20/02/2017 - 21:35

Diễn biến khó lường trên bán đảo Triều Tiên

Tình hình trên bán đảo Triều Tiên được dự báo trở nên khó đoán, sau khi Trung Quốc ra lệnh cấm nhập khẩu than từ CHDCND Triều Tiên, giữa lúc Mỹ và Hàn Quốc đang chuẩn bị cho cuộc tập trận quân sự chung vào tháng 3 tới.

Trong tuyên bố hôm 18-2, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết nước này sẽ ngừng hoàn toàn việc nhập than của Triều Tiên kể từ ngày 19-2 cho đến cuối năm 2017. Cơ quan này nói thêm, quyết định trên tuân thủ nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc (LHQ) hồi tháng 11-2016 đối với chương trình hạt nhân và tên lửa của Bình Nhưỡng.

Than từ Triều Tiên thường được tập kết tại cảng Đan Đông, thành phố biên giới Đan Đông thuộc tỉnh Liêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Hồi tháng 4-2016, LHQ cũng từng áp lệnh trừng phạt nghiêm ngặt nhất đối với Triều Tiên. Song, Trung Quốc vẫn nhập khẩu than từ Bình Nhưỡng, thậm chí tăng 14,5% so với những năm trước. Do vậy, tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng của Hồng Công trích nhận định của giới quan sát cho rằng lệnh cấm nhập khẩu than mới đây là cách Trung Quốc phản ứng trước chỉ trích của Mỹ và Hàn Quốc rằng Bắc Kinh đã "không làm đủ" để gây sức ép buộc Bình Nhưỡng dừng các vụ thử tên lửa. Đây cũng là tín hiệu cho thấy Trung Quốc có thể hợp tác với các nước khu vực trong nỗ lực kiềm chế chương trình tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa đạn đạo hồi tuần rồi.

Theo Giáo sư Wang Sheng chuyên về quan hệ quốc tế tại Đại học Cát Lâm (Trung Quốc), động thái của Bắc Kinh một mặt là nhằm thuyết phục Washington và Seoul hạ nhiệt căng thẳng bằng cách chấm dứt các hoạt động khiêu khích Triều Tiên, bao gồm kế hoạch triển khai Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD). Trước đó, Bắc Kinh đã nhiều lần phản đối kế hoạch của Mỹ và Hàn Quốc triển khai THAAD vào cuối năm nay khi cho rằng hệ thống này đe dọa an ninh của Trung Quốc và không có lợi cho việc giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên. Giáo sư Wang còn cho biết Trung Quốc thông qua lệnh cấm cũng muốn Bình Nhưỡng nhận thức tình hình sẽ diễn biến nghiêm trọng, qua đó hy vọng các bên trở lại bàn đàm phán ngoại giao.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích an ninh Zhang Baohui thuộc Đại học Lĩnh Nam của Hồng Công cho biết xuất khẩu than là một trong những nguồn thu ngoại tệ lớn nhất của Bình Nhưỡng và động thái của Trung Quốc chắc chắn tác động tiêu cực tới nền kinh tế của Triều Tiên. Diễn biến này có thể càng khiến Bình Nhưỡng có hành động khiêu khích hơn nữa, đặc biệt khi Mỹ đang có kế hoạch điều hàng loạt vũ khí chiến lược tới bán đảo Triều Tiên trong khuôn khổ tập trận thường niên chung với Hàn Quốc.

Theo kế hoạch, các lực lượng Mỹ và Hàn Quốc sẽ tham gia 2 cuộc tập trận quân sự lớn là Giải pháp then chốt (Key Resolve) và Đại bàng non (Foal Eagle) vào tháng 3 tới. Mục tiêu là tăng cường tính sẵn sàng và kiểm tra khả năng phòng thủ liên minh Mỹ - Hàn trước nguy cơ tấn công tên lửa từ Triều Tiên. Ngoài cụm tàu sân bay tác chiến USS Carl Vinson đang tham gia các hoạt động tuần tra theo thông lệ ở Biển Đông, nhiều khả năng Mỹ sẽ triển khai chiến đấu cơ tàng hình F-22, tàu ngầm hạt nhân cùng máy bay ném bom hạt nhân B-1 và B-2 trong cuộc tập trận sắp tới.

MAI QUYÊN (Tổng hợp)

Chia sẻ bài viết