13/03/2020 - 20:59

Đi lên từ đôi chân khuyết 

Bị khiếm khuyết đôi chân nhưng chị Nguyễn Thị Thảo, ngụ tại ấp Tân Long A, xã Tân Thới, huyện Phong Điền không đầu hàng số phận. Chị Thảo từng bước khẳng định mình, vươn lên bằng chính sức lao động và nghị lực của bản thân.

Chị Nguyễn Thị Thảo đang làm cầu lông vịt tại nhà.

Những bước chân của chị Thảo trở nên khó nhọc sau cơn sốt bại liệt khi chị mới 14 tuổi. Gia cảnh nghèo khó, vừa học đến lớp 3, chị Thảo đã phải nghỉ học. Không bi quan, không đầu hàng, chị Thảo mạnh dạn đăng ký học lớp nghề làm cầu lông vịt do Hội Người khuyết tật TP Cần Thơ giới thiệu vào năm 2002. Chị Thảo chia sẻ: "Ở vào thời điểm đó, tôi vừa học vừa làm để học hỏi kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Cũng nhờ bạn bè hỗ trợ vốn liếng, tôi bắt đầu mở cơ sở sản xuất cầu lông vịt tại nhà". Số tiền khởi nghiệp ít ỏi, chị Thảo dùng mua nguyên phụ liệu sản xuất. Để tạo đầu ra cho sản phẩm, chị Thảo không quản ngại lân la tìm mối ở nhiều tỉnh, thành xa xôi.

Chúng tôi đến thăm cơ sở làm cầu lông vịt của chị Thảo đúng lúc chị tất bật làm hàng. Vừa ráp từng trái cầu lông, chị Thảo tâm sự: "Để làm được một trái cầu lông thành phẩm phải qua rất nhiều công đoạn: cắt cánh và phơi lông vịt, ráp, may, lắp mũ, đóng đế. Do làm thành thạo nhiều năm nay nên tôi chỉ mất khoảng 5 phút để hoàn thành một trái cầu lông vịt. Tôi chọn mua lông vịt ở những công ty lông vũ có uy tín, lông đã được xử lý sạch sẽ, chỉ cần đem về cắt và phơi nắng cho thật khô". Theo chị Thảo, vào những ngày đầu mới lập nghiệp, do không có điều kiện đầu tư máy móc nên số lượng cầu lông làm ra rất ít, mỗi ngày chỉ làm được khoảng 100 trái cầu.

Để tiếp lửa cho nghị lực "tàn nhưng không phế" của chị Thảo, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Thới hỗ trợ chị vay 45 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Trong 2 năm qua, cũng nhờ số vốn vay ưu đãi này, chị Thảo có điều kiện mua sắm thêm máy móc, nguyên liệu… Bên cạnh đó, Hội cũng đã thành lập mô hình làm cầu lông vịt với 7 thành viên tham gia. Cùng với các thành viên trong gia đình, chị Thảo hướng dẫn học nghề và cho thành viên nhận hàng gia công. Tận dụng thời gian rảnh rỗi để ráp cầu lông vịt, các thành viên có thu nhập trên 70.000 đồng/ngày.

Hiện nay, cơ sở làm cầu lông vịt của chị Thảo chủ yếu làm hàng theo yêu cầu của khách, với 3 kích cỡ cầu: lớn, nhỏ và loại đế da. Giá bán lẻ chỉ có 5.000 đồng/trái; giao cho mối lái 35.000-50.000 đồng/chục, tùy theo loại. Bình quân mỗi ngày, chị Thảo làm được 300 trái cầu, giao cho các mối lái ở Long Xuyên, Hậu Giang,… Nhẩm tính số tiền hằng tháng kiếm được chỉ có vỏn vẹn 4 triệu đồng nhưng với chị Thảo, đó là niềm vui rất lớn. Chị tâm sự: "Suốt 13 năm gắn bó với nghề, đôi khi sự vất vả cũng khiến cho tôi nản lòng. Do ngồi nhiều nên tôi bị thoái hóa cột sống, rất đau nhức. Trong hành trình đi tìm tương lai tươi sáng, tôi luôn tâm niệm phải cố gắng. Mỗi ngày, tranh thủ bớt giấc ngủ đi để làm việc, cùng người em trai cũng bị khuyết tật làm lụng nuôi mẹ già". Với chị Thảo, giấc mơ cuộc đời chị rất bình dị, chỉ mong sao có đủ nghị lực để vươn lên làm ăn khấm khá từ chính sức lao động của mình.

Bài, ảnh: Hồng Vân

Chia sẻ bài viết