05/03/2020 - 07:43

Dịch COVID-19: WB hỗ trợ 12 tỉ USD giúp các nước đối phó 

Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 3-3 đã công bố gói hỗ trợ tài chính trị giá 12 tỉ USD để giúp các nước đối phó với dịch COVID-19 do SARS-CoV-2 gây ra.

Một bệnh nhân hồi phục tặng huyết tương tại Vũ Hán, Trung Quốc. Ảnh: EPA

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch WB David Malpass cho biết mục tiêu của gói hỗ trợ này là nhằm cung cấp hành động nhanh chóng, hiệu quả để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia, đặc biệt là các nước nghèo hiện đang phải “oằn mình” để chống chọi với sự lây lan của dịch COVID-19.

Gói cứu trợ trên sẽ được sử dụng để mua trang thiết bị hoặc vật tư y tế, cũng như chi phí tư vấn về chuyên môn và chính sách. Một khoản trong số tiền 12 tỉ USD này được phân bổ tới các quốc gia nghèo nhất trên thế giới.

Tính đến chiều 4-3, toàn thế giới ghi nhận 93.526 ca nhiễm bệnh với 3.204 trường hợp tử vong. Trong đó Trung Quốc đại lục có 80.282 ca nhiễm và 2.981 người tử vong, kế đến là Hàn Quốc (5.621 và 33), Ý (2.502 và 79), Iran (2.336 và 77). 

Ông Malpass cho biết số tiền trên, trong đó có 8 tỉ USD là huy động mới, sẽ được chuyển đến các quốc gia đã đề nghị được trợ giúp. WB trước đó đã liên hệ với nhiều quốc gia thành viên, song Chủ tịch WB không cho biết nước nào sẽ nhận được khoản viện trợ đầu tiên.

Ông Malpass nhấn mạnh WB muốn tận dụng tốt nhất các nguồn lực và chuyên môn toàn cầu, cũng như các kinh nghiệm ứng phó với các cuộc khủng hoảng như dịch Ebola và Zika trước đây để hỗ trợ các quốc gia bị ảnh hưởng. 

Theo thông báo mới nhất của WB và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), kỳ họp mùa Xuân của các bộ trưởng tài chính và đại diện các ngân hàng trung ương sẽ được tổ chức trong 3 ngày từ 16 - 18/4 tới dưới hình thức trực tuyến để phòng tránh nguy cơ dịch COVID-19 lây lan. 

Các cuộc họp được tổ chức định kỳ hai năm một lần này thu hút sự tham gia của hàng nghìn quan chức, báo giới và các đại diện từ khu vực kinh tế tư nhân từ 180 quốc gia thành viên.

Hàn Quốc công bố gói ngân sách bổ sung gần 10 tỉ USD  

Trước thực trạng dịch COVID-19 diễn biến nghiêm trọng tại Hàn Quốc, Chính phủ nước này ngày 4-3 đã công bố gói ngân sách bổ sung 11.700 tỉ won (tương đương 9,8 tỉ USD) nhằm tăng cường các biện pháp phòng chống dịch bệnh và hỗ trợ nền kinh tế. 

Đây là gói ngân sách bổ sung ứng phó dịch bệnh lớn nhất từ trước đến nay của Hàn Quốc, vượt gói ngân sách bổ sung ứng phó với dịch Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS) năm 2015. 

Gói ngân sách bổ sung trên cần được Quốc hội Hàn Quốc phê chuẩn trước khi được giải ngân. Theo Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Hong Nam-ki, 2.300 tỉ won trong gói ngân sách này sẽ được phân bổ cho các cơ sở y tế đầu tư cho thiết bị y tế, giường bệnh và các phương tiện chữa trị cho người bệnh. 

Tính đến ngày 4-3, tổng cộng 92 quốc gia và vùng lãnh thổ đã áp đặt biện pháp hạn chế nhập cảnh hoặc thủ tục cách ly nghiêm ngặt hơn đối với những người đến từ Hàn Quốc nhằm ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Malaysia  giảm lãi suất xuống mức thấp nhất trong 10 năm 

Theo phóng viên TTXVN tại Kuala Lumpur, tại cuộc họp ngày 3-3, Ủy ban Chính sách tiền tệ (MPC) của Ngân hàng Trung ương Malaysia (BNM) đã quyết định cắt giảm lãi suất qua đêm thêm 25 điểm phần trăm xuống còn 2,5%. Đây là lần cắt giảm lãi suất qua đêm thứ 2 của BNM trong năm nay, theo đó lãi suất qua đêm của Malaysia xuống mức thấp nhất trong 10 năm.

MPC nhận định dịch COVID-19 bùng phát sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế, đặc biệt là trong quý đầu tiên của năm 2020 và tiếp tục gây thêm áp lực đối với tăng trưởng cả năm 2020.

Hàn Quốc và Thái Lan nỗ lực đối phó với tình trạng khan hiếm khẩu trang
Đối phó với dịch COVID-19, đảng cầm quyền Dân chủ đồng hành, Chính phủ và Phủ Tổng thống Hàn Quốc nhất trí sẽ tìm mọi đối sách để đảm bảo nguồn cung khẩu trang trong nước, như hủy phần lớn đơn hàng xuất khẩu và huy động doanh nghiệp sản xuất khẩu trang vào cuối tuần.
Ngày 4-3, cảnh sát Hàn Quốc đã phát hiện 59 nhà phân phối tích trữ 4,49 triệu khẩu trang và khoảng 100.000 chai nước sát khuẩn tại các nhà kho ở tỉnh Incheon và Gyeonggi, quanh thủ đô Seoul.
Tại Hàn Quốc, các nhà sản xuất và phân phối bị cấm tích trữ số khẩu trang và nước sát khuẩn vượt quá 150% mức bán ra trung bình hàng tháng của năm ngoái trong hơn 5 ngày. Những đối tượng vi phạm sẽ đối mặt với việc bị phạt tù 1-2 năm hoặc mức phạt tiền tối đa 50 triệu won (42.140USD).
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Chính phủ Thái Lan đã quyết định nắm quyền kiểm soát việc sản xuất khẩu trang nhằm đối phó với tình trạng tích trữ và thiếu hụt mặt hàng thiết yếu để phòng chống dịch COVID-19 này.
Thư ký Thường trực Bộ Thương mại Thái Lan Boonyarit Kalayanamit cho biết Cục Nội thương (DIT) sẽ kiểm soát 100% việc sản xuất 36 triệu khẩu trang mỗi tháng.
Truyền thông sở tại dẫn lời ông Boonyarit nêu rõ DIT sẽ ấn định hạn mức bán khẩu trang cho các cá nhân, những người bán trực tuyến và cửa hàng bán lẻ, trừ những cơ sở y tế. Những ai không khai báo lượng khẩu trang hiện có sẽ phải đối mặt với mức án lên tới 7 năm tù giam và mức phạt tối đa 140.000 baht (4.461USD).

 

Thanh Phương 

Chia sẻ bài viết