽ tìm được việc làm trước khi nhận bằng tốt nghiệp" và 58,72% dự định "học lên trình độ cao hơn tại Trường ĐH Cần Thơ"… Từ những thông tin phản hồi của sinh viên, học viên sẽ giúp nhà trường nắm thông tin sinh viên tìm được việc làm cũng như ghi nhận ý kiến các bên để điều chỉnh, bổ sung nội dung chương trình đào tạo phù hợp thực tế, đáp ứng nhu cầu xã hội.

Qua việc KĐCL giúp các trường nỗ lực nhiều hơn trong hoạt động dạy và học. Theo lãnh đạo các trường, nguồn lực đủ đáp ứng quy mô đào tạo hiện tại, chưa thể đáp ứng nhu cầu phát triển đơn vị sắp tới, nên rất cần các cơ quan chủ quản quan tâm đầu tư nhiều hơn. Mặt khác, việc khảo sát sinh viên ra trường tìm việc làm còn bất cập, bởi các trường chỉ thống kê con số tương đối, thông qua kênh điện thoại, phiếu khảo sát online hay trao đổi khi sinh viên về trường nhận bằng tốt nghiệp… nên thiếu tính bền vững. Sắp tới, các trường tiếp tục kiện toàn bộ máy tổ chức, bổ sung trang thiết bị giảng dạy; đồng thời cải tiến phương pháp thu thập thông tin sinh viên tốt nghiệp ra trường tìm việc làm và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đơn vị sử dụng lao động… nhằm hoàn thiện các tiêu chí ĐBCL. Từ đó, trường hoàn thành đánh giá ngoài và đề xuất Bộ GD&ĐT kiểm tra, công nhận chất lượng, là tiêu chí quan trọng tạo lòng tin đối với xã hội về chất lượng đào tạo.

Bài, ảnh: B.Kiên

Chia sẻ bài viết