16/05/2018 - 20:48

Điều chỉnh lối sống, phòng ngừa bệnh tăng huyết áp 

BSCKII  DƯƠNG PHƯỚC LONG  
(Trung tâm Y tế Dự phòng TP Cần Thơ)

Việt Nam hiện có khoảng 12 triệu người bị tăng huyết áp (cứ khoảng 5 người trưởng thành thì có 1 người bị tăng huyết áp); đặc biệt, hơn phân nửa số người này không biết mình đang bị mắc bệnh và trên 80% chưa được điều trị. Hiệp hội tăng huyết áp Thế giới chọn ngày 17-5 hằng năm là Ngày thế giới phòng, chống tăng huyết áp, nhằm nâng cao hiểu biết của cộng đồng về gánh nặng bệnh tật và các biện pháp phòng, chống hiệu quả bệnh lý này.

Nhân viên y tế đo huyết áp cho người dân tại Trạm Y tế phường Thới An Đông, quận Bình Thủy. Ảnh: H.HOA

Tăng huyết áp gây nên biến chứng nặng nề như tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, mù lòa… Hiện nay, y học đã chứng minh có một số yếu tố nguy cơ gây nên bệnh tăng huyết áp, như: hút thuốc, tiểu đường, rối loạn mỡ máu, tiền sử gia đình có người tăng huyết áp, tuổi cao, thừa cân- béo phì, uống nhiều bia rượu, ít vận động thể lực, nhiều stress (căng thẳng, lo âu quá mức), ăn mặn quá mức, ăn nhiều chất béo. Có một số yếu tố nguy cơ không thể can thiệp được như tuổi tác, tiền sử gia đình, nhưng rất nhiều yếu tố nguy cơ có thể can thiệp được như chế độ ăn, hút thuốc, thừa cân, vận động thể lực… Thực hiện lối sống lành mạnh là một biện pháp chính và trước tiên để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp cũng như góp phần điều trị bệnh này.

Điều chỉnh lối sống lành mạnh bao gồm các vấn đề:

Giảm cân ở người thừa cân hoặc béo phì: Nếu tăng 5-10kg cân nặng so với tiêu chuẩn sẽ làm tăng gấp đôi nguy cơ xuất hiện tăng huyết áp. Tăng cân trong thời gian dài là yếu tố nguy cơ (48%) khả năng mắc bệnh, nguy cơ này tăng dần ở phụ nữ tuổi mãn kinh; ở những người bụng to với vòng bụng trên 85cm ở nữ và trên 98cm ở nam. Ở người thừa cân hoặc béo phì, cứ giảm 10kg cân nặng sẽ giảm được 5-10mmHg mức huyết áp tâm thu.

Ăn nhiều rau, trái cây; ít chất béo: Nên ăn 3 bữa/ngày với khoảng một nửa thực phẩm là chất bột (như cơm), rau xanh và trái cây. Không dùng nhiều mỡ và chất ngọt; ăn nhiều chất xơ hòa tan (các loại đậu; trái cây: táo, bơ). Giảm mỡ bão hòa như mỡ động vật, dầu dừa, dầu cọ; thay vào đó, dùng dầu ăn ít bão hòa như dầu nành. Khẩu phần ăn hằng ngày không quá 1/10 mỡ bão hòa. Nên ăn chất béo có nguồn gốc thực vật như: dầu thực vật, dầu mè, dầu hướng dương. Acid béo có trong cá là omega-3 và các loại hạt có tác dụng hạ cholesterol xấu và giảm nguy cơ làm máu đông. Thịt, trứng có nhiều mỡ bão hòa làm gia tăng lượng cholesterol xấu (LDL), giảm lượng cholesterol tốt (HDL). Tuân thủ chế độ ăn như trên có thể làm giảm huyết áp từ 8-14mmHg. Nhiều nghiên cứu cho thấy chất xơ trong rau quả và các loại ngũ cốc như gạo lứt, đậu có tác dụng chuyển hóa chất béo và làm hạ huyết áp. 

Chế độ giảm muối, giàu kali và canxi: Nhu cầu muối ăn trung bình là 15g/ngày, trong đó 10g có sẵn trong thực phẩm tự nhiên, nên chỉ cần 5g mỗi ngày (tương đương 1 muỗng cà phê nhỏ cho một người lớn). Người làm việc nặng nhọc, ra nhiều mồ hôi thì cần nhiều hơn một chút. Sử dụng món ăn hằng ngày phải tính muối trong nước chấm, nước mắm nêm trong đồ ăn và thực phẩm đã chứa muối sẵn. Nên tập thói quen ăn nhạt cho cả nhà, nhất là bắt đầu từ trẻ em; từng bước giảm dần thói quen ăn mặn trong bữa cơm cho mình và các thành viên trong gia đình. 

Tăng cường hoạt động thể lực: Hoạt động thể lực chỉ cần vừa phải và đều dặn như đi bộ nhanh, bơi lội. Thực hiện hằng ngày hoặc 3-4 lần mỗi tuần, mỗi lần ít nhất 30 phút. Hoạt động thể lực còn làm giảm nguy cơ đái tháo đường.

Thuốc lá và bia rượu: bỏ hẳn thuốc lá, hạn chế bia rượu. Thuốc lá có chất kích thích hệ giao cảm làm co mạch gây tăng huyết áp. Người đang điều trị bằng thuốc hạ áp thì uống bia rượu quá mức sẽ làm giảm tác dụng của thuốc. Người ta thấy rằng nếu dùng một lượng rượu nhỏ hằng ngày lại có tác dụng tốt cho tim mạch và có thể làm giảm huyết áp từ 2-4mmHg, nhưng nếu dùng nhiều lại có tác dụng ngược lại. Mỗi ngày không nên uống quá 2 cốc nhỏ rượu, phụ nữ nếu uống phải uống ít hơn.

Thực hiện lối sống hợp lý để phòng chống bệnh tăng huyết áp là việc hoàn toàn có thể thực hiện tại gia đình, là phương pháp không tốn kém lại khả thi. Đặc biệt đo huyết áp thường xuyên là biện pháp đơn giản và quan trọng nhất để phát hiện sớm bệnh tăng huyết áp. Hãy nhớ số đo huyết áp như nhớ số tuổi của mình. 

Chia sẻ bài viết