21/10/2011 - 21:13

Điều kiện để di chúc hợp pháp

Hỏi: Tôi không hiểu rõ những quy định của pháp luật về di chúc. Xin hỏi: di chúc phải tuân thủ những điều kiện gì để được coi là di chúc hợp pháp? Việc công chứng di chúc được pháp luật quy định như thế nào?

Lê Thị Tuyết Ngôn
(phường Thới An Đông, quận Bình Thủy, TPCT)


Thắc mắc của bạn được Luật sư Nguyễn Thị Hoàng, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ, giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 652 Bộ luật Dân sự, di chúc được coi là hợp pháp, có giá trị pháp lý thì việc lập di chúc phải tuân thủ đầy đủ các điều kiện sau:

- Người để lại di sản lập di chúc ở trạng thái minh mẫn, sáng suốt. Lập di chúc là hành vi của chủ sở hữu (chủ sử dụng tài sản) định đoạt tài sản của mình nên chủ sở hữu phải nhận thức được và làm chủ được hành vi đó khi thực hiện quyền định đoạt của chủ sở hữu. Điều kiện minh mẫn, sáng suốt trong lập di chúc là điều kiện đầu tiên, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá di chúc có giá trị pháp lý hay không, nhằm đảm bảo tính chính xác theo ý chí của người để lại di sản;

- Người để lại di sản lập di chúc hoàn toàn tự nguyện, không bị chi phối về tinh thần, tâm lý hoặc thể chất bởi thủ đoạn hay hành vi lừa dối, đe dọa hoặc cưỡng ép của người khác mà phải lập di chúc;

- Nội dung của di chúc không trái pháp luật; không trái đạo đức xã hội;

- Hình thức của di chúc không trái quy định của pháp luật.

Di chúc của người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi được coi là hợp pháp là di chúc bằng văn bản thỏa mãn các điều kiện trên và được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ.

Di chúc của người bị hạn chế về thể chất hoặc của người không biết chữ phải được người làm chứng lập thành văn bản có công chứng, chứng thực.

Di chúc miệng được coi là hợp pháp, nếu người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng của mình trước mặt ít nhất hai người làm chứng và ngay sau đó những người làm chứng ghi chép lại, cùng ký tên hoặc điểm chỉ. Bản di chúc này phải được công chứng hoặc chứng thực trong thời hạn 5 ngày, kể từ ngày người di chúc miệng thể hiện ý chí cuối cùng.

Đối với việc công chứng di chúc: người lập di chúc phải tự mình yêu cầu công chứng di chúc; không ủy quyền cho người khác yêu cầu công chứng di chúc (theo Điều 48 Luật Công chứng). Do vậy, người lập di chúc không thuộc các trường hợp được yêu cầu công chứng ngoài trụ sở tổ chức hành nghề công chứng phải tự mình đến tổ chức hành nghề công chứng yêu cầu công chứng viên công chứng di chúc, chứ không thể nhờ người khác đem di chúc lập sẵn đến tổ chức hành nghề công chứng yêu cầu công chứng.

PHƯƠNG DUNG (thực hiện)

Chia sẻ bài viết