06/12/2020 - 12:39

Dinh dưỡng - yếu tố giúp khắc phục tình trạng thừa estrogen 

Thừa estrogen là bệnh lý khiến hàm lượng hoóc-môn sinh dục nữ này trong cơ thể tăng cao và dẫn tới nhiều vấn đề sức khỏe, bao gồm ung thư vú, ung thư buồng trứng và hội chứng buồng trứng đa nang. Tuy vậy, chuyên gia cho biết chúng ta có thể kiểm soát hàm lượng estrogen bằng việc điều chỉnh chế độ dinh dưỡng hằng ngày.

Lựa chọn thực phẩm thích hợp có thể giúp cân bằng lượng estrogen trong cơ thể. Ảnh: Pink

Lựa chọn thực phẩm thích hợp có thể giúp cân bằng lượng estrogen trong cơ thể. Ảnh: Pink

Nồng độ estrogen ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe?

Estrogen có 3 loại chính là estrone (E1), estradiol (E2) và estriol (E3). Trong đó, estradiol là loại estrogen có hoạt tính sinh học và hàm lượng nhiều nhất ở phụ nữ độ tuổi sinh con, bởi buồng trứng là “nhà máy” sản xuất estradiol trong cơ thể. Không chỉ cần thiết cho sức khỏe sinh sản, estrogen còn đóng vai trò trong nhiều hệ thống khác, như hệ miễn dịch, hệ mạch máu, thần kinh nội tiết và hệ xương.

Quan trọng là vậy, nhưng thừa estrogen có thể làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh. Tương tự, hàm lượng thấp nội tiết tố nữ này cũng gây hại tới sức khỏe.

Cách ăn uống có liên quan với hàm lượng cao estrogen

Các nhà khoa học chứng minh rằng một số chế độ ăn dễ gây thừa estrogen và tăng nguy cơ mắc các bệnh liên quan đến tình trạng mất cân bằng hoóc-môn này. Ví dụ, nhiều nghiên cứu phát hiện chế độ ăn truyền thống của phương Tây (với đặc điểm là tiêu thụ nhiều thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn, đồ ngọt, chế phẩm từ sữa và ngũ cốc tinh chế) có liên quan đến hàm lượng estrogen cao hơn. Bên cạnh đó, một bản đánh giá 32 nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn phương Tây có thể làm tăng 14% nguy cơ ung thư vú, trong khi chế độ ăn giàu rau quả giúp giảm 18% nguy cơ này. Các chuyên gia cho rằng, tác động tăng nguy cơ ung thư vú là do chế độ ăn phương Tây làm tăng nồng độ estrogen và mỡ cơ thể.

Một lưu ý quan trọng khác là ở phụ nữ tuổi mãn kinh, hoạt động sản xuất estrogen ở buồng trứng dừng lại, khiến cho mô mỡ trở thành nguồn cung estrogen chính. Đây là lý do vì sao phụ nữ mãn kinh béo phì thường bị thừa estrogen và tăng nguy cơ ung thư vú.

Những chế độ ăn giúp duy trì hàm lượng estrogen có lợi

Nghiên cứu cho thấy những chế độ ăn tập trung vào thực phẩm giàu dưỡng chất và nguyên vẹn - đặc biệt là rau củ và trái cây - giúp duy trì hàm lượng lành mạnh về estrogen, đồng thời giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Điển hình như các chế độ ăn sau:

+ Chế độ ăn Địa Trung Hải. Chế độ ăn khuyến khích dùng nhiều cá, rau quả, các loại đậu nhưng hạn chế nghiêm ngặt thịt đỏ, thức ăn chế biến sẵn nhiều dầu mỡ. Chế độ này được chứng minh giúp duy trì nồng độ estrogen khỏe mạnh. Hơn nữa, đặc điểm giàu chất xơ của chế độ ăn Địa Trung Hải có chứa hàm lượng cao phytoestrogen. Đây là hợp chất thực vật hoạt động tương tự như estrogen, thường có trong đậu nành, các loại đậu, ngũ cốc và rau quả.

+ Chế độ ăn giàu chất xơ. Nghiên cứu cho thấy chế độ ăn giàu chất xơ, đặc biệt là chứa nhiều ngũ cốc nguyên hạt, có thể giúp giảm mức độ estrogen và phòng chống nhiều bệnh ung thư liên quan đến hàm lượng cao estrogen. Theo đó, ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều chất xơ có thể làm giảm hấp thụ cholesterol (tiền thân của estrogen), từ đó làm giảm nồng độ estrogen trong máu. Ăn nhiều chất xơ cũng dẫn đến giảm hấp thu estrogen ở ruột kết và tăng bài tiết estrogen qua phân.

+ Chế độ ăn dựa trên thực vật. Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng người theo chế độ ăn thuần chay hoặc bán chay có mức estrogen thấp hơn và giảm nguy cơ mắc một số bệnh ung thư liên quan đến tăng estrogen. Cũng nhờ dồi dào các loại rau quả, đậu, chế độ ăn dựa trên thực vật có thể giúp thúc đẩy mức độ estrogen khỏe mạnh, trong khi chứa ít chất béo bão hòa hơn nên không làm tăng nồng độ estrogen.

Ngoài việc áp dụng các chế độ ăn kể trên, một số mẹo có thể làm giảm hàm lượng estrogen là giảm mỡ thừa, tập thể dục, hạn chế dùng tinh bột tinh chế và thực phẩm chế biến sẵn, không dùng thức uống chứa cồn.

AN NHIÊN (Theo Healthline)

Chia sẻ bài viết