08/08/2014 - 22:11

Đi sai làn đường, nguy hiểm chực chờ

Các tuyến đường đều có các vạch kẻ trắng để phân làn cho xe chạy nhưng trên thực tế, còn nhiều người chưa đi đúng làn đường. Chẳng hạn như tại tuyến đường Nguyễn Văn Cừ (đoạn từ đầu lộ 20) đến bùng binh (gần Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ), do đường mới mở rộng, lưu thông rất thông thoáng, không còn cảnh chen lấn, kẹt xe như trước kia nhưng nhiều xe gắn máy vẫn chạy vào làn dành cho xe ô tô. Qua quan sát cho thấy, dù đường rộng rãi nhưng không ít người dân vẫn thờ ơ với việc đường được phân làn. Trong vài phút, có vài chục trường hợp người điều khiển xe máy vô tư lấn sang đường dành cho xe ô tô. Còn ở các tuyến đường chính quận Ninh Kiều, khi không có lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh chạy sai làn diễn ra rất phổ biến. Càng gần giờ cao điểm, tình trạng lấn làn, chạy sai làn càng phổ biến hơn. Các tuyến đường trở nên chật chội, ai ai cũng muốn tìm khoảng trống để chạy xe nhanh, cho kịp giờ làm việc, kịp giờ vào lớp của con hay để tránh tắc đường. Vì thế, số người cố ý lấn làn đường cũng theo đó mà tăng lên. Cá biệt, có những người đi theo làn đường theo... tình hình thời tiết. Nếu thời điểm đó, nắng chiếu mạnh vào làn đường dành cho phương tiện của họ, họ sẽ "dạt" sang làn đường dành cho xe khác, hay như làn đường đang lưu thông bỗng dưng gió bụi nhiều, họ cũng cho xe "lánh tạm" làn đường kế cận. Tuy nhiên, còn một nguyên nhân khác, do nhiều người không hiểu quy định, chạy theo tâm lý đám đông. Chị Hồng Châu, người dân ở đường Nguyễn Văn Cừ, kể: "Đa số bạn bè tôi chạy xe theo tâm lý đám đông, thấy mọi người chạy cứ thế chạy theo. Họ chạy xe mà không xác định làn đường nào dành cho xe máy, làn đường nào dành cho ô tô, vạch đường nào được phép chạy qua. Bản thân tôi, tôi rất sợ chạy không đúng làn đường vì nguy cơ bị ô tô đâm phải. Trên các phương tiện thông tin đại chúng thường đăng tải nhiều vụ người tham gia giao thông chết thảm dưới bánh xe container cũng là vì đi sai làn đường".

Xe gắn máy "vô tư" đi vào làn ô tô.

Để đảm bảo an toàn, mỗi chủ phương tiện cần nâng cao ý thức chấp hành quy tắc sử dụng làn đường, không nên vì một thói quen, một việc gấp gáp mà có thể chuốc lấy những tai họa khôn lường. Luật Giao thông đường bộ quy định sử dụng làn đường như sau: Trên đường có nhiều làn đường cho xe đi cùng chiều được phân biệt bằng vạch kẻ phân làn đường, người điều khiển phương tiện phải cho xe đi trong một làn đường và chỉ được chuyển làn đường ở những nơi cho phép; khi chuyển làn đường phải có tín hiệu báo trước và bảo đảm an toàn. Trên đường một chiều có vạch kẻ phân làn đường, xe thô sơ phải đi trên làn đường bên phải trong cùng, xe cơ giới, xe máy chuyên dùng đi trên làn đường bên trái. Phương tiện tham gia giao thông đường bộ di chuyển với tốc độ thấp hơn phải đi về bên phải.

Nghị định 171/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, đối với người điều khiển xe ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô chuyển làn đường không đúng nơi cho phép hoặc không có tín hiệu báo trước, phạt tiền từ 300.000 đồng - 400.000 đồng, riêng với người điều khiển xe thực hiện vi phạm trên đường cao tốc thì sẽ bị phạt tiền từ 800.000 đồng-1.200.000 đồng, đồng thời bị tước quyền sử dụng giấy phép lái xe 1 tháng; đi không đúng phần đường hoặc làn đường quy định, phạt tiền từ 800.000 đồng - 1.200.000 đồng, đồng thời tước quyền sử dụng giấy phép lái xe trong 1 tháng. Nghị định 171 cũng quy định, đối với người điều khiển mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự mô tô và xe gắn máy: Chuyển làn đường không đúng nơi được phép hoặc không có tín hiệu báo trước: Phạt tiền từ 80.000 đồng - 100.000 đồng; đi không đúng phần đường, làn đường quy định hoặc điều khiển xe trên hè phố, phạt tiền từ 200.000 đồng - 400.000 đồng.

Bài, ảnh: H.H

Chia sẻ bài viết