15/03/2015 - 09:27

Đi tìm bản sắc linh vật Việt

Từ ngày 12-23/3/2015, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam phối hợp với Bảo tàng Nam Định, Bảo tàng Quân khu 9 tổ chức triển lãm “Hình tượng sư tử và nghê trong nghệ thuật điêu khắc cổ Việt Nam” tại Cần Thơ. Gần 60 hiện vật là tượng nghê, sư tử với nét điêu khắc hài hòa, độc đáo đã mang đến cho người xem cái nhìn mới về linh vật Việt. Câu chuyện phổ biến, quảng bá linh vật Việt trong đời sống đương đại, tránh chuyện ngoại lai, pha tạp, cũng được bàn thảo.

Linh vật Việt hiền lành, thân thiện

Nếu so với những tượng sư tử đá đang nhe nanh múa vuốt thường thấy ở một số công trình, di tích hiện nay, thì 60 hiện vật tại triển lãm khiến nhiều người bất ngờ. Đó là tượng, phù điêu sư tử và nghê bằng đá, gỗ, sành, đồng, gốm… từ thời Lý, Trần, Hậu Lê đến triều Nguyễn, được tạo tác với dáng vẻ hiền lành, thân thiện và hoa văn thuần Việt. Điển hình như những tượng sư tử bằng đá từ năm 1115 tại chùa Bà Tấm (Hà Nội), tượng sư tử niên đại năm 1270 ở chùa Thông (Thanh Hóa)…

 Cặp nghê bằng gỗ niên đại thế kỷ XVII-XVIII ở chùa Xối Thượng (Nam Định) với hoa văn, điêu khắc tinh xảo, thuần Việt, được giới thiệu tại triển lãm.

Theo ban tổ chức, nét đặc trưng rõ nhất của sư tử Việt là linh vật này thường có chữ “Vương” (Hán Việt) trên trán với quan niệm “Sư Tử Vương” theo học thuyết của Phật Giáo. Sư tử Việt chỉ xuất hiện ở chùa chiền, nơi thờ phụng linh thiêng chứ không xuất hiện trong nhà dân, công trình công cộng theo kiểu “giữ nhà” như hiện nay. Sư tử Việt từ ngàn xưa ít đứng để “thị uy” mà đội tòa sen, được các vị Bồ tát, Kim cương cưỡi trên lưng, toát lên nét thiền định, dùng để tôn vinh đạo cao, đức trọng, cũng có nghĩa là tôn vinh đạo nghĩa, nhân tính. Sư tử Việt thường có viên ngọc đính trên đầu, trong miệng với vẻ mặt vui tươi, thể hiện sự sung túc thịnh vượng, khác với sư tử ngoại lai nhe nanh, chân giơ móng nhọn đạp viên ngọc thể hiện sự bá chủ, bá quyền.

Trong tâm thức người Việt, nghê là một linh thú. Theo các nhà khoa học, văn hóa, có thể phân chia nghê Việt thành cách dòng: sư tử nghê, long nghê, kỳ lân nghê và khuyển nghê. Trong đó, sư tử nghê xuất hiện trong mỹ thuật thời Lý – Trần, gắn bó với văn hóa Phật Giáo. Long nghê đầu rồng, miệng lớn, râu dài, ức có ngấn chạy xuống bụng, bắp chân có chớp lửa. Kỳ lân nghê mình vẩy lưng có kỳ, có sừng, xuất hiện trong khu vực gian thờ, đứng chầu trong hương án. Khuyển nghê mình không có vảy, đầu không có sừng, thường đội bảng văn hay cối cửa, thành bậc. Tuy nhiên, dù ở dạng thức nào thì nghê Việt mặt luôn ngẩng cao, hoan hỉ chào đón, gương mặt tươi vui, phúc hậu chứ không cúi gằm, thể hiện tư thế đe dọa, trấn áp như các linh vật ngoại lai.

Ứng dụng trong đời sống đương đại

Trưng bày linh vật ngoại lai rất nguy hiểm

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đặng Thị Bích Liên chia sẻ: Việc bố trí các linh vật ngoại lai tại các di tích, đền chùa, nơi thờ tự… lâu ngày sẽ rất nguy hiểm. Không loại trừ khả năng vài chục năm tới, có nước khác đặt vấn đề đã có dấu ấn văn hóa, có nghĩa là có sự xuất hiện của họ ở di tích Việt từ nhiều năm trước. Bởi thế, việc loại bỏ linh vật ngoại lai ra khỏi di tích, trước hết là di tích đã được nhà nước xếp hạng, là việc cần làm và thể hiện trách nhiệm của thế hệ hôm nay với thế hệ sau.

Triển lãm ra đời trong bối cảnh cả nước đang tích cực hưởng ứng Công văn 2662 ngày 8-8-2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về khuyến cáo các tổ chức, cá nhân không trưng bày, sử dụng biểu tượng, sản phẩm, linh vật và các vật phẩm không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam. Ngoài Cần Thơ, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Bảo tàng Nam Định còn phối hợp tổ chức triển lãm ở nhiều địa phương khác trong cả nước. Bà Đặng Thị Bích Liên, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cho biết, thông điệp của triển lãm là bảo tồn và phát huy giá trị di sản thông qua nghệ thuật điêu khắc cổ với hình tượng hai linh vật thuần Việt là sư tử và nghê. Qua đó, giúp công chúng hiểu, yêu quý và có cái nhìn đúng về linh vật Việt để ứng dụng.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin, hiện nay, ngoài triển lãm, các đơn vị trực thuộc Bộ cũng đã tổ chức các buổi hội thảo, ra mắt tập san giới thiệu linh vật Việt đến công chúng. Thực tế qua triển lãm tại TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng hay Cần Thơ, nhiều người công nhận: Linh vật Việt đẹp và hiền hòa. Nếu các cuộc triển lãm, giới thiệu linh vật Việt phát huy tác dụng và được đưa vào đời sống, chắc chắn linh vật ngoại lai sẽ “không có đất dụng võ”. Hiện nay, nhà điêu khắc Liên Vũ (Hà Nội) đã giới thiệu một số mẫu linh vật do ông cách tân, cải tiến từ các mẫu hiện vật thu thập trong các di tích đang được các công chúng yêu thích, chọn mua. “Chúng tôi khuyến khích các nhà điêu khắc sáng tạo, cách tân trên nền linh vật Việt đã có. Chúng ta đã có sư tử thời Lý – Trần, nghê thời Hậu Lê… thì tại sao không nghĩ đến việc sẽ có sư tử, nghê đương đại phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam?” – Thứ trưởng Đặng Thị Bích Liên đặt vấn đề.

Các đại biểu tham quan triển lãm.

Cũng theo bà Đặng Thị Bích Liên, đến tháng 7-2015, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh, thành phố trong cả nước phải gửi báo cáo thực trạng, biện pháp giải quyết linh vật ngoại lai tại các di tích đã được xếp hạng. Biện pháp tối ưu để quyết định giữ hay không giữ các linh vật là căn cứ theo hồ sơ khoa học di tích khi xếp hạng. Những linh vật nào được cung tiến, cúng dường… sau thời gian được công nhận di tích sẽ phải tháo dỡ theo đúng Luật Di sản. Trước băn khoăn của chúng tôi xung quanh việc xử lý linh vật ngoại lai sau khi bị tháo dỡ, bà Liên chia sẻ: “Suy cho cùng đó cũng là tấm lòng của người dân nên việc buộc gửi lại họ thì không hay. Hướng quy hoạch một phần đất nhỏ làm công viên trưng bày xem như giới thiệu nghệ thuật điêu khắc nước ngoài cũng là cách làm hay, đã thí điểm ở Hà Nội”.


* * *

Các hình tượng, mẫu linh vật Việt đã có, sự khuyến khích sáng tạo từ ngành chức năng cũng đã có, vấn đề còn lại là tâm và tài của các nhà điêu khắc, nghiên cứu văn hóa cũng như ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thông qua tín ngưỡng linh vật của mỗi người. Một khi chúng ta có ý thức bảo tồn linh vật Việt thì sẽ loại được linh vật ngoại lai ra khỏi đời sống đương đại.

Bài, ảnh: ĐĂNG HUỲNH

Chia sẻ bài viết