22/07/2019 - 16:39

Dịch vụ may đồng phục vào mùa 

Đồng phục học sinh có thị trường khá lớn nhưng nhu cầu thường chỉ tập trung vào một mùa trong năm. Nắm bắt cơ hội này, chị Trần Thúy Liên, ngụ phường Xuân Khánh, quận Ninh Kiều mở rộng dịch vụ may mặc tại nhà, nhận đặt may đồng phục hằng năm, giúp tăng thêm thu nhập và giải quyết việc làm cho nhiều lao động.

Chị Liên (bìa trái) đang đo ni áo dài cho khách.

Từ giữa tháng 6 đến nay, nhà riêng của chị Liên luôn trong không khí tất bật. Gian nhà đầy ắp các loại trang phục, chuẩn bị giao cho nhiều trường khắp các tỉnh ĐBSCL. Vừa lo phụ kiểm tra các mặt hàng áo sơ mi, quần tây cho học sinh các trường từ cấp Tiểu học đến THPT, chị Liên còn liên tục bận rộn với nhiều khách hàng là học sinh và giáo viên đến may áo dài.

Hồi trẻ, chị Liên theo học nghề làm đẹp, nghề mà chị rất yêu thích. Nhưng sau khi học và làm nghề chừng 2 năm, chị phát hiện mình bị dị ứng với một số loại mỹ phẩm dùng trong ngành tóc. Sau trận bệnh vì dị ứng mỹ phẩm, chị đành từ bỏ đam mê. Khi đó, mẹ ruột của chị đang là thợ thêu lành nghề, có cả thêu tay và thêu máy. Nhận thấy nghề may mặc có “đất sống”, bà khuyên con gái tầm sư học may. Năm 20 tuổi, chị Liên đã thành thạo nghề, bắt đầu nhận may đồ cho khách, đủ các loại: áo sơ mi, quần tây, áo bà ba, áo kiểu,... rồi gắn bó nghề này đến nay đã tròn 30 năm. Chị Liên cho biết: “Năm 2012, ông xã tôi đề xuất ý tưởng nhận may đồng phục học sinh, đây là một thị trường còn nhiều tiềm năng. Hễ mình đưa ra mẫu mã đẹp, giá cả cạnh tranh thì không lo không tìm được khách hàng. Vậy là Công ty TNHH MTV Sản xuất thương mại Thúy Liên được thành lập. Tôi phụ trách thiết kế mẫu đồng phục, ông xã phụ trách khâu giới thiệu sản phẩm, chào giá trực tiếp ở các trường từ Tiểu học đến THPT. Đến nay, công ty đã có liên kết thường xuyên với khoảng 13 trường ở các tỉnh: Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Vĩnh Long, Tiền Giang”. Hằng năm, cứ qua Tết Nguyên đán, gia đình chị Liên bắt tay vào may đồng phục học sinh, gồm nhiều loại: áo sơ mi, quần tây, váy, trang phục thể dục với 4 loại kích cỡ, thêm phù hiệu, thiết kế và in logo lên trang phục cho các trường. Sao cho đến tháng 6 thì có hàng sẵn sàng lên xe đem giao lần lượt đến hết tháng 8 dương lịch với số lượng trung bình mỗi năm khoảng 2.000 bộ đồng phục. Bên cạnh đó, từ giữa tháng 6 dương lịch, chị Liên bắt đầu đón khách may áo dài chuẩn bị tựu trường, chủ yếu là nữ sinh THPT và cô giáo.

Để hoàn thành số lượng đơn hàng may mặc khá lớn này, chị Liên nhờ sự hỗ trợ của tổ hợp tác may gia công do cháu chị thành lập ở TP Hồ Chí Minh lo phần đồng phục áo sơ mi, quần tây,... Còn chị Liên phụ trách đo, cắt vải áo dài và giao đội ngũ 4 thợ may riêng của chị phụ trách gia công hoàn thiện. Ngoài ra, còn có 3 thợ phụ đến làm việc toàn thời gian tại nhà chị, phụ trách các khâu: ủi vải, ủi sản phẩm sau khi may hoàn thiện, chạy đường viền tà áo dài, xếp đồng phục, cắt vải, dập logo,.. Tùy số lượng sản phẩm ít, nhiều thu nhập mỗi thợ may gia công của chị Liên có thể kiếm được thu nhập từ 5-8 triệu đồng/tháng; thợ phụ được trả từ 3-4 triệu đồng/tháng.

Chị Võ Thị Tuyết, cùng ngụ phường Xuân Khánh, là thợ phụ làm việc tại nhà chị Liên, cho biết: “Nhờ người quen chung xóm là thợ may của chị Liên giới thiệu, tôi qua làm cho chị Liên được khoảng hơn gần 2 năm nay. Chủ yếu phụ trách ủi vải, ủi quần áo, chạy đường viền tà áo và xếp đồ. Mùa khác tôi kiếm được chừng 3 triệu đồng/tháng, nhưng mùa hè, nhờ lượng đồ đồng phục nhiều, tiền công tăng thêm từ 1-1,5 triệu đồng nữa”. Còn chị Bùi Thị Nhiệt có tiệm mua bán nhỏ, chủ yếu giao các mặt hàng nhu yếu phẩm cho mối quen vào buổi tối nên ban ngày chị tranh thủ đến nhà chị Liên làm thêm. Các khâu xếp đồ, đóng gói, cắt chỉ, ủi đồ, chạy viền tà áo khá đơn giản và nhẹ nhàng nên chị mau quen việc, gắn bó được hơn 2 năm nay.

Chị Liên cho biết: “Từ năm 2015, tôi đã chuyển sang tập trung may chuyên áo dài, vì thế ngày càng có nhiều khách hàng trở thành “mối ruột”. Mỗi ngày có từ 3-4 khách đến may áo dài, tổng cộng lên đến khoảng một trăm bộ/tháng. Tiền công may mỗi bộ áo dài là 330.000 đồng. Từ nay đến hết đầu tháng 9 là vào thời gian nước rút, phải đảm bảo đơn hàng đồng phục cho các trường, nơi nào thiếu phải bổ sung ngay. Đồng thời, cũng phải đảm bảo giao áo dài đúng hẹn cho các em nữ sinh và giáo viên. Vì thế, nhiều thợ may phải tranh thủ làm gấp mới kịp”.

Những ngày này, phòng khách nhà chị Liên luôn treo sẵn gần 20 bộ áo dài trắng học trò. Gắn bó với nghề may, không chỉ vợ chồng chị Liên mà cậu con trai duy nhất của anh chị cũng đang tập tành kinh doanh lĩnh vực thiết kế, may và in ấn đồng phục chất liệu thun cotton cho các đội, nhóm, gia đình,... tiếp tục tạo thêm việc làm cho nhiều lao động.

Bài, ảnh: Mỹ Tú

Chia sẻ bài viết