24/08/2012 - 15:26

Bệnh suy tĩnh mạch chi dưới

Điều trị sớm, tránh hậu quả khôn lường

Bác sĩ CKI Phạm Văn Phương đang tư vấn cho bệnh nhân suy tĩnh mạch.

Ngày nay, nhiều người làm việc trong môi trường tĩnh tại, ít vận động cùng với chế độ ăn uống, sinh hoạt không hợp lý dễ dẫn đến mắc phải bệnh lý suy giãn tĩnh mạch, từ cấp độ đơn giản đến cấp độ phức tạp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và tính mạng. Tuy nhiên, người bệnh sẽ ngăn chặn được diễn tiến của bệnh nếu phát hiện bệnh sớm, điều trị kịp thời, theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ.

* Kịp thời xác định bệnh trạng

Chị Hà Thị Thúy ( ở phường Trà Nóc, quận Bình Thủy) làm nhân viên văn phòng, thường xuyên có những triệu chứng như nhức chân, hai chân tê buốt, chuột rút ban đêm, rất khó chịu, mệt mỏi, ảnh hưởng chất lượng công việc cũng như cuộc sống hằng ngày. Chị chưa đi khám bác sĩ lần nào, chỉ uống thêm viên bổ sung can xi nhưng không thấy thuyên giảm, chân nổi gân xanh, có cảm giác chân nặng dần vào lúc chiều tối, đến sáng thì thấy đỡ hơn. Mới đây, chị Thúy quyết định đi khám, bác sĩ cho biết, chị bị suy giãn tĩnh mạch, yêu cầu chị siêu âm mạch máu để biết chính xác tình trạng bệnh và có hướng điều trị phù hợp.

Tương tự chị Thúy, chị Trần Kim Mai (ở tỉnh Vĩnh Long) đang làm việc ở một công ty in, do yêu cầu, chị phải đứng làm việc liên tục trong thời gian dài. Ngoài ra, trong lúc mang thai đứa con thứ 2, chị Mai tăng cân nhanh, chân hay bị chuột rút, nổi gân xanh, tê buốt, đau xốn và nhức mỏi... và được bác sĩ cho biết, đó là những dấu hiệu của bệnh suy tĩnh mạch.

Trong chương trình tư vấn, khám và điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch của Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho bà con thuộc các tỉnh ĐBSCL, Bác sĩ Chuyên khoa I (CKI) Phạm Văn Phương, Phó khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, cho biết, suy tĩnh mạch là bệnh phổ biến trong cộng đồng. Mặc dù bệnh không nguy hiểm, tuy nhiên, nếu bệnh nhân không sớm phát hiện và điều trị đúng cách, sẽ dẫn đến những biến chứng nặng nề, như: loét hoại tử chân có thể dẫn đến cắt bỏ chân hoặc huyết khối tĩnh mạch trôi về gây thuyên tắc mạch máu phổi, có thể dẫn đến tử vong đột ngột, đồng thời gây khó khăn cho bác sĩ trong quá trình điều trị. Có 2 nguyên nhân gây bệnh là suy tĩnh mạch nguyên phát và thứ phát (thứ phát là do bệnh lý đi kèm gây nên); trong đó, suy tĩnh mạch nguyên phát chiếm khoảng 70% số bệnh nhân mắc bệnh. Điều đó có nghĩa là, bệnh có tính chất di truyền, nếu cha hoặc mẹ bị bệnh suy tĩnh mạch thì con cái có thể sẽ bị bệnh suy tĩnh mạch giống như cha, mẹ nếu tiếp xúc với yếu tố thuận lợi. Ngoài ra, còn có nhiều yếu tố khác dẫn đến bệnh, chẳng hạn: Về yếu tố giới tính, nữ thường mắc bệnh suy tĩnh mạch hơn nam; yếu tố vận động, người ít vận động cùng với chế độ ăn uống ít chất xơ cũng dễ dẫn đến bệnh. Đặc biệt, về yếu tố công việc, nếu đứng lâu, ngồi lâu, đi lại chậm trong phạm vi hẹp, lười vận động,... cũng là tiền đề cho bệnh phát triển. Ngoài ra, đối với người bị bệnh béo phì, có thể trạng mập hay bệnh nhân nằm điều trị lâu dài... cũng là những nguyên nhân dẫn đến bệnh suy tĩnh mạch. Tuy nhiên, khá nhiều trường hợp, bệnh nhân không biết mình bị bệnh hoặc khám bác sĩ không thuộc chuyên khoa mạch máu cũng dễ bị bỏ sót, từ đó phát hiện bệnh trễ, dẫn đến nhiều biến chứng, gây khó khăn trong điều trị.

Trong quá trình thăm khám cho bệnh nhân, bên cạnh việc quan sát biểu hiện bệnh ngoài da, cùng những triệu chứng bệnh nhân gặp phải, bác sĩ yêu cầu bệnh nhân siêu âm mạch máu để đánh giá chính xác tình trạng suy tĩnh mạch của bệnh nhân, để có cách điều trị kịp thời, hợp lý. Các bác sĩ chuyên khoa ngoại mạch máu thường phân cấp độ bệnh, từ cấp độ 0 đến cấp độ 6, với các mức độ như: cấp độ 0: gần như bình thường, chỉ có cảm giác nặng chân; cấp độ 1: giãn tĩnh mạch xa, tĩnh mạch giãn hình mạng nhện; cấp độ 2: giãn tĩnh mạch rất rõ; cấp độ 3: phù, thay đổi màu da; cấp độ 4: da sạm, phù chân, cảm giác ngứa, chàm hóa; cấp độ 5: các dấu hiệu trên kèm theo loét đã lành; cấp độ 6: loét không lành. Khi bệnh nhân để tình trạng bệnh ở cấp độ có biểu hiện loét thì rất nguy hiểm, không điều trị kịp thời có thể phải cưa bỏ chân bị loét. Tuy nhiên, tránh nhầm lẫn giữa các triệu chứng của bệnh suy tĩnh mạch với một số bệnh lý khác như: phù bạch huyết, huyết khối tĩnh mạch sâu, phù chân voi, phù do các bệnh lý nội khoa,... Ngoài ra, không phải tình trạng loét da nào cũng là dấu hiệu của bệnh suy tĩnh mạch, mà đó có thể là dấu hiệu của loét do tắc động mạch; loét do bệnh lý tiểu đường hoặc do yếu tố thần kinh... Việc phân biệt các dấu hiệu, triệu chứng, giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác bệnh trạng để có hướng điều trị thích hợp.

* Lời khuyên của bác sĩ

Để trả lại đôi chân bình thường cho bệnh nhân suy giãn tĩnh mạch, các bác sĩ áp dụng nhiều biện pháp điều trị tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân như: điều trị nội khoa, đeo vớ thun hoặc băng thun; chích xơ, đốt lazer hoặc phẫu thuật rút bỏ tĩnh mạch. Người bệnh suy tĩnh mạch, khi ngủ nên để chân cao hơn thân mình, giúp máu hồi lưu tốt, giảm diễn tiến của bệnh. Tuy nhiên, với phương châm phòng bệnh hơn chữa bệnh, Bác sĩ CKI Phạm Văn Phương khuyên, đối với những người làm việc lâu trong môi trường ít vận động nên tranh thủ thay đổi tư thế làm việc, hạn chế tình trạng đứng quá lâu hoặc ngồi quá lâu. Đồng thời, bác sĩ cũng khuyên, mọi người, trong đó có bệnh nhân suy tĩnh mạch, nên duy trì thực hiện chế độ luyện tập thể dục, cải thiện khẩu phần ăn có nhiều chất xơ, để sức khỏe mau hồi phục, giữ đôi chân luôn được khỏe mạnh, rắn chắc.

Bài, ảnh: THU SƯƠNG

Chia sẻ bài viết