Những gia vị cay nóng như ớt và tiêu không chỉ giúp món ăn ngon miệng hơn, kích thích vị giác người dùng, mà còn tốt cho sức khỏe. Hóa chất capsaicin trong ớt được phát hiện có hoạt tính như thuốc giảm đau tự nhiên, trong khi việc thường xuyên ăn đồ cay có thể giúp kéo dài tuổi thọ. Tuy vậy, thói quen ăn cay cũng có thể gây ra các vấn đề tiêu hóa và rủi ro sức khỏe cho một số người. Dưới đây là những tác động tích cực và tiêu cực của việc thường xuyên ăn đồ cay nóng đối với cơ thể:
Thức ăn cay chỉ có lợi khi được tiêu thụ ở lượng vừa phải. Ảnh: Getty Images
Giảm nguy cơ loét dạ dày
Mặc dù capsaicin thường được cho là nguyên nhân gây loét bao tử, nhưng Tiến sĩ Leann Poston - chuyên gia tại Hãng chăm sóc sức khỏe từ xa Invigor Medical (Mỹ) - cho biết điều đó không hẳn đúng hoàn toàn. Theo bà Poston, nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng hóa chất tạo ra vị cay cho ớt này giúp ức chế sản xuất axít, tăng lưu lượng máu đến dạ dày và dịch nhầy trong đường tiêu hóa - đều là những yếu tố làm giảm nguy cơ loét dạ dày.
Khó tiêu
Bà Poston cho biết tuy thức ăn cay không phải là nguyên nhân gây loét dạ dày, nhưng có thể kích hoạt hoặc làm nặng thêm chứng trào ngược axít, gây khó tiêu và ợ chua. Còn theo chuyên gia dinh dưỡng Celine Beitchman tại Viện Giáo dục Ẩm thực (Mỹ), thức ăn cay có thể khiến cơ vòng - phần cơ nhỏ ngăn cách thực quản với bao tử - bị chùng xuống và vẫn mở thay vì cần đóng lại, dẫn đến trào ngược axít ở đường tiêu hóa trên.
Ngoài ra, một số bằng chứng cho thấy ăn đồ cay nhiều lần trong tuần có thể làm tăng triệu chứng của Hội chứng ruột kích thích (IBS). Do đó, những người mắc các vấn đề tiêu hóa như IBS, bệnh Crohn, Celiac, viêm loét đại tràng hoặc trào ngược axít cần hạn chế dùng các món cay.
Hỗ trợ giảm cân
Một số hợp chất phổ biến trong thức ăn cay có công dụng hỗ trợ giảm cân, bằng cách giảm sự thèm ăn và tăng cường tiêu hao năng lượng. Tiến sĩ tâm thần dinh dưỡng Uma Naidoo cho biết capsaicin có nhiều lợi ích cho hoạt động trao đổi chất, đặc biệt là giúp giảm cân ở người béo phì. Đơn cử, một nghiên cứu cho thấy những người dung nạp capsaicin trước khi ăn đã tiêu thụ ít hơn 74 calo từ bữa ăn. Một nghiên cứu khác cũng phát hiện dung nạp capsaicin giúp cơ thể đốt cháy thêm khoảng 50 calo/ngày - lợi ích được nhận định là có thể giúp giảm cân đáng kể trong 1-2 năm. Nhiều bằng chứng khác cho thấy capsaicin và các chất khác trong ớt giúp tăng cường quá trình tiêu hao mỡ cơ thể.
Cải thiện sức khỏe tim mạch
Theo Tiến sĩ Carrie Lam, những người sống tại nơi có nền văn hóa ẩm thực ưa chuộng món cay được phát hiện ít mắc các bệnh lý tim mạch như đột quỵ và đau tim. Đa số các loại ớt cay mà họ ăn được cho là giúp giảm nồng độ cholesterol và chống viêm trong cơ thể. Không chỉ vậy, capsaicin còn có thể ức chế một gien gây hẹp động mạch, từ đó làm tăng lưu lượng máu trong mạch máu nên cũng làm giảm huyết áp và ngăn ngừa đông máu. Còn theo Viện Mayo (Mỹ), đặc tính kháng viêm của capsaicin rất tốt cho sức khỏe tim mạch, vì tình trạng viêm dẫn đến tích tụ mảng bám trong thành mạch máu, gây ra nhiều vấn đề tim mạch.
Ngoài ra, ớt còn chứa nhiều vitamin A và C, những dưỡng chất tăng cường sức mạnh cho thành cơ tim. Vì thế, ăn cay giúp bạn củng cố sức khỏe hệ tim mạch.
Giảm nguy cơ ung thư
Các nhà nghiên cứu phát hiện, capsaicin thuộc nhóm phân tử sở hữu một siêu năng lực đáng kinh ngạc: đó là có thể liên kết với prôtêin trong các tế bào khối u và tiêu diệt chúng, mà không gây hại cho các tế bào khỏe mạnh xung quanh. Một nghiên cứu hồi năm 2006 cũng chứng tỏ capsaicin thực sự thúc đẩy các tế bào ung thư tuyến tiền liệt “tự tử”. Còn theo một nghiên cứu khác, capsaicin có thể kích hoạt các thụ thể tế bào trong niêm mạc ruột của chuột, từ đó làm giảm nguy cơ phát triển khối u. Một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Harvard (Mỹ) cho thấy rằng những người thường xuyên ăn ớt đã giảm 8% nguy cơ ung thư.
Giải nhiệt
Nghe có vẻ nghịch lý, nhưng chuyên gia Trista Best cho biết lợi ích này là do thức ăn cay thúc đẩy quá trình đổ mồ hôi mặt, khiến bạn cảm thấy mát hơn sau khi ăn.
Tăng cường hệ miễn dịch
Cũng nhờ tác dụng chống ôxy hóa và kháng viêm siêu mạnh, capsaicin có thể giúp hệ miễn dịch chống lại nguy cơ nhiễm trùng.
Cải thiện tâm trạng
Theo một nghiên cứu của Đại học Northwestern (Mỹ), capsaicin kích hoạt các tín hiệu đánh lừa não bộ nghĩ rằng bạn đang bị đau. Để phản hồi, bộ não sẽ tiết ra những hoóc-môn mang lại cảm giác vui vẻ và phấn chấn hơn để đối phó cơn đau, như endorphin chẳng hạn.
AN NHIÊN (Theo Eatthis.com)