12/03/2016 - 15:37

ĐIỆN ẢNH - Kênh quảng bá “vàng” cho du lịch

Tận dụng nghệ thuật sử dụng hình ảnh và ánh sáng của điện ảnh và những nhân vật có tầm ảnh hưởng để giới thiệu cảnh sắc, điểm đến, sản phẩm du lịch- đó là cách mà nhiều quốc gia trên thế giới đã dùng để tạo những bước phát triển nhảy vọt cho ngành công nghiệp không khói.

Từ hiệu ứng phim ảnh

Điện ảnh đang là công cụ quảng bá hữu hiệu cho ngành du lịch và nhiều quốc gia trên thế giới rất coi trọng vai trò của điện ảnh trong phát triển nền công nghiệp không khói. Những cảnh quay đẹp trong khung cảnh tuyệt sắc là yếu tố làm nên thành công của một bộ phim. Khi xem cảnh đẹp trên phim, khán giả không tránh khỏi ý nghĩ muốn tới địa danh đó để ngắm tận mắt. Từ nhu cầu này, nhiều công ty du lịch thiết kế nhiều hành trình theo dấu các nhân vật chính của những bộ phim đình đám. Đặc biệt, những điểm đến và quốc gia xuất hiện trong các bộ phim đều được công chúng yêu thích thì ngành du lịch càng tăng trưởng theo cấp số nhân.

Làng Hobbiton thu hút đông đảo du khách đến tham quan.

Còn nhớ, ngành du lịch của New Zealand kiếm bộn nhờ việc quảng bá du lịch qua phim "The Lord of the Ring". Gregg Anderson, Giám đốc thị trường miền Tây của Du lịch New Zealand, cho rằng, từ khi loạt phim "The Lord of the Ring" phát hành năm 2001, lượng du khách đến quốc gia này đã tăng 50%. Trong đó, 1% số khách cho biết bộ phim là lý do khiến họ tới đây. Con số 1% tuy nhỏ, nhưng góp phần đem lại 27 triệu USD cho ngành du lịch. 6% du khách cho biết, bộ phim là một trong những lý do khiến họ đi du lịch. Hơn 80% số người đến đều biết nơi này là điểm quay loạt phim "The Lord of the Ring". Bộ phim tác động mạnh đến nền kinh tế nước này, đưa du lịch trở thành ngành có doanh thu cao thứ hai, sau ngành công nghiệp sữa. "The Lord of the Ring" cũng đã hỗ trợ 2.700 ngành nghề khác, với 95% khối lượng công việc sản xuất phim và hậu kỳ được thực hiện tại đây. Ngày nay, ngoài ngắm cảnh, du khách còn có thể mua bản sao của chiếc "nhẫn chúa" - đạo cụ trong phim, từ nhà kim hoàn Jens Hansen, gốc thổ dân Kiwi. Con trai ông tiếp nối cơ nghiệp của cha, bán chiếc nhẫn lưu niệm bằng vàng hoặc bạc, kèm chứng thư xác nhận nguồn gốc. Có thể nói, "The Lord of the Ring" đã làm cho du lịch và người dân New Zealand tăng thu nhập. Lượng khách đổ về New Zealand mỗi năm đều tăng. Cụ thể, năm 2004, New Zealand chỉ đón 4 triệu lượt khách thì đến năm 2014 tăng đến 10 triệu lượt khách. Hiện New Zealand đứng đầu danh sách 30 điểm đến từ phim ảnh được nhiều người khao khát nhất do HBO Entertainment bình chọn.

Tương tự, "Life Of Pi" của đạo diễn Lý An đã gợi cảm hứng cho chiến dịch quảng bá "Land of Pi" của Bộ Du lịch Ấn Độ với các điểm đến từng là bối cảnh của phim như: The Botanical Gardens, khu phố Pondicherry… Lượng du khách tăng vọt khiến Ấn Độ huyền bí và hấp dẫn càng thêm thu hút trong mắt du chúng. Trước đó, khi ổ chuột ở Dharavi nghèo nàn, không có tiềm năng thu hút khách, bỗng nhanh chóng lột xác trở thành điểm đến hấp dẫn của Ấn Độ nhờ đoàn làm phim "Slumdog Millionaire" chọn nơi đây làm bối cảnh chính của phim.

Cũng "bước ra" từ bộ môn nghệ thuật thứ bảy là phim trường Harry Potter nằm ở ngoại vi thủ đô Luân Đôn (Anh). Nếu trước đây chẳng ai biết đến khu vực này thì sau khi xuất hiện trong loạt phim về cậu bé phù thủy, nơi đây bỗng chật cứng khách tham quan. Đến đây, du khách có thể chiêm ngưỡng những cổng trường Howarts, lâu đài, phố phù thủy, những vật dụng như đũa phép thuật, sách vở, chai lọ độc dược hay những bộ cánh phù thủy giống như những cô bé, cậu bé Harry, Ron, Hermione… đã diện trong loạt phim ăn khách. Hay thành phố Busan của Hàn Quốc được chọn là phim trường cho hơn 40% bộ phim của quốc gia này, cũng được quảng bá khắp thế giới và trung bình mỗi năm thu hút khoảng 10 triệu lượt người tới thăm. Nhờ đó, doanh thu từ du lịch của Busan cao hơn 14 lần so với các lĩnh vực khác.

Thực tế cho thấy lĩnh vực nghệ thuật thứ bảy đã ảnh hưởng đáng kể đối với ngành công nghiệp không khói nếu biết tận dụng. Điểm đến xuất hiện trên phim có sức lan tỏa rộng, hấp dẫn du khách.

Cần có chính sách ưu đãi

Các đơn vị lữ hành đã đưa các điểm đến du lịch "ăn theo" các bộ phim truyền hình, điện ảnh nổi tiếng vào các chương trình tour. Chính quyền các nước thường ít do dự trong việc đầu tư để thu hút giới làm phim và nghiêm túc coi đó như một kênh quảng bá điểm đến du lịch bản địa. Điển hình, chính quyền liên bang New Zealand đã chi 150 triệu USD tài trợ cho quá trình sản xuất loạt phim 3 phần "The Lord Of The Rings". Đóng góp của chính phủ New Zealand chiếm hơn phân nửa tổng kinh phí của phim là 281 triệu USD. Điều cần lưu ý là khi bắt tay vào sản xuất, không ai đoán trước được rằng "The Lord Of The Rings" sẽ là loạt phim đạt doanh thu tỷ USD (thắng lớn với tổng doanh thu 2,9 tỉ USD). Vì vậy, sự mạo hiểm và xông xáo của chính phủ New Zealand đã mang về quả ngọt khi phim ra mắt, trở thành chiến dịch quảng bá du lịch rầm rộ chưa từng có trong lịch sử quốc gia này.

Tổng cục Du lịch Hàn Quốc đưa ra nhiều chính sách ưu đãi để thu hút các nhà làm phim quốc tế đến quay phim. Sang Won Je, Quản lý cấp cao Hallyu (Korean Wave) Tourism Team, cho biết: "Mỗi dự án sẽ có những chính sách hỗ trợ phù hợp. Chúng tôi từng hỗ trợ đến 20% chi phí sản xuất cho mỗi dự án phim nước ngoài quay bối cảnh tại Hàn Quốc". Tuy nhiên, Sue Beeton, Giảng viên hợp tác về du lịch tại Đại học La Trobe (Úc), tác giả cuốn "Film Induced Tourism", cho biết: "Về mặt hoạch định chính sách, còn thiếu sự thống nhất giữa bên làm du lịch và bên làm phim. Họ cần hợp tác mật thiết hơn và cân nhắc các phương án để đôi bên cùng có lợi". Hay nói cách khác, điện ảnh và du lịch cần tương tác nhiều hơn nữa, nhất là về mặt chiến lược quảng bá, chứ không đơn thuần chỉ là "ăn theo" thành công của phim ảnh. Một đại diện của điện ảnh du lịch Hàn Quốc chia sẻ kinh nghiệm rằng, họ luôn tạo điều kiện cấp giấy phép nhanh nhất, chỉ dẫn tận tình điểm đến thuận tiện cho việc quay phim, lưu giữ và bảo quản tốt các bối cảnh phim đáng giá sau khi đoàn phim ghi hình xong để đưa vào quảng bá du lịch...

Sự kết hợp giữa điện ảnh và du lịch đang mở ra hướng phát triển mới: các quốc gia tận dụng phim ảnh để quảng bá hình ảnh đất nước, ngược lại các nhà làm phim cũng giảm áp lực về vốn sản xuất hay chi phí cho các bối cảnh dàn dựng.

ÁI LAM (Tổng hợp từ CNN, AAP, Latimes)

Chia sẻ bài viết