16/07/2017 - 14:10

Điểm tựa

Đến cà phê Sân Thượng (tầng 3 khách sạn Đăng Khoa, đường Trần Bạch Đằng, phường An Khánh, quận Ninh Kiều), khách ấn tượng với chàng đầu bếp chính, rồi bác giữ xe, anh kế toán là người khuyết tật nhưng rất tài hoa, nhanh nhẹn; phục vụ quán đều là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Quán cà phê như một điểm tựa…

Những món ngon như mì cay, mì ݅ của quán Sân Thượng đều do bếp chính Nguyễn Đức Hiếu chế biến. Thực khách ngạc nhiên khi thấy Hiếu khuyết tật 1 chân, di chuyển bằng đôi nạng nhưng lại rất khéo léo, nhanh nhẹn và hòa đồng với khách. Hiếu bị tai nạn từ lúc 5 tuổi nhưng anh vẫn nỗ lực học tập, tốt nghiệp Cao đẳng chuyên ngành Công nghệ thông tin. Hiếu còn là vận động viên điền kinh- thể thao người khuyết tật TP Cần Thơ. Nhưng việc xin việc làm sau khi ra trường rất khó khăn, dù anh khá giỏi chuyên môn. Vậy rồi anh chuyển sang học ngành pha chế, nấu ăn và sau một thời gian đứng bếp tại một số quán ăn, Hiếu đã chọn cà phê Sân Thượng để lập nghiệp.

Đầu bếp Đức Hiếu và bà Hồng Mai chuẩn bị món ăn cho khách. Ảnh: DUY KHÔI

Ở quán cà phê này còn có anh chàng kế toán Nguyễn Thanh Nghị, bị khuyết tật vận động. Nghị làm việc ở đây đã gần 8 năm, từ lúc anh mới ra trường. Giờ anh Nghị đã có vợ con, kinh tế gia đình ổn định. Anh Nghị chia sẻ: "Việc làm kế toán cho khách sạn Đăng Khoa, cà phê Sân Thượng đã mang đến cho tôi cơ hội lập nghiệp. Nơi đây như là ngôi nhà thứ 2 của tôi vậy".

Bác bảo vệ Phan Văn Lộc năm nay đã gần 70 tuổi, bị lãng tai nặng, có nhiệm vụ trông coi xe khách. Bác Lộc hiện sống một thân một mình, tuổi cao lại bị khuyết tật nên tìm một việc làm để có tiền nuôi sống bản thân là điều không dễ. Bác Lộc xúc động: "Làm ở đây vui và được đồng cảm nhiều lắm".

Khách sạn Đăng Khoa trước đây là nhà nghỉ, sau nâng cấp thành khách sạn; còn dịch vụ cà phê Sân Thượng mới hoạt động từ Tết Nguyên đán đến nay. Bà Bùi Thị Hồng Mai, chủ khách sạn, cho biết thêm, 100% nhân viên phục vụ quán cà phê đều là sinh viên có hoàn cảnh khó khăn. Điển hình như cô sinh viên Thạch Thi Cha Rô Da, quê Trà Vinh, gia cảnh rất nghèo, phải tự làm thêm kiếm tiền ăn học. Rô Da kể: "Cô Mai đã sắp xếp lịch làm việc sao cho không trùng lịch học; giai đoạn em phải học giáo dục quốc phòng tại Hòa An (cơ sở của Trường Đại học Cần Thơ, ở Phụng Hiệp, Hậu Giang), cô Mai đã xếp cho em tăng ca để có tiền trang trải…". Hay nữ sinh Nguyễn Thị Thùy Trang, bị bệnh viêm xoang nặng, luôn được bà Mai quan tâm đặc biệt, tìm thuốc chữa trị…

Bà Bùi Thị Hồng Mai nói rằng, người khuyết tật đã thiệt thòi nhưng nhiều nơi lại khước từ cơ hội việc làm, lập nghiệp của họ thì thật không công bằng. "Tôi không dám nói mình giúp đỡ mà chỉ là điểm tựa để những người thiệt thòi phát huy sở trường"- bà Hồng Mai nói.

Từ câu chuyện ở quán cà phê Sân Thượng, lại nghĩ đến chuyện "cho cần câu" và "cho con cá" khi nói về hỗ trợ người khuyết tật, người nghèo. Đầu ra việc làm cho những đối tượng này sau khi đào tạo luôn là vấn đề nan giải khi mà nhiều doanh nghiệp, cơ sở còn chưa đồng quan điểm. Thế nên, suy nghĩ và cách làm của bà Hồng Mai thật đáng lưu tâm. Bà Hồng Mai còn cho biết, người khuyết tật, sinh viên nghèo có nhu cầu việc làm cứ đến liên hệ, khi có vị trí việc làm phù hợp, bà sẵn sàng tiếp nhận, hỗ trợ.

HUỲNH MAI

Chia sẻ bài viết