18/03/2016 - 20:49

Điểm cần biết của một số luật vừa được Quốc hội thông qua

Tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII, nhiều văn bản luật quan trọng được thông qua gồm: Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Tố tụng Dân sự, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, Luật Trưng cầu ý dân, Luật Phí và lệ phí, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, Luật Kế toán… Báo Cần Thơ xin trích đăng một số nội dung đáng quan tâm trong các văn bản luật được Quốc hội thông qua kỳ này.

Hoạt động giám sát của HĐND:

Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua có phạm vi điều chỉnh về hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội… Trong đó dành riêng chương III quy định về các hoạt động giám sát của HĐND, Thường trực HĐND, Ban của HĐND và đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND. Các hoạt động giám sát của HĐND gồm: xem xét báo cáo công tác của Thường trực HĐND, UBND, TAND, Viện KSND, cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp và các báo cáo khác theo quy định tại Điều 59 Luật này; xem xét quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp có dấu hiệu trái với Hiến pháp, luật, văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp trên, nghị quyết của HĐND cùng cấp; giám sát chuyên đề; lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu…

Căn cứ kết quả giám sát, HĐND có thẩm quyền bãi bỏ một phần hoặc toàn bộ quyết định của UBND cùng cấp, nghị quyết của HĐND cấp dưới trực tiếp; ra nghị quyết về chất vấn; miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch HĐND, Phó Chủ tịch HĐND, Trưởng ban của HĐND, Chánh Văn phòng HĐND đối với HĐND cấp tỉnh, Chủ tịch UBND, Phó Chủ tịch UBND và các Ủy viên UBND; giải tán HĐND cấp dưới trực tiếp trong trường hợp HĐND đó làm thiệt hại nghiêm trọng lợi ích Nhân dân.

Người có quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân:

Theo Luật Trưng cầu ý dân vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 10, công dân nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đủ mười tám tuổi trở lên tính đến ngày trưng cầu ý dân có quyền bỏ phiếu để biểu quyết khi Nhà nước tổ chức trưng cầu ý dân, trừ các trường hợp sau: người bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, người đang phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo, người bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì không được ghi tên vào danh sách cử tri; người đã có tên trong danh sách cử tri nếu đến thời điểm bắt đầu bỏ phiếu bị kết án tử hình, phải chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo hoặc bị Tòa án tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự thì UBND cấp xã xóa tên người đó trong danh sách cử tri và thu hồi thẻ cử tri.

Quốc hội xem xét, quyết định trưng cầu ý dân về các vấn đề: toàn văn Hiến pháp hoặc một số nội dung quan trọng của Hiến pháp; vấn đề đặc biệt quan trọng về chủ quyền, lãnh thổ quốc gia, quốc phòng, an ninh, đối ngoại có ảnh hưởng trực tiếp lợi ích quốc gia; vấn đề đặc biệt quan trọng về kinh tế - xã hội ảnh hưởng lớn sự phát triển đất nước… Ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân là ngày chủ nhật, do Ủy ban thường vụ Quốc hội quyết định và được công bố chậm nhất 60 ngày, trước ngày bỏ phiếu trưng cầu ý dân. Kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề đưa ra trưng cầu ý dân và có hiệu lực kể từ ngày công bố. Cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân phải tôn trọng kết quả trưng cầu ý dân; cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức và bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh kết quả trưng cầu ý dân.

Đối tượng được miễn, giảm phí, lệ phí:

Luật Phí và lệ phí vừa được Quốc hội thông qua gồm có 6 chương, 25 điều. Theo Luật này, các đối tượng thuộc diện miễn, giảm phí, lệ phí bao gồm: trẻ em, hộ nghèo, người cao tuổi, người khuyết tật, người có công với cách mạng, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và một số đối tượng đặc biệt theo quy định pháp luật. Luật nghiêm cấm cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức, cá nhân tự đặt và thu các loại phí, lệ phí; thu, nộp, quản lý và sử dụng khoản thu phí, lệ phí trái với quy định pháp luật. Trường hợp vi phạm các quy định pháp luật về phí, lệ phí, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.

Quyền của người bị tạm giữ, tạm giam:

Theo Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam được Quốc hội Khóa XIII thông qua, người bị tạm giữ, người bị tạm giam có các quyền: được bảo vệ an toàn tính mạng, thân thể, tài sản, tôn trọng danh dự, nhân phẩm; phổ biến các quyền và nghĩa vụ của mình, nội quy của cơ sở giam giữ; thực hiện quyền bầu cử theo quy định Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND, quyền bỏ phiếu trưng cầu ý dân theo quy định Luật Trưng cầu ý dân; đảm bảo chế độ ăn, ở, mặc, đồ dùng sinh hoạt cá nhân, chăm sóc y tế, sinh hoạt tinh thần, gởi, nhận thư, nhận quà, nhận sách, báo, tài liệu; gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự và người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự…

Tại Chương V Luật này quy định cụ thể chế độ đối với người bị tạm giữ, người bị tạm giam là người dưới 18 tuổi, phụ nữ có thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi. Theo đó, người bị tạm giữ, tạm giam là người dưới 18 tuổi được gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự quy định tại Điều 22 của Luật này với số lần thăm gặp tăng gấp đôi so với người bị tạm giữ, tạm giam là người đủ 18 tuổi trở lên.

Người bị tạm giữ, tạm giam và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác liên quan có quyền khiếu nại đối với quyết định, hành vi của cơ quan, người có thẩm quyền trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam nếu có căn cứ cho rằng quyết định, hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Thời hiệu khiếu nại lần đầu là 30 ngày kể từ ngày nhận hoặc biết được quyết định, hành vi trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam mà người khiếu nại cho rằng có vi phạm pháp luật. Thời hiệu lần khiếu nại tiếp theo là 15 ngày kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của người có thẩm quyền.

Viện trưởng Viện KSND cấp huyện, Viện trưởng Viện KSND cấp tỉnh, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự khu vực, Viện trưởng Viện kiểm sát quân sự quân khu và tương đương giải quyết khiếu nại đối với quyết định, hành vi trái pháp luật trong quản lý, thi hành tạm giữ, tạm giam của cơ quan, người có thẩm quyền thuộc trách nhiệm kiểm sát của mình.

Người không được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán:

Tại khoản 1 Điều 57 Luật Kế toán vừa được Quốc hội khóa XIII thông qua, quy định người được cấp chứng chỉ kế toán viên phải có các tiêu chuẩn: phẩm chất đạo đức nghề nghiệp, trung thực, liêm khiết, ý thức chấp hành pháp luật; bằng tốt nghiệp đại học trở lên thuộc chuyên ngành tài chính, kế toán, kiểm toán hoặc chuyên ngành khác theo quy định Bộ Tài chính; đạt kết quả kỳ thi lấy chứng chỉ kế toán viên.

Người có chứng chỉ kế toán viên hoặc chứng chỉ kiểm toán viên theo quy định Luật kiểm toán độc lập được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán qua doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh dịch vụ kế toán khi có đủ các điều kiện theo quy định tại Luật này.

Những người sau đây không được đăng ký hành nghề dịch vụ kế toán: cán bộ, công chức, viên chức, sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân, viên chức quốc phòng, Công an nhân dân; người đang bị cấm hành nghề kế toán theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự…

PHƯƠNG DUNG

Chia sẻ bài viết